Để giải "bài toán" về an toàn thực phẩm (ATTP), bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức và xóa bỏ hoàn toàn tư tưởng "vì lợi nhuận mà bất chấp" của người sản xuất, chế biến và kinh doanh. Chỉ có vậy mới giúp người tiêu dùng (NTD) an tâm chọn thực phẩm và đảm bảo sức khỏe cho thế hệ sau này.
Các tin liên quan |
Để giải “bài toán” về an toàn thực phẩm (ATTP), bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức và xóa bỏ hoàn toàn tư tưởng “vì lợi nhuận mà bất chấp” của người sản xuất, chế biến và kinh doanh. Chỉ có vậy mới giúp người tiêu dùng (NTD) an tâm chọn thực phẩm và đảm bảo sức khỏe cho thế hệ sau này.
Đoàn khảo sát ATTP tại DNTN Sản xuất nước chấm Hòa Hiệp. |
Cần giải quyết những bất cập và “khe hở” của pháp luật
Giai đoạn 2011- 2016 vấn đề đảm bảo ATTP được các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đặc biệt quan tâm.
Trên cơ sở ban hành Luật ATTP năm 2010, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện luật, từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đảm bảo ATTP từ trung ương đến cơ sở.
Tuy nhiên, “các nghị định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) còn nhiều bất cập và khe hở. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến công tác quản lý ATTP còn gặp nhiều khó khăn”- ông Trương Thanh Sử- Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết.
Chẳng hạn, quy định xử phạt vi phạm ATTP đối với một số hành vi VPHC về không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, không khám sức khỏe định kỳ..., thì không có biện pháp khắc phục hậu quả. Không có điều khoản xử lý đối với việc kinh doanh thực phẩm có sử dụng phụ gia, hóa chất ngoài danh mục, cấm sử dụng.
Vì vậy, khi phát hiện vi phạm thì gặp khó trong việc xử lý. Việc vi phạm “sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng nhưng không kê khai trong hồ sơ công bố” thì cũng không quy định hình thức xử phạt.
Việc bơm nước vào gia súc thì chỉ xử phạt 5- 6 triệu đồng là quá thấp và không có quy định hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm nên chưa đủ sức răn đe.
Thực trạng tẩm ướp hóa chất để bảo quản thực phẩm gây nguy hại đến sức khỏe NTD, nhưng không có quy định xử phạt về hành vi này đối với người bán hàng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.
Theo ông Trương Thanh Sử, bên cạnh việc xem xét, giải quyết những bất cập như trên cũng cần sửa đổi một số quy định mà đến nay đã không phù hợp.
Cụ thể: Luật ATTP năm 2010 và Nghị định số 38 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều về trách nhiệm quản lý ATTP.
Trong đó, Bộ Y tế quản lý nước đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, trong khi Bộ Công thương quản lý nước giải khát. Xét thấy nước đóng chai và nước giải khát đều có công dụng, đặc tính tương tự như nhau nên kiến nghị về một bộ quản lý để dễ thực hiện hơn.
“Các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra chuyên ngành ATTP và xử phạt VPHC còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ. Chẳng hạn, cùng một hành vi VPHC nhưng mức xử phạt ở Nghị định 178 và 80 của Chính phủ là khác nhau. Do đó, cần hoàn thiện các quy định về ATTP phù hợp với tình hình thực tế”- ông Mai Thanh Hùng- Phó Giám đốc Sở Y tế- đề xuất.
Bên cạnh, cần hỗ trợ kinh phí cho hoạt động quản lý về ATTP vì ngân sách địa phương rất hạn hẹp nên việc đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công tác lấy mẫu giám sát cảnh báo mối nguy ô nhiễm thực phẩm còn nhiều hạn chế.
Đồng thời, cần tăng cường nguồn nhân lực làm công tác quản lý ATTP và thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ATTP để đáp ứng yêu cầu thực tế.
Ông Liêu Cẩm Hiền- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- thì kiến nghị, xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP về việc phân công trách nhiệm quản lý ATTP rõ ràng, cụ thể hơn để các bộ ngành không phải xây dựng thêm các thông tư liên tịch khi triển khai thực hiện Luật ATTP vào đời sống.
Ngoài ra, cần điều chỉnh, bổ sung Thông tư số 149 về phí xác nhận kiến thức ATTP; xem xét miễn giảm phí kiểm tra, thẩm định đối với một số đối tượng đặc biệt như cơ sở nhỏ lẻ ở địa bàn khó khăn; xem xét bỏ phí kiểm tra định kỳ vì đây là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước chứ không phải thực hiện dịch vụ công.
|
Theo kế hoạch, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ xây dựng 95 điểm bán thực phẩm đạt tiêu chí ATTP. Đồng thời, phấn đấu các chợ hạng I, hạng II sẽ xây dựng từ 5- 10 điểm bán thực phẩm đạt tiêu chí ATTP; khuyến khích xây dựng các điểm bán thực phẩm đạt tiêu chí ATTP tại các chợ hạng III. |
Cần xóa bỏ tư tưởng “trồng rau 2 luống, nuôi heo 2 chuồng”
“Chưa bao giờ vấn đề thực phẩm bẩn lại “nóng” như thời điểm này. Giờ đây nhìn đâu cũng thấy thực phẩm bẩn; chăn nuôi thì sử dụng chất cấm, trồng rau thì phun hóa chất, thuốc kích thích rất độc hại…
Mỗi khi đi chợ, chúng tôi thực sự bị “ám ảnh” trước muôn hình vạn trạng cách gian lận của người bán và khó mà phân biệt đâu là hàng đảm bảo chất lượng, nhưng không ăn thì biết sống bằng gì?”- anh Nguyễn Thanh Tuấn (Phường 9- TP Vĩnh Long) thở dài.
Theo anh Tuấn, qua hàng loạt thông tin về việc cơ quan chức năng phát hiện các loại thực phẩm “bẩn”, để có bữa cơm an toàn, anh thường chọn mua thực phẩm tại các cửa hàng thực phẩm uy tín dù giá cao hơn bên ngoài để tự bảo vệ mình.
Tuy nhiên, từ thực trạng trên, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng để chấn chỉnh tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay.
Nhiều người tiêu dùng kiến nghị, các cơ quan chức năng cần xem xét liệt kê những chất gây hại trong thực phẩm đưa vào danh mục cấm và đặt khung hình phạt thật nặng, thậm chí cần có khung án tử hình, vì việc sử dụng hóa chất độc hại để kinh doanh, mua bán cũng gây những hệ lụy khó lường về sức khỏe và đầu độc NTD.
Đồng thời, cần có phương án yêu cầu những hộ kinh doanh không được buôn bán chất phụ gia độc hại, nếu vi phạm sẽ rút giấy phép kinh doanh và tùy vào mức độ mà tăng hình phạt đối với họ.
Bên cạnh, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành địa phương, giám sát chặt chẽ việc kiểm dịch động vật, tránh tình trạng “qua mặt” các lực lượng chức năng.
“Nếu luật pháp chưa đưa ra “tính nghiêm trọng” của vấn đề ATTP thì người dân sẽ không ý thức được việc làm của họ gây ảnh hưởng, nguy hại như thế nào”- một NTD khẳng định. Khi lợi nhuận được đặt lên hàng đầu, thì chỉ có khung hình phạt nặng mới đủ sức răn đe và làm cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh ý thức được trách nhiệm của mình.
Qua khảo sát, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011- 2016, vấn đề được ông Lưu Thành Công- Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Vĩnh Long- quan tâm là nâng cao đạo đức, trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh.
Tránh trường hợp, sản xuất hàng sạch một bên để ăn, làm hàng bẩn một bên để bán. Đạo đức không cho phép người sản xuất làm theo kiểu “trồng rau 2 luống, nuôi heo 2 chuồng”.
Bên cạnh công tác tuyên truyền để người dân trở thành NTD thông thái cũng cần gắn với pháp luật, cụ thể là Bộ luật Hình sự về tội “giết người hàng loạt”, bởi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn là nguyên nhân đầu độc gây ung thư, chết dần mòn cả thế hệ chúng ta và thế hệ con cháu sau này.
|
Giai đoạn 2011- 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy định về ATTP và tuyên truyền rộng rãi trong dân. Qua đó, đã tổ chức 343 lớp tập huấn hội nghị, hội thảo với hơn 16.800 lượt người dự, trong đó có 4.500 cơ sở sản xuất; các ngành chức năng đã cấp hơn 37.300 giấy xác nhận kiến thức về ATTP; có gần 2.150 cơ sở cam kết không sản xuất kinh doanh hàng hóa không đảm bảo ATTP, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng ngoại nhập. |
Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin