Chuyển biến từ sự thay đổi mức phạt

08:09, 12/09/2016

Nghị định số 46/CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2016. 

Nghị định số 46/CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2016.

Kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông.
Kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông.

Qua một tháng thực hiện cho thấy, đa số người dân đều đồng tình về tính hiệu quả, thiết thực cho xã hội mà nghị định mang lại; song cũng có một số vấn đề phát sinh xuất phát từ lợi ích cá nhân của một số người vi phạm (cho rằng mức phạt quá cao).

Song, sự chuyển biến tích cực về trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh trong tháng qua là kết quả rõ nét, đáng phấn khởi.

Theo thống kê về tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ hàng năm của Ủy ban ATGT quốc gia thì vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông luôn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT; điều đáng quan tâm là có hơn 60% số vụ TNGT đường bộ xảy ra có liên quan đến rượu, bia.

Vì vậy, việc Chính phủ quyết định tăng mức xử phạt tiền đối với những trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn là hết sức cần thiết, xuất phát từ yêu cầu thực tế khách quan, nhằm đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm.

Đại tá Thái Văn Bền- Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ- Công an tỉnh cho biết: “… Việc tăng mức phạt đối với những trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông là nhằm tăng tính răn đe, mức phạt cao có tác động trực tiếp đến “túi tiền”của cá nhân, hộ gia đình và sẽ giúp người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông hơn.

Bởi thực tế rượu, bia tuy không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT, nhưng phần lớn các vụ tai nạn xảy ra đều có liên quan đến việc người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt mức cho phép…”

Theo Phòng CSGT đường bộ- Công an tỉnh, tình trạng người lái xe có nồng độ cồn vượt quy định xảy ra trên địa bàn tỉnh luôn ở mức cao, trước khi Nghị định số 46 có hiệu lực. Trung bình mỗi tháng có khoảng 140 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, bị CSGT tỉnh phát hiện, xử lý.

Còn theo số liệu thống kê của Công an tỉnh, từ đầu tháng 8 đến nay, toàn tỉnh có 1.633 trường hợp vi phạm quy định về trật tự ATGT bị lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông phát hiện và xử lý, trong đó có 320 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Nếu so với tháng 7/2016 thì tăng 165 trường hợp.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những trường hợp bị phát hiện, xử lý; còn số trường hợp vi phạm tăng là vì thời điểm này đang trùng vào dịp lực lượng CSGT cấp tỉnh và cấp huyện đang đồng loạt ra quân thực hiện cao điểm đảm bảo trật tự ATGT chào mừng kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh (2/9) và ngày truyền thống Công an nhân dân (19/8).

Thực chất, lực lượng CSGT không thể cùng lúc có mặt trên tất cả các tuyến đường trong tỉnh, nên số trường hợp vi phạm về nồng độ cồn bị phát hiện, xử lý trong thời gian qua chỉ là một phần của thực tế. Điều đó cho thấy, nguy cơ tiềm ẩn về TNGT do rượu, bia gây ra là rất lớn.

Có mặt cùng lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự- Công an TP Vĩnh Long trong một đêm tuần tra, xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn trên đường Phạm Thái Bường (Phường 4- TP Vĩnh Long), chúng tôi nhận thấy lỗi vi phạm này còn diễn ra khá phổ biến!

Theo Nghị định số 46, nhóm lỗi vi phạm về nồng độ cồn được điều chỉnh tăng nặng, cụ thể là tăng mức phạt tiền đối với tài xế ô tô có nồng độ cồn vượt quá 800mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở lên từ 16- 18 triệu đồng, tăng từ 3- 6 triệu đồng so với trước đây.

Còn đối với người điều khiển môtô, xe máy nếu vi phạm nồng độ cồn, sẽ bị phạt tiền từ 3- 4 triệu đồng, tăng hơn mức xử phạt cũ từ 500 ngàn- 1 triệu đồng.

Bước đầu thực hiện mức xử phạt mới, khi biết mình sẽ bị phạt nhiều tiền, một số ít người vi phạm đã tỏ thái độ không đồng tình.

Cá biệt có những trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của CSGT, hoặc không ký biên bản, bỏ lại phương tiện mặc cho CSGT xử lý vì cho rằng số tiền phạt còn cao hơn cả giá trị chiếc xe.

Về nguyên tắc, những trường hợp này vẫn bị xử lý bình thường theo quy định, tuy nhiên điều này sẽ làm tăng áp lực kho bãi tạm giữ phương tiện. Đây là một trong những vấn đề khó khăn hiện nay của phần lớn các đơn vị làm công tác giữ gìn trật tự ATGT.

Cá biệt có trường hợp khi lực lượng làm nhiệm vụ yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn thì người vi phạm không những không chấp hành mà còn tìm cách lảng tránh, thậm chí… “nằm vạ” bên đường. Hay khi cán bộ CSGT ra hiệu dừng phương tiện để kiểm tra thì người vi phạm lại “tăng ga” bỏ chạy.

Đáng quan tâm là đa số người vi phạm hiện nay có thói quen lảng tránh, kéo dài thời gian ký biên bản vi phạm. Họ luôn tranh thủ điện thoại liên lạc với những người thân quen nào đó nhằm mục đích nhờ can thiệp xin bỏ qua lỗi vi phạm của mình.

Tất nhiên, những trường hợp này vẫn bị xử lý, vì trước đó Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo toàn lực lượng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không vì nể nang mà bỏ qua những lỗi vi phạm có nguy cơ dẫn đến TNGT cao.

Tuy nhiên, một số trường hợp vi phạm hiện nay vẫn còn ỷ lại, trông chờ, đôi lúc cũng gây khó khăn không ít cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Việc tăng mức xử phạt đối với người vi phạm nồng độ cồn hiện nay cũng đã làm tăng thêm xung đột không đáng có giữa người vi phạm và lực lượng làm nhiệm vụ.

Những người say rượu thường không làm chủ được hành vi của bản thân, khi biết mình bị phạt nhiều tiền họ càng không thể kiềm chế và họ “trút giận” đó vào lực lượng trực tiếp kiểm tra và lập biên bản vi phạm.

Kéo theo đó là việc không chấp hành hoặc cản trở người thi hành công vụ diễn biến theo hướng ngày càng phức tạp hơn.

Tuy nhiên, những vấn đề khó khăn vừa nêu chỉ do một số ít người vi phạm không am hiểu luật và do tác động của men rượu không làm chủ được bản thân gây ra.

Còn phần lớn ý kiến hiện nay thì cho rằng việc tăng mức xử phạt đối với những trường hợp vi phạm về nồng độ cồn tham gia giao thông là quy định hợp lòng dân, mang lại hiệu quả thiết thực về đảm bảo ATGT, hạn chế đi những đau thương mất mát do TNGT gây ra.

Ngay cả những người vi phạm khi nhận quyết định xử phạt cũng đều nhìn nhận là mình đã sai và bị xử phạt như vậy là cần thiết. Họ cho biết dù rằng mức phạt mới có cao, nhưng cần thiết vì vi phạm lần này lần sau họ không dám uống rượu, bia say điều khiển phương tiện nữa.

Mọi người chắc chưa quên vụ TNGT liên hoàn xảy ra vào chiều 25/8, do tài xế Hồ Thanh Dũng (46 tuổi, thường trú tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều- TP Cần Thơ) gây ra.

Hôm đó, sau khi đã uống khá nhiều rượu, bia tại một cuộc tiệc, Hồ Thanh Dũng điều khiển ôtô đã liên tiếp gây ra 2 vụ TNGT trên Quốc lộ 54 (thuộc địa phận xã Ngãi Tứ- Tam Bình) và tại khu vực cầu Phù Ly (TX Bình Minh) làm 2 người tử vong và 3 người bị thương nặng.

Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của tài xế Dũng là 0.596mg/1 lít khí thở, vượt quá mức cho phép khi điều khiển ôtô trên đường nên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng như trên.

Chúng ta đều biết, rượu, bia lâu nay là một loại thức uống phổ biến trong những dịp đám, tiệc, họp mặt bạn bè, người thân; đôi lúc rượu, bia giúp con người gần gũi và thân thiện với nhau hơn.

Nhưng, việc sử dụng rượu, bia thế nào cho hợp lý là vấn đề chúng ta cần quan tâm. Đặc biệt, việc sử dụng rượu, bia quá mức luôn được xác định là nguy cơ gián tiếp phát sinh nhiều vụ việc vi phạm về trật tự xã hội và TNGT.

Có thể thói quen sử dụng rượu, bia khó từ bỏ trong một sớm, một chiều nhưng chúng ta vẫn có thể thay đổi theo hướng hạn chế sử dụng dần hoặc khi đã sử dụng thì cách tốt nhất là chúng ta không điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà nên tìm một loại phương tiện khác đảm bảo an toàn hơn và không phạm luật, như: tắc xi, xe buýt, xe ôm… để đi lại. Hãy quyết tâm hành động theo khẩu hiệu: “Đã uống rượu, bia thì không lái xe- đã lái xe thì không uống rượu, bia”.

Tại Điều 5, Nghị định số 46 quy định:

- Phạt tiền từ 2- 3 triệu đồng đối với người điều khiển ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở;

- Phạt tiền từ 7- 8 triệu đồng đối với người điều khiển ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50- 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25- 0,4 miligam/1 lít khí thở;

Tại Điều 6, Nghị định số 46 quy định:

- Phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng đối với người điều khiển môtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50- 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25- 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Phạt tiền từ 3- 4 triệu đồng đối với người điều khiển môtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Bài, ảnh: MINH TẤN- HỒNG QUYẾN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh