Chìa khóa giải "bài toán" an toàn thực phẩm

Cập nhật, 06:37, Thứ Ba, 18/04/2017 (GMT+7)

Thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn luôn là nỗi lo của người tiêu dùng. Để quản lý mỗi quy trình, từ khâu sản xuất, chế biến đến bày bán và tới bàn ăn là cả “bài toán” đặt ra, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng.

Kỳ 1: Nỗi lo mang tên...

“mất an toàn vệ sinh thực phẩm”

Đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công và Nguyễn Thị Minh Trang (giữa) khảo sát thực tế tình hình mua bán thực phẩm tại Siêu thị Co.opmart.
Đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công và Nguyễn Thị Minh Trang (giữa) khảo sát thực tế tình hình mua bán thực phẩm tại Siêu thị Co.opmart.

Đi chợ mua gì và ăn gì cho ngon và lành luôn là nỗi đắn đo của người nội trợ. Những năm gần đây, số vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và ngộ độc thực phẩm ngày càng tăng, không chỉ gây “đau đầu” đối với các nhà quản lý mà còn là nỗi lo lớn của người tiêu dùng.

Thực phẩm kém an toàn, ngộ độc gia tăng

Mua bịch miến nấu sẵn tại quán ăn, định bụng đến lúc đói sẽ ăn, nên chị Xuân Nương (Phường 2- TP Vĩnh Long) đem rau muống, giá và bắp chuối bào (được người bán cho kèm) ngâm trong nước với ý nghĩ “sẽ giúp rau lâu bị héo”, nhưng không ngờ chỉ vài giờ sau mớ rau đã lên bọt và bốc mùi hôi thối. Kể từ đó, chị “cạch” luôn món rau sống ngoài hàng quán.

Không những vậy, từ khi chị Nương mở tiệm buôn bán cạnh khu ăn uống ở một chợ huyện, hàng ngày chứng kiến cảnh... “nhìn không dám ăn” trong cách chế biến của các tiểu thương, nên dù có “lười cách mấy tui cũng tự nấu ăn”- chị Nương chia sẻ.

Bởi, chị chứng kiến các điểm bán đồ chiên thì dầu ăn được chiên đi chiên lại rất nhiều lần và đã lên màu đen ngòm nhưng người bán vẫn “vô tư” dùng xong thì đổ vào can nhựa, sáng hôm sau lại đổ ra chiên tiếp và cứ từ ngày này qua tháng khác như thế.

Rồi chưa kể tô, chén, dĩa, ly, muỗng,... khách ăn xong cả mấy trăm cái nhưng chỉ rửa qua trong 1- 2 xô nước dùng liên tục trong ngày. Còn rau giá mua về thì chẳng thèm rửa mà đổ ra thau dùng bán hủ tiếu, phở, cháo lòng,… luôn.

“Trong chế biến thức ăn, người bán thường bỏ bột làm mềm cấp tốc vào một số món ăn để không mất nhiều thời gian đun nấu.

Cũng có trường hợp, người bán bún riêu thay vì dùng hạt điều xào với dầu ăn cho lên màu thì lại chế hỗn hợp chất lỏng có màu cam không nhãn mác, không rõ nguồn gốc để có được nồi nước lèo bún riêu vàng ươm óng ánh rất đẹp mắt.

Tuy nhiên, đã có người mua về ăn cho biết là bị đau bụng, nhức đầu, chóng mặt, tiêu chảy...”- chị Nương cho biết.

Đó là chưa kể đến chuyện trong tô hủ tiếu có ruồi; trong bánh canh có vướng tóc, trong cháo có lẫn giấy vệ sinh hay trong cơm tấm có lẫn sợi cước chùi nồi. Dù có thể là “những sự cố không mong muốn” nhưng một khi ai đã là “nạn nhân” trong những sự cố trên thì cũng… “chạy mất dép”.

 

Năm 2011- 2016, toàn tỉnh xảy ra 29 vụ ngộ độc thực phẩm với 639 người mắc và 1 người chết. Qua thanh- kiểm tra gần 80.800 lượt cơ sở, trong đó có hơn 14.300 lượt cơ sở vi phạm về ATVSTP, chiếm 17,7% và đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 4,9 tỷ đồng.

Vì lợi nhuận mà bất chấp

Một lần, chúng tôi đến ăn tại quán cháo vịt quen, chủ quán chia sẻ: “Người bán bắp chuối bào thường không dám dùng tay để bốc, bởi sợ… hư tay vì thuốc tẩy”. Câu chuyện đã cho chúng tôi một câu hỏi rằng: Với việc ngâm thuốc tẩy trắng, thử hỏi mỗi lần chúng ta ăn thì ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?

Theo lời kể của ông Phan Văn Thông- tiểu thương bán nước giải khát ở một chợ huyện, ông thường đem nước cho khách từ lúc tờ mờ sáng nên thường xuyên chứng kiến một số người bán thịt heo dùng hàn the để bôi lên thịt với mục đích giữ thịt luôn tươi màu, kéo dài thời gian bảo quản và sử dụng.

Trong khi hàn the là chất bị Bộ Y tế liệt kê vào danh sách các hóa chất cấm sử dụng trong vai trò của phụ gia thực phẩm, vì với liều sử dụng hàn the từ 5g trở lên là đã gây ngộ độc cấp tính, có thể dẫn đến tử vong.

Còn nếu dùng với liều lượng thấp có thể gây ngộ độc mạn tính, ảnh hưởng đến gan, thận, gây biếng ăn và suy nhược cơ thể. Khi vào cơ thể, hàn the khó bị đào thải mà tích tụ trong gan, đến khi lượng tích tụ đủ lớn sẽ gây tác hại mạn tính, nhưng người bán vẫn dùng vô tội vạ; phổ biến nhất là trong chả lụa, nem chua, bún, bánh phở, bánh cuốn, bánh đúc... với hàm lượng vô chừng, vì không có cơ quan nào kiểm soát.

Theo lời kể của một vị đại biểu Quốc hội, ông thường thấy ghe chở chuối- trái còn non xanh và nhỏ- vào neo đậu gần nhà mình.

Ông hỏi chuối như vậy làm sao bán, thì người đó trả lời: “Đến sáng rồi sẽ thấy khác”. Quả thật, chỉ qua một đêm, ghe chuối như được “hô biến”: toàn là trái to, chín vàng. Kể từ đó, ông rất ngại ăn chuối vì không biết là chuối chín tự nhiên hay chín nhờ hóa chất.

Ông Nguyễn Quang Phụng- Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) cho biết: Qua kiểm tra cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, thay vì sử dụng công nghệ xử lý làm sạch, tiệt trùng thì có nơi chỉ lấy miếng vải mùng để lược nước.

Khi được hỏi xài miếng vải bao lâu rồi, thì họ trả lời là đã... 1 tháng. Có trường hợp, khi đoàn đến thẩm định thì các cơ sở thực hiện quy trình khá đầy đủ, nhưng sau đó thậm chí chiết rót nước máy trực tiếp vào bình rồi đem đi bán.

Chính vì làm không đảm bảo nên giá thành quá rẻ, có nơi chỉ từ 5.000- 6.000 đ/bình. Khi thu hồi giấy kinh doanh thì nói không có tiền đóng phạt nên họ sẵn sàng... bỏ luôn giấy phép.

Vì lợi nhuận mà một số cơ sở sản xuất kinh doanh đã bất chấp, làm trái các quy định về ATVSTP. Theo ông Trương Thanh Sử- Phó Giám đốc Sở Công thương: Đa số các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, phải thuê mướn mặt bằng, điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, nên chưa đáp ứng đầy đủ các quy định về ATVSTP hoặc không đủ khả năng thực hiện.

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư công nghệ, trang thiết bị, trang phục bảo hộ lao động vẫn còn rất hạn chế.

Song, do sản xuất thủ công, mang tính thời vụ, không ổn định nên việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, xác nhận kiến thức ATVSTP thực hiện chưa đầy đủ theo yêu cầu. Ngoài ra, do cơ sở không kiểm soát được các chất phụ gia thực phẩm đã dẫn đến sử dụng vượt quá giới hạn cho phép.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Bình đã tiếp nhận 63 ca nhập viện với các triệu chứng nôn ói, số ít đau bụng, tiêu chảy.

Tất cả nạn nhân đều là học sinh mẫu giáo. Gần đây là vào chiều 10/2/2017, gần 180 học sinh ở các trường tiểu học thuộc huyện Long Hồ và TP Vĩnh Long phải nhập viện với các triệu chứng: nôn ói, đau bụng, số ít tiêu chảy sau khi ăn thức ăn do một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở Phường 2 (TP Vĩnh Long) cung cấp.

Đó là 2 trong số những vụ ngộ độc xảy ra gần đây với số lượng đông người phải nhập viện điều trị, chưa kể những vụ ngộ độc nhẹ (tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt...) sau khi ăn ở hàng quán về hay ở những bữa cơm gia đình do chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc hay vô tình mua nhầm thực phẩm bẩn, mà đến khi “thân thể bất an” thì đành chịu.

Những vụ việc nêu trên cũng như thực trạng kinh doanh, thị trường hiện nay đã làm gia tăng mối lo ngại về chất lượng và ATVSTP hiện nay. Làm sao để bảo vệ bản thân trước vòng vây thực phẩm bẩn luôn là nỗi lo của người tiêu dùng.

 

Từ nguồn tin báo của quần chúng và thực tế kiểm tra của các đội quản lý thị trường (Sở Công thương tỉnh) từ năm 2014- 2016, đã phát hiện 9 vụ bơm nước vào 196 con heo, 1 vụ bơm rau câu vào tôm để tăng trọng và đã xử phạt với trên 150 triệu đồng, tạm giữ tang vật vi phạm. Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh) đã kiểm tra và xử lý 25 vụ vi phạm với số tiền phạt 140 triệu đồng. Dù vậy, tình hình bơm nước vào heo vẫn còn diễn biến phức tạp.

(Còn tiếp)

 Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN