Từ chuyện hạn mặn "đột nhập" bất ngờ- nơi cuối nguồn sông Cửu Long nhưng lại là "đầu nguồn" khi nước mặn từ biển tràn lên- đã đặt ra các vấn đề về sản xuất, thủy lợi, cả những chuyện hàng ngày như nước sinh hoạt, đánh bắt cá tôm...
Đã gần năm sau đợt hạn mặn đầu năm ngoái. Trong những ngày chuyển mùa, nhiều người lại lo “hổng biết năm nay hạn mặn sẽ như thế nào?” Từ chuyện hạn mặn “đột nhập” bất ngờ- nơi cuối nguồn sông Cửu Long nhưng lại là “đầu nguồn” khi nước mặn từ biển tràn lên- đã đặt ra các vấn đề về sản xuất, thủy lợi, cả những chuyện hàng ngày như nước sinh hoạt, đánh bắt cá tôm...
Tôi đi về phía có thể coi là “đầu nguồn hạn mặn” như: cồn Tân Qui (ấp Tân Qui 1, Tân Qui 2 thuộc xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè- Trà Vinh), vùng cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, xã Phú Thành), xã Tích Thiện (Trà Ôn) sau khi nước mặn đổ về đây gần một năm trước.
Hạn mặn đã đặt vấn đề xa hơn là biến đổi khí hậu. Cần có các giải pháp đồng bộ để thích ứng, đảm bảo nền kinh tế nông nghiệp bền vững. |
Kể mùa hạn mặn đã qua
Ghé xã Tích Thiện, nghe Bí thư Đảng ủy xã- Nguyễn Thanh Nhã nhắc lại là mùa mặn xâm nhập năm ngoái nhanh, bất ngờ trở tay không kịp “y như ngủ đêm sáng ngày bỗng xốc lên chạy mặn”. Tuy giờ đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp bình thường lại đã lâu, nhưng ông vẫn nhớ như in cảnh “chạy mặn” như vậy.
Đến nỗi vì “sự bất ngờ này” mà trong một bài tiểu luận gửi cho giảng viên dạy lớp cao cấp chính trị, ông Nguyễn Thanh Nhã đã viết về hạn hán và xâm nhập mặn hồi đợt tết trên địa bàn mình.
Ông Ba Diện (ấp Tân Qui 2) vừa luồn dây nâng lưới vào rồi dập từng khúc chì vừa nói: Giờ nước ngọt lâu rồi, đời sống bà con thoải mái hơn, chứ đợt mặn năm ngoái ở đây bị ảnh hưởng cây trái “cũng bộn”.
Ông Ba Diện bên tấm lưới cá ở cồn Tân Qui. |
Bên tấm lưới, ông Ba Diện nói tiếp, “nếu mặn về, cá nước mặn lên theo nước, đánh lưới cũng có cá nhưng cá nước ngọt lại đi chỗ khác”.
Ông Trịnh Minh Nhơn ở cùng ấp kể rằng chôm chôm nhà ông cũng bị ảnh hưởng bởi mặn nhưng nhờ đê khép kín nên thiệt hại không đáng kể. Tuy vậy ông vẫn lo “không biết đợt bông và trái tới này ra sao, mặn có lên nữa không và biết mặn năm ngoái có còn “ẩn” trong vườn?”
“Xứ này gần nước mặn, năm nào cũng có mặn, nhưng hồi nào giờ có thấy mặn dữ vậy đâu?”- bà Nguyễn Thị Hồng (ấp Tích Phước) kể lại đợt nước mặn hồi đầu năm 2016 và ta thán lúc “chát” nhất, có khi bà... không dám tắm!
Ông Nguyễn Minh Nhựt ở cùng ấp thì nói đợt nước mặn đã làm lúa Xuân Hè “sựng” lại. Ở vườn nhà ông, cóc Thái, chanh bông tím thì “đói” nước do hạn hán, bởi đã đóng các cống hở ngăn mặn lại.
Nhiều nông dân ở vùng cây ăn trái Lục Sĩ Thành “kể khổ” về tình cảnh cây chôm chôm dính đợt hạn mặn gay gắt hồi đầu năm. Nhà vườn ở đây lo lắng bởi ngoài bưởi Năm Roi, cam sành thì chôm chôm là một trong những cây trồng chủ lực.
Bí thư kiêm Trưởng ấp Kinh Đào (xã Lục Sĩ Thành) Nguyễn Thành Trung đang lo “năm tới không biết nước mặn có vào nữa không” và cho biết “với cây chôm chôm, giả sử năm nay không có mặn cũng chưa chắc đã phục hồi lại được”.
Trưởng ấp An Thạnh (xã Lục Sĩ Thành) Nguyễn Văn Tốt thì cho rằng “thất mùa này là... sẽ thất tiếp vài ba mùa nữa, nếu vẫn còn giữ cây chôm chôm để khôi phục”.
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT Trà Ôn, hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng và gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp ở 10 xã, trong đó chủ yếu là cây lúa với diện tích 636,61ha. Còn lại là rau màu (15,9ha) và cây ăn trái (hơn 14ha, ở Lục Sĩ Thành, Tích Thiện). Ước thiệt hại ban đầu hơn 13 tỷ đồng. Chuyện này đã qua lâu, nhưng nhắc để thấy khi “trái gió trở trời”, nông dân vẫn khó khăn, thắc thỏm.
Nông nghiệp thích ứng hạn mặn, biến đổi khí hậu
Năm 2017, ngành nông nghiệp Trà Ôn tiếp tục nạo vét một số kinh chính, kinh tạo nguồn, sửa chữa cống, đê bao, đập điều tiết nước, trữ ngọt. Trong đó khẩn cấp nạo vét kinh thủy lợi nội đồng để đảm bảo nước sản xuất vụ Đông Xuân, Hè Thu tới và cấp nước sinh hoạt nếu khô hạn, xâm nhập mặn gay gắt.
Những vườn chôm chôm ở vùng cù lao Mây bị ảnh hưởng hạn mặn hồi năm ngoái. |
Huy động số máy bơm tưới trong toàn huyện: 45 máy bơm dầu D12, D15 và 2.503 máy bơm nhỏ trong dân, để tưới ước tổng diện tích hơn 4.000ha (Tích Thiện 300ha, Thiện Mỹ 300ha, bơm phân tán trong dân hơn 3.400ha).
Chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Bình- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT Trà Ôn: Hệ thống cống “cửa khẩu” bao cồn (cù lao Mây) giáp các con kinh lớn chưa thể hoàn thiện hết nên khi mặn về khả năng xâm nhập vẫn cao.
Còn nội đồng, mương vườn nằm ở trong thì đã khép kín. Nhưng ở phía người dân, vẫn còn lo “mặn bất thường, về nhanh quá trở tay không kịp”, hay “nào giờ chưa thấy mặn vậy”... và vĩ mô hơn “đó là biến đổi khí hậu”.
Theo ông Nguyễn Thanh Triều- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trà Ôn, ngoài giải pháp các dự án, công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, thì còn cần tuyên truyền, vận động, cảnh báo diễn biến của thời tiết để nếu có bất thường, người dân ứng phó kịp thời, phòng rủi ro, giảm thiệt hại. Ông cho rằng hạn mặn năm qua ở địa bàn là bất ngờ so nhiều năm.
ồng thời khẳng định nền kinh tế nông nghiệp như Trà Ôn phải gắn chặt cơ sở hạ tầng giao thông với công tác thủy lợi.
Và ngành nông nghiệp huyện đã chia 4 tiểu vùng sản xuất để có từng giải pháp phù hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt.
“Nhất thiết phải làm như vậy, cộng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để thích ứng với hạn và xâm nhập mặn, thích nghi với biến đổi khí hậu”- Bí thư Huyện ủy Trà Ôn nói.
Ở các nơi mà kinh tế nông nghiệp: cây, con là chủ đạo trong đời sống sản xuất, thì một chút “sụt sịt” của thời tiết đã ngay lập tức thấy thiệt hơn.
Vẫn chưa biết được năm tới đây và những năm tới nữa hạn hay mặn sẽ thế nào? Do đó, ngoài những giải pháp hiện hữu trên, về lâu dài, để thay đổi một tập quán, định hình một phương thức sản xuất cùng với giống cây, con phải là vấn đề đáng bàn. Giải quyết được điều đó rồi mới nói kỹ thuật công nghệ, đầu ra để người nông dân “khỏe”.
Mà nông dân khỏe thì nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, góp phần xây dựng nông thôn mới nhất định đi đến thành công...
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin