Thời chiến, những người lính gan góc, kiên cường bao nhiêu, thì ở thời bình các cựu chiến binh (CCB) lại tiên phong, gương mẫu, mẫn cán bấy nhiêu.
Thời chiến, những người lính gan góc, kiên cường bao nhiêu, thì ở thời bình các cựu chiến binh (CCB) lại tiên phong, gương mẫu, mẫn cán bấy nhiêu.
Với tinh thần đoàn kết xây dựng các phong trào hành động cách mạng tại địa phương, họ đã đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Hình ảnh bộ đội Cụ Hồ đã đẹp trong chiến tranh lại càng đẹp hơn giữa đời thường.
Kỳ 1: Phát huy sức mạnh “3 chi +1”
Buổi họp lệ có đủ thành phần “3 chi +1” tại ấp Phú Tân. |
Qua tham quan, rút kinh nghiệm phong trào thi đua yêu nước “CCB gương mẫu” các tỉnh sông Tiền, tỉnh Vĩnh Long được đánh giá cao với mô hình “3 chi +1”.
Đây là cách làm sáng tạo và hiệu quả, tạo thuận lợi trong việc lãnh chỉ đạo của chi bộ, nâng cao vai trò gương mẫu của chi hội CCB, giúp chi đoàn thanh niên hoạt động có hiệu quả và CLB cựu quân nhân đi vào nề nếp sinh hoạt ổn định.
Nhờ “3 chi +1” phong trào được phát huy
Đúng 13 giờ ngày 27 hàng tháng, dù nắng hay mưa, Chi hội CCB ấp Phú Tân (xã Phú Lộc- Tam Bình) luôn họp lệ đều đặn tại trụ sở ấp.
Ngoài lực lượng nòng cốt là 30 hội viên CCB, còn có đại diện của cấp ủy, đoàn thanh niên và cựu quân nhân theo đủ thành phần “3 chi +1”. Riêng sơ kết 6 tháng và tổng kết năm thì tất cả đoàn viên và thành viên đều dự.
Tuy bị thương mất chân trái, đi lại rất khó khăn, nhưng ông Nguyễn Văn Thanh (thương binh 2/4) cũng như nhiều CCB khác luôn dự đầy đủ các kỳ họp lệ và rất đúng giờ.
“Nhờ duy trì sinh hoạt lệ “3 chi +1”, đặc biệt là được lãnh- chỉ đạo trực tiếp từ chi bộ, nên các phong trào tại địa phương được phát huy”- ông Mai Văn Xuân- Chi hội trưởng CCB ấp nói.
Ông Lương Thế Nghiệp- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Phú Tân đánh giá, thông qua mô hình “3 chi +1”, các chỉ thị, nghị quyết, văn bản cấp trên đưa xuống được triển khai sát thực hơn; chi bộ cũng có hướng uốn nắn kịp thời và đề xuất nhiều giải pháp hoạt động.
Tại ấp Hòa Thuận (xã Hòa Ninh- Long Hồ), ngày 27 hàng tháng là ngày họp lệ của chi hội CCB cùng với CLB cựu quân nhân. Hàng quý thì sinh hoạt “3 chi +1”.
Nhờ sự sâu sát của cấp ủy mà các phong trào tại ấp Hòa Thuận được triển khai thực hiện có hiệu quả. |
Vào buổi lễ tổng kết, các đoàn thể và CLB lần lượt báo cáo công tác và hoạt động phối hợp trong năm, cùng chia sẻ, rút kinh nghiệm và nghe chỉ đạo của chi bộ.
Theo ông Võ Văn Thơm- Chi hội trưởng CCB ấp, nhờ đông thành phần dự họp và nghe trực tiếp cấp ủy triển khai nên mọi người nhận thức tốt đường lối, chủ trương từ trên đưa xuống thực hiện, thuận lợi hơn khi xây dựng phong trào.
Đến nay, đã tập hợp 19 cựu quân nhân tham gia CLB và sinh hoạt lồng ghép cùng chi hội. Với vai trò là người đi trước, chi hội đã góp sức tháo gỡ khó khăn cho các chi đoàn và quan tâm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
“Qua các buổi sinh hoạt “3 chi +1”, được nghe những nhân chứng sống của lịch sử kể về anh bộ đội mới ra chiến trường giật mình trước tiếng súng nhưng vẫn hiên ngang trước kẻ thù; ra vô 2 miền như... “đi chợ”- lên máy bay ra Bắc đánh quân “bành trướng” rồi lại bay vào Nam đuổi Pon Pot, những câu chuyện có thật ấy sống động hơn bất cứ quyển sách, bộ phim nào”- anh Nguyễn Thanh Dinh- Bí thư Xã Đoàn Hòa Ninh chia sẻ.
“Chúng tôi rất thích thú với những buổi họp được nghe kể chuyện chiến trường. Các chú còn thường xuyên cảm hóa, giáo dục thanh niên chậm tiến, thiếu ý thức...”- anh Tô Hoàng Hớn- Bí thư Chi đoàn ấp Phú Tân nói.
Do đặc điểm ở vùng quê rất khó tập hợp đoàn viên, người nhỏ tuổi thì phải lo việc học, số còn lại đi làm ăn xa. Thông qua nghị quyết liên tịch “3 chi +1” đã tạo nên sức mạnh tập thể trong các phong trào, đoàn viên ngày càng tiến bộ hơn.
Người đi trước dẫn dắt người đi sau
Anh Trần Văn Mười (bìa trái) được giúp vốn nuôi bò để vươn lên. |
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, hầu hết cựu quân nhân đều còn khá trẻ, chưa có việc làm, thiếu vốn sản xuất, nhiều người phải đi làm ăn xa để mưu sinh.
Trong khi đó, các CLB cựu quân nhân hoạt động theo nguyên tắc “tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm, tự trang trải về tài chính”. Đây cũng là “bài toán” khó đặt ra cho các CLB.
Năm 2016, các cấp hội CCB đã trực tiếp giúp đỡ 43 chi đoàn đi vào hoạt động có hiệu quả và từng bước tạo nguồn cho Đảng; đã thành lập mới 58 CLB cựu quân nhân với 868 thành viên, nâng tổng số toàn tỉnh hiện có 525 CLB với gần 8.800 thành viên, đạt 61,3% so tổng số. |
Để “gỡ rối”, CCB Trương Văn Mười- Chủ nhiệm CLB Cựu quân nhân xã Hòa Ninh đã xuất tiền túi 10 triệu đồng để đồng đội mượn vốn làm ăn. Song, anh còn bỏ vào quỹ trên 5 triệu đồng để 4/4 CLB có kinh phí sinh hoạt.
Nhớ lại, thời điểm anh Mười xuất ngũ, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào một vụ lúa mùa/năm. Lúc đó, nhà nghèo đến mức... không có vách, phải dùng vỏ bao đựng phân bón, xi măng để tạm che mưa nắng. Nhờ lên vườn trồng chôm chôm đạt hiệu quả mà kinh tế dần khá lên.
Theo anh Mười, cho mượn vốn đồng nghĩa với việc hỗ trợ “cần câu cơm” theo kiểu người đi trước tạo điều kiện, hướng dẫn, giúp đỡ người đi sau.
Trong căn nhà tường khang trang nằm cạnh phà Đình Khao, anh Lê Minh Quang (ấp Bình Thuận 2) chia sẻ, sau nhiều năm làm ăn thất bại, tui chuyển sang nuôi heo và nấu rượu. Nhờ nhận góp vốn xoay vòng của chi hội và nguồn quỹ hỗ trợ của CLB mà tui có thể “xoay” chi phí mua thuốc và thức ăn cho heo.
Hiện, tui nuôi 11 con nái, xuất chuồng từ 10- 20 heo con/tháng. Việc nhận vốn làm ăn có hiệu quả đã thúc đẩy phong trào, tập hợp cựu quân nhân vào CLB ngày càng đông.
Đối với anh em hoàn cảnh còn khó khăn mà muốn nuôi heo, tui sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và cho mua trả chậm.
Hiện, CLB sinh hoạt lồng ghép cùng chi hội, mỗi tháng chọn địa điểm luân phiên tại nhà các anh em. Qua đó, giúp anh em hiểu thêm về đời sống của nhau. Nếu ai gặp khó thì chi hội và CLB đứng ra giúp đỡ.
Ông Võ Văn Lùng- Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Vĩnh Long cho biết: Từ năm 2014 đến nay, mô hình “3 chi +1” được nhân rộng toàn tỉnh và từng bước phát huy hiệu quả.
Các chi hội đã giúp sức tháo gỡ khó khăn cho chi đoàn nhất là phát huy phong trào thanh niên trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời dẫn dắt các CLB cựu quân nhân đi vào sinh hoạt nề nếp, góp phần nâng cao chất lượng dự bị động viên.
Qua đó, cũng đã tác động tích cực đến mô hình “3 chi +1”, nhất là nâng cao trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của các thế hệ CCB.
Qua sinh hoạt “3 chi +1”, các đoàn thể đã chia sẻ nhiều mô hình kinh tế giúp nhau làm ăn có hiệu quả. Nổi bật là, mô hình nuôi vịt lấy trứng, nuôi cá trên ruộng lúa để lấy độ màu mỡ của ruộng vào vụ sau của CCB Nguyễn Văn Tám. Sau bao năm làm ăn bị thua lỗ, CCB Trần Văn Mười được đồng đội hỗ trợ vươn lên, giờ có trong tay đàn bò 5 con và vườn ổi cho trái quanh năm để trả nợ và lo cho 2 con ăn học. Điều đáng phấn khởi là đoàn viên thanh niên trong ấp cũng chí thú làm ăn vươn lên khá giàu như chuyện anh Nguyễn Thanh Nhàn có trang trại heo mấy trăm con, anh Tô Hoàng Hớn làm giàu từ nuôi bò và cho thuê bàn ghế. |
Kỳ 2: Giúp nhau xóa nghèo bằng “5 + 1”
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- CAO HUYỀN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin