Người dân đang thiếu kỹ năng chống "bà hỏa"

07:11, 27/11/2016

Không ít người dân khá chủ quan trong thiết kế, xây dựng nhà cửa, hàng quán và thường không dành chỗ cho lực lượng PCCC tiếp cận

Không ít người dân khá chủ quan trong thiết kế, xây dựng nhà cửa, hàng quán và thường không dành chỗ cho lực lượng PCCC tiếp cận

Từ đầu năm đến nay liên tiếp xảy ra những vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Mới đây nhất, ngày 21/11 lại xảy ra vụ cháy nhà dân ở đường Trần Khát Chân (Hà Nội). Làm thế nào để phòng trừ hỏa hoạn và hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản khi hỏa hoạn xảy ra?

Người dân cần có kiến thức về PCCC (ảnh: k.t)
Người dân cần có kiến thức về PCCC (ảnh: k.t)

Lơ là trong phòng cháy chữa cháy

Những vụ cháy thời gian gần đây cho thấy công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đang bị xem nhẹ.

Vụ cháy quán karaoke Gold 85 Nguyễn Khang (Hà Nội) ngày 17/9 vừa qua xảy ra khi quán này chưa được cấp phép hoạt động kinh doanh và chưa được chứng nhận đủ điều kiện an toàn PCCC. Thời điểm xảy ra cháy nổ, cơ sở này đang tiến hành thi công, thử nghiệm các hệ thống âm thanh, biển quảng cáo.

Vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông (Hà Nội) ngày 1/11 cũng xảy ra khi cơ sở này chưa có giấy phép kinh doanh “nhưng do quen biết nên cho mượn phòng hát”. 

Còn vụ cháy mới đây xảy ra ngày 21/11 trên đường Trần Khát Chân (Hà Nội) thì căn nhà bị hỏa hoạn là nơi kinh doanh hóa chất…

Không chỉ bất cẩn trong công tác PCCC, không ít người dân khá chủ quan trong thiết kế, xây dựng nhà cửa, hàng quán và thường không dành chỗ cho  lực lượng PCCC tiếp cận vào trong ngôi nhà, hàng quán khi hỏa hoạn xảy ra.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch cho rằng, trước tình hình cháy nổ đang có chiều hướng gia tăng thì với những vụ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng, ví dụ như vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông, cần xử lý nghiêm đúng người đúng tội để những người dân, người đang kinh doanh vi phạm công tác PCCC nhìn thấy hậu quả mà tự điều chỉnh hành vi.

Cách dùng bình chữa cháy mini và cách thoát hiểm

Hỏa hoạn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhưng  người dân đang thiếu các kỹ năng PCCC, kỹ năng thoát kiểm… khi cháy nổ xảy ra. Nếu ai cũng có kiến thức về PCCC thì không chỉ hạn chế được cháy nổ mà khi cháy nổ xảy ra, đám cháy sẽ được dập tắt khi còn manh nha.

Vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông là một ví dụ. Anh Phạm Đức Nhân (quê Nghệ An) cho biết, hôm xảy ra cháy quán, anh đang ngồi nói chuyện với bảo vệ quán và nhìn thấy nhóm công nhân đang hàn xì phía trên cùng của tòa nhà, một lúc sau thì thấy cháy nhỏ ở tầng 2, anh nói bảo vệ lên kiểm tra.

“Chúng tôi chạy lên, dùng bình cứu hỏa nhưng không biết cách sử dụng nên vứt ra rồi chia nhau đập cửa các phòng đang hát bên trong, hô hoán mọi người chạy thoát ra ngoài” - anh Nhân kể. Vụ việc xảy ra ngày 15/11 tại Cà Mau cũng vậy. Mặc dù trong tay có bình cứu hỏa nhưng 3 thanh niên không bật được bình nên đứng nhìn chiếc xe máy bị cháy rụi.

Theo Thượng tá Trần Quang Cường, Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội, khi sử dụng bình chữa cháy mini, đầu tiên là dùng ngón tay kéo chốt an toàn rồi lắc nhẹ để hỗn hợp khí đẩy và bột chống cháy được trộn đều (bình dạng bột). Khi phun, người cầm bình phải đứng ở đầu hướng gió và phun liên tục cho đến khi đám cháy tắt.

Đối với các đám cháy có chất lỏng như xăng, dầu, cồn,…phải phun chất chữa cháy bao phủ lên bề mặt cháy, tránh phun trực tiếp xuống chất lỏng đề phòng bị bắn ra ngoài gây cháy to hơn.

Khi phun luôn giữ bình ở tư thế thẳng đứng. Tuy nhiên, ông Cường lưu ý, bình chữa cháy mini thường chỉ có tác dụng lớn với các đám cháy nhỏ, các đám cháy lớn phải cần sự can thiệp của đội chữa cháy chuyên nghiệp.

Trong các vụ hỏa hoạn, nạn nhân bị tử vong phần nhiều do nghẹt thở vì khói nhiều hơn là do chết cháy. Vì vậy, kỹ năng thoát nạn trong các đám cháy rất quan trọng.

Thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Cảnh sát PCCC TP.Hồ Chí Minh lưu ý, việc đầu tiên khi tìm cách thoát nạn là phải giữ bình tĩnh, quan sát kỹ các hướng, tìm cách di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt và tri hô để mọi người ứng cứu.

Khi di chuyển cần tuân thủ nguyên tắc cúi thấp người, thậm chí bò hẳn xuống sàn nếu khói nhiều để tránh ngạt. Nếu không có mặt nạ chống khói thì lấy khăn hoặc vải dầy thấm nước che kín miệng và mũi. Muốn thoát khỏi đám lửa, dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên người và chạy thật nhanh ra ngoài, tránh để lửa bén vào trang phục.

Khi thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang, tìm mọi cách gây chú ý với nhân viên cứu hỏa. Nếu bị lửa bén vào quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt, nằm lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa tắt, không nhảy vào hồ bơi, bể chứa vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động.

Trung tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an khuyến cáo, khi cháy nổ xảy ra, việc đầu tiên là người dân phải thực sự bình tĩnh làm theo hướng dẫn về các giải pháp an toàn thoát nạn khi có cháy nổ xảy ra do Cảnh sát PCCC hướng dẫn.

Ông Việt cũng cho rằng, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ sẽ giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh đó, ông Việt cũng mong các cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền để người dân nắm bắt được các kiến thức cơ bản về PCCC./.

Theo Minh Thư/Báo Tiếng nói Việt Nam

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh