Dù mỗi ngày đến với làng hoa đều thấy đẹp nhưng càng vào xuân thì màu đỏ chót của hoa xác pháo, màu hồng của hoa dừa cạn, trang leo, hồng tỉ muội, rồi màu cam, màu vàng, vàng chanh, tím huế… như càng rực rỡ, đua nhau khoe sắc. Tất cả như báo hiệu rằng- mùa xuân đã đến đây rất sớm, để rồi từ đó mùa xuân lan tỏa nơi nơi…
Dù mỗi ngày đến với làng hoa đều thấy đẹp nhưng càng vào xuân thì màu đỏ chót của hoa xác pháo, màu hồng của hoa dừa cạn, trang leo, hồng tỉ muội, rồi màu cam, màu vàng, vàng chanh, tím huế… như càng rực rỡ, đua nhau khoe sắc. Tất cả như báo hiệu rằng- mùa xuân đã đến đây rất sớm, để rồi từ đó mùa xuân lan tỏa nơi nơi…
Xin mời du khách đến với làng hoa Tân Quy Đông (Đồng Tháp), làng mai Phước Định (Vĩnh Long) và làng hoa kiểng Cái Mơn (Bến Tre)- những “lẵng hoa” của miền Tây Nam Bộ.
Những giàn hoa thắm sắc trước sân nhà. |
“Đà Lạt của miền Tây”
Năm nay, TP Sa Đéc có 470ha hoa lá, tăng khoảng 30ha so với năm rồi. Trong đó diện tích trồng hoa kiểng cho Tết Nguyên đán chiếm 100ha. Làng hoa phường Tân Quy Đông có 4 khóm, thì mỗi khóm đều có những loài hoa đặc trưng riêng: khóm Tân Mỹ chuyên trồng các loại cây trang trí nội thất, khóm Sa Nhiên và Tân Hiệp thì trồng cây phục vụ công trình, khóm Tân Huề chủ yếu trồng hoa hồng đủ màu sắc.
Chú Hai Thiện nói về làng hoa của mình: “Tôi nói làng hoa này là Đà Lạt của miền Tây vì luôn có hoa quanh năm và người dân cũng chỉ sống nhờ vào hoa như dân Đà Lạt vậy”. Chú Hai nói rồi tiếp tục tưới cho hoa lan đất, hoa sim,… vì “nguyên buổi sáng tui dành cho tưới bông thôi”.
Những con đường đan, đường nhựa và những căn nhà nối tiếp nhau với đủ thứ hoa, lá dành cho tết. Chú Đào Hữu Nghiệp đang vô chậu mấy cây đại tướng quân “bự chảng”, vui vẻ: “Cây thân tím cho hoa tím, cây thân trắng cho hoa trắng.
Thị trường khoái bông tím này hơn, mà chỉ nghe tên đại tướng quân và cái tướng uy nghi vậy là đủ ngon rồi, mỗi chậu ít nhất 200 ngàn đồng”.
Nhiều nhà vườn kỳ vọng vào hoa dừa cạn mùa tết này. |
Ngôi nhà của anh Hồ Ngọc Tuấn nằm khuất giữa rừng hoa lá, bên hiên nhà những chậu cúc mâm xôi to đang xoe tròn chuẩn bị đón xuân. Anh Tuấn có hơn 16 công đất trồng bông, làm hàng lỡ quanh năm và hàng tết.
Chị Hồ Thu Mai- chị của anh Tuấn- vui vẻ: “Em tui không có nhà, nhưng ngắm hoa thì cứ thoải mái nha”. Chị Mai ở gần bên cũng chuyên trồng hoa tết.
Chị cười: “Tui trồng mỗi tết vài ngàn chậu thôi nhưng bông tui chắc chắn vừa đẹp vừa bự, bông vạn thọ cỡ… cái chén vậy đó. Lên chợ Long Xuyên ít bữa là hết ráo”. Mỗi cái tết, gia đình chị Mai lời hơn 100 triệu đồng từ hoa.
Chú Nghiệp cũng như chú Hai Thiện, chị Mai hay bất cứ người làng hoa nào ở đây cũng không thể nhớ nỗi mình biết trồng hoa tự khi nào. Chỉ biết là vừa lớn “chút xíu” đã biết phụ mẹ cha làm phân, vô rơm, lên cây, tưới nước,… “cả nhà tôi sống khỏe cũng nhờ 2 công đất trồng bông!”- chú Thiện khoe.
Mơn mởn Cái Mơn
Cùng là làng hoa nhưng ở Cái Mơn (Bến Tre) chủ yếu trồng kiểng, sau này mới thêm mai và “hàng bông” như cúc, vạn thọ. Mới qua cầu Cái Gà (QL57), chúng tôi đã thấy cúc mâm xôi, cây giống, hoa kiểng khắp các góc nhà.
Làng hoa kiểng Cái Mơn không dừng lại ở xã Vĩnh Thành (Chợ Lách) mà còn có nhiều hộ trồng hoa ở xã Long Thới. Màu xanh là gam màu đặc trưng của Cái Mơn: xanh mơn mởn của cây non, xanh ngọc của cây kiểng. Xen lẫn là mảng màu vàng của cúc mâm xôi, cúc Nhật, màu đỏ của mào gà,…
Gia đình vợ chồng chú Lê Ngọc Đức ở xã Long Thới cười đón khách: “Mới tuần rồi có nhà báo bên Cần Thơ qua. Năm nào cũng vậy, tết là có khách nhà báo miết”. Rồi vợ chú Đức giới thiệu mớ bông giấy Mỹ là “tài sản” của cô năm nay vì “dáng đẹp đều và năm ngoái hút hàng ù ù”.
Hoa tết của gia đình chú Đức không chỉ đi khắp đồng bằng mà còn được lái Vũng Tàu, Bình Dương ưa chuộng. Vợ chú Đức chỉ tay ra sân: “Lối rằm tháng Chạp là cái sân này không còn chậu bông nào vì đi chợ tết hết rồi”.
Có vị trí đắc vì nằm cạnh ngay QL57, hộ anh Nguyễn Duy Phương (xã Vĩnh Thành) thu hút người đi đường bằng những chậu hoa đủ màu sắc.
Anh Duy Phương đang tỉa nhánh tạo dáng cho cây, cho biết: Đây là hoa dừa cạn, hàng hút năm rồi. Đây dạ yến thảo, cây này là cẩm nhung, cây này có bông vàng nhỏ xíu xinh xinh là cúc sao băng,…
Gia đình anh Duy Phương trồng hoa bán suốt năm nhưng dịp tết vẫn là lúc “lên đồ” nhiều nhất. Anh cười: “Năm nay tui dành cho tết hơn 10.000 chậu, gấp đôi năm ngoái. Mong tết đến bà con sung túc, mua bông nhiều”.
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Chợ Lách, tết năm nay, làng hoa kiểng Cái Mơn sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 12 triệu sản phẩm.
Ghé làng Phước Định ngắm mai vàng
Đặc trưng của làng hoa Tân Quy Đông, Sa Đéc là làm giàn trồng hoa trên ruộng. |
Làng mai Phước Định (Vĩnh Long) là thủ phủ của nghề trồng mai vàng, nổi tiếng ở Vĩnh Long và cả khu vực miền Tây Nam Bộ. Làng mai năm nay “giàu có” hơn bởi con đường nhựa láng o cho ôtô, xe tải bon bon chạy. Cây mai vì vậy thêm khoe dáng mà cũng dễ bán và được giá hơn.
Không có tết sớm như ở các làng hoa khác, làng mai như mang trên mình “bộ áo cũ kỹ” cuối năm với những cây mai vàng đang ươm nụ.
Ông Lê Văn Tý (Sáu Móm)- Trưởng Ban đại diện làng nghề cho biết: Làng mai vàng hiện có hơn 150 hộ với hơn 30.000 cây mai lớn nhỏ, còn mai mini thì không đếm xuể!
Đối với người dân ở đây, mỗi cây mai đại là một gia tài, là một đứa con tinh thần. Suốt ngày người trồng mai cứ đi ra đi vào “nhìn dáng nhìn da” để chăm cây, canh nụ tết. Người dân làng mai ít khi đem mai ra chợ bán, mà “khách có nhu cầu thì sẽ đến tận vườn”.
Ông Tiêu Hùng Minh (Ba Tiền)- Phó Ban đại diện làng nghề cười hiền khô, giải thích: “Cây mai đem ra chợ để lâu mất sức, tội lắm. Chúng tôi thường bán tại nhà, đi chợ tết cho vui thôi”.
Cứ mỗi xuân về, làng mai Phước Định sẽ nổi bật lên 2 tông màu chủ đạo là vàng của hoa mai và xanh non của lá. Mai từ các cổng rào, mai ở trước cửa, bên hông, sau nhà,… khắp nơi đều có mùa xuân.
Ba làng hoa đẹp, lớn “nhất nhì” miền Tây nằm trên một trục đường kính chừng 60km mà TP Vĩnh Long là tâm điểm. Từ những làng hoa ấy, xuân đi khắp đồng bằng, xuân theo xe tải, theo tàu đò đi TP Hồ Chí Minh, đến miền Đông Nam Bộ,… góp phần cho Tết cổ truyền thêm đẹp, thêm xuân.
3 làng hoa Tân Quy Đông- Sa Đéc, làng hoa kiểng Cái Mơn, làng mai Phước Định được xem là 3 trong 5 điểm đến không thể bỏ qua vào dịp tết ở miền Tây. Ngoài ra, miền Tây còn có các làng hoa ở Mỹ Tho (Tiền Giang), làng hoa Thới Nhựt (Cần Thơ). |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin