Nhiều năm nay, bệnh vàng lá gân xanh, thối rễ trên cây cam khiến nhà vườn ở các tỉnh miền Tây đau đầu vì đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị.
Nhiều năm nay, bệnh vàng lá gân xanh, thối rễ trên cây cam khiến nhà vườn ở các tỉnh miền Tây đau đầu vì đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị.
Gần đây, có nhiều người đến các khu vực trồng cam tập trung giới thiệu cách điều trị bệnh trên cây cam bằng cách “chích thuốc” trực tiếp vào cây.
Khi chào mời, họ dùng những lời “có cánh”, bảo đảm cam sẽ hết bệnh và xanh tốt trở lại, nhưng thực tế, sau khi “chích thuốc” nhiều vườn cam nhanh chóng tàn lụi...
Ông Trần Văn On thị phạm cách những người “chích dạo” chích thuốc cho cam. |
Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn On (Hai On, 60 tuổi, ở ấp Hòa Bình, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung- Đồng Tháp).
Vừa hỏi chuyện “chích thuốc” cho cam, ông Hai nhanh miệng nói: “Tui có chích nè”. Đoạn, ông Hai rót ly trà mời chúng tôi và hối: “Uống đi, rồi tui dẫn ra cho xem cách chích cam”.
Ông Hai On cho biết, ông có 3.000m2 trồng cam mật. Vườn cam của ông có tuổi thọ 7 năm, cho thu hoạch trái cũng được 4 mùa, nhưng dần dần cam có dấu hiệu vàng lá.
Hiện có tới 70% cây cam trong vườn bị bệnh. Tháng trước, có người đi lạo rạo trong xóm mời ông bơm thuốc cho cam để trị bệnh vàng lá.
Hơn nữa, ông Hai thấy ở địa phương cũng có người làm, nên làm theo. Dẫn chúng tôi ra vườn cam, ông Hai chỉ những gốc cam còn dấu khoan, đồng thời lượm một ống kim tiêm (loại ống chích thuốc cho vật nuôi) gắn vào lỗ khoan để làm mẫu cho chúng tôi xem.
Sau khi xem kỹ, chúng tôi phát hiện, đa số lỗ bơm thuốc có dấu hiệu bị “hoại tử”, tại vết thương bị nứt da và chảy mủ, ông Hai cũng đồng ý như vậy.
“Thôi kệ, bị vàng lá không trị được rồi nên làm đại, sống được thì phước, chết thì thôi. Hơn nữa, có ông Ba Lèo ở Định Hòa đã có chích thuốc nên mình làm theo thử vận may”- ông Hai chân tình.
Ông Hai On cho biết, họ khoan vào gốc cam một lỗ sâu khoảng 2cm, cách mặt đất khoảng 10cm, sau đó họ dùng ống chích rút dung dịch trong xô rồi lấy một đoạn ruột xe dài hơn 20cm có đục lỗ ở 2 đầu mắc vào ống chích và đặt ống thuốc vào vị trí đã khoan. Làm xong, họ dặn ông sau 24 tiếng, khi thuốc hết thì rút ống bơm ra.
Cứ mỗi ống bơm thuốc, họ lấy tiền 12.000đ và cây lớn thì 2 mũi, cây nhỏ 1 mũi. Họ pha thuốc vào trong xô nước, có mấy loại là nông dược, nhưng có 1 loại không có nhãn, hỏi thuốc gì họ không nói, họ chỉ cho biết là “thuốc của ông thầy giao cho đi làm”.
Rời Lai Vung (Đồng Tháp), chúng tôi đến vùng cam sành của huyện Trà Ôn (Vĩnh Long). Vào vườn cam của ông Trần Văn Thắng ở ấp Gò Tranh (xã Vĩnh Xuân), chúng tôi không khỏi đau lòng khi chứng kiến nhiều cây cam bị cưa ngang, nhánh cam chất đống.
Ông Trần Văn Thắng tiếc nuối những cây cam ngày nào còn xanh trái giờ đã chết, đành phải cưa bỏ. |
Nguyên nhân là do cam bị chích thuốc nên bị chết đột ngột. Ông Thắng cho biết, vườn cam 6.000m2 của ông trồng khoảng 2.500 cây cam, trong đó có một số cây bắt đầu bị vàng bạc.
Cách đây hơn 2 tháng, có người đến mời ông chích thuốc cho cam để trị bệnh vàng lá, họ cam kết hết bệnh. Kiểm tra vườn có hơn 600 cây bị vàng lá, họ ra giá 7,2 triệu đồng. Ông trả trước 5 triệu đồng, số còn lại sau khi có kết quả sẽ trả.
Tuy nhiên, sau 2 tháng bơm thuốc, cây cam bắt đầu rụng lá, rụng trái và chết. Vì vậy nên ông đành phải cưa bỏ để trồng lại cây khác.
Ông Thắng vừa chỉ cho chúng tôi xem những gốc cam bị cưa ngang, phần gỗ bị thâm đen như đang khô dần. Vừa nói chuyện, chỉ gốc cam, ông Thắng lấy chiếc điện thoại mở hình cho chúng tôi xem cây cam xanh mướt, chỉ có 1 ngọn vàng.
“Trước khi chích thuốc nó vầy nè, có khoảng 300 trái, giờ thì chỉ còn lại gốc. Sau khi chích thuốc, nó rụng trái rồi lá, nhánh cũng dần dần rụi luôn. Nếu không chích thuốc thì cây này cũng thu hoạch được trái mùa này. Giờ, tiền mất mà cam cũng chết luôn.
Trước khi chích thuốc, họ cam kết đạt 100%, chỉ lấy trước 50%, khi có kết quả mới lấy phần tiền còn lại. Nghĩ cũng chắc ăn nên mình đưa trước 5 triệu.
Giờ cam chết, họ cũng đi mất, điện thoại kiếm họ để đòi tiền, nhưng họ không nghe rồi... trốn biệt”- ông Thắng than thở.
Trước thiệt hại của nông dân bởi nghe lời dụ dỗ của những người chích cam dạo, chúng tôi tìm gặp cơ quan chức năng, nhưng hiện cũng chưa có kế hoạch khuyến cáo cho nông dân.
Ông Huỳnh Quang Toàn- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Lai Vung cho biết: Có nghe chuyện chích thuốc cho cam, nhưng chưa có báo cáo cụ thể từ địa phương.
Theo ông Toàn phân tích, việc bơm thuốc vào cây cam là cưỡng bức điều hòa phân bón, tạo dinh dưỡng.
Đây là hình thức cuối cùng, khi cây đã hư rễ và lá cũng không hấp thu được dinh dưỡng qua bón lá và bón gốc. Mặt khác, khi bơm thuốc, khoan cây sẽ tạo vết thương làm nấm bệnh dễ xâm nhập làm tổn thương nặng thêm.
Tương tự ở Lai Vung, Phòng Nông nghiệp huyện Trà Ôn cũng chỉ nghe nói chứ chưa có tận mắt chứng kiến.
Khi chúng tôi nói về cách chích thuốc cam, ông Nguyễn Minh Thuấn- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp liền cử cán bộ kỹ thuật đi cùng chúng tôi để xem xét kiểm tra và báo cáo lại để có kế hoạch khuyến cáo nông dân.
Ông cho biết, việc này do nông dân làm lén, có khi cùng là nông dân trồng cam cũng giấu nhau, người đi bơm chích cũng lén lút, nên khó kiểm tra được.
Theo ông Huỳnh Văn Sang (Hai Sang)- tỷ phú cam sành ở xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn): Cây cam sành rất khó trồng, nhưng khi hiểu được kỹ thuật thì rất dễ. Trước hết, phải chọn vùng đất phù hợp, sau là sử dụng phân bón vừa phải, tránh tình trạng lạm dụng phân thuốc quá liều vừa làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh vừa làm cây cam mau tàn. Nói về việc bơm thuốc, ông Hai bức xúc: “Tôi hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều người, cần chăm sóc theo cách truyền thống. Tuyệt đối không sử dụng phương pháp này, không khoa học. Một khi cây cam bị bệnh là rễ và lá đã hư, chúng không hấp thu được phân bón qua lá và rễ thì chỉ nên đốn trồng cây khác, đừng tiếc rồi làm bừa sẽ “tiền mất, tức mang”. Tôi cũng có nghe nhiều người ở Hậu Giang làm cách này rồi, nhưng rồi cũng phải đốn bỏ thôi”. |
Bài, ảnh: HÙNG HẬU
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin