Công an đánh phóng viên đang tác nghiệp: Không chỉ xin lỗi là xong

07:09, 27/09/2016

Bất cứ hành vi đánh người nào cũng bị xã hội lên án và gọi là côn đồ, là vũ phu, là coi thường pháp luật phải bị xử lý nghiêm.

Bất cứ hành vi đánh người nào cũng bị xã hội lên án và gọi là côn đồ, là vũ phu, là coi thường pháp luật phải bị xử lý nghiêm.

Phóng viên Trần Quang Thế bị hành hung trên cầu Nhật Tân (Ảnh: M.C)
Phóng viên Trần Quang Thế bị hành hung trên cầu Nhật Tân (Ảnh: M.C)

Vụ việc công an huyện Đông Anh (Hà Nội) “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” gây thương tích cho nhà báo trên cầu Nhật Tân mấy hôm nay đang làm nóng dư luận.

Nóng là phải, bởi liên tục thời gian gần đây nhiều nhà báo bị hành hung, ngăn cản tác nghiệp, bắt giữ trái phép, đập phá đồ nghề. Hành động tấn công nhà báo chính là chà đạp lên công luận và nhu cầu được thông tin của công chúng, là sự xúc phạm không nhỏ tới một xã hội hướng tới minh bạch và dân chủ.

Những người tấn công nhà báo không phải là côn đồ hay lưu manh chuyên nghiệp, mà tiếc thay lại là cảnh sát hình sự. Một sự thật dù không muốn cũng phải thừa nhận, đó là hành động vi phạm pháp luật và đạo đức của những người được nhà nước đào tạo, rèn luyện và tin tưởng trao gửi quyền lực để đảm bảo sự an lành cho xã hội.

Cho dù lãnh đạo của những người vi phạm đã kịp thời xin lỗi nhà báo, thì dư luận xã hội cũng rất khó chấp nhận khi cho rằng “do chịu áp lực công việc đã có thái độ không đúng”.

Nhưng cái “thái độ không đúng” ấy, rất tiếc lại vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệnh, lời thề danh dự và tư cách người CAND; lại diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, giữa chốn đông người. “Thái độ không đúng” ấy đã cho thấy sự thiếu bản lĩnh trước một tình huống hết sức bình thường và thói quen lạm dụng quyền lực của nhóm cảnh sát hình sự này.

Cái thói quen đáng sợ ấy, khiến bất cứ ai cũng có thể lo sợ đặt câu hỏi: “Giữa thanh thiên bạch nhật, giữa chốn đông người còn vậy, thì giữa bốn bức tường của cơ quan điều tra, nếu chẳng may gặp phải những cảnh sát có “thái độ không đúng” này thì tình hình sẽ ra sao?

Và phải chăng, những vụ án oan sai như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Dương Thị Nga… cũng bắt nguồn từ đó?

Dẫu biết rằng, đó chỉ là một nhóm người ít ỏi đứng trong hàng ngũ công an, nhưng nó đã ảnh hưởng xấu tới uy tín, danh dự và những đóng góp không nhỏ của toàn lực lượng. Nhóm người ấy càng trở nên xa lạ với những tấm gương điển hình tiên tiến của lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh và cảnh sát trật tự sẽ được biểu dương tại Hội nghị của Bộ Công an tổ chức vào ngày mai (27/9) với biết bao chiến công được nhân dân ghi nhận.

Công an và nhà báo là hai lực lượng luôn sát cánh bên nhau, hỗ trợ và tôn trọng lẫn nhau trong công việc bởi cách ứng xử thân tình có văn hóa với nhau. Có nghĩa là, bất cứ hành động sai trái nào cũng không được xử lý xuê xoa, rút kinh nghiệm theo kiểu “đóng cửa bảo nhau” để rồi tiếp tục tái diễn.

Dư luận đang nóng lòng chờ đợi kết quả xử lý mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Giám đốc Công an TP.HN Đoàn Duy Khương chỉ đạo để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, làm trong sạch đội ngũ và tăng cường niềm tin của xã hội vào lực lượng công an nhân dân. Bởi bất cứ cơ quan nào, ngành nghề nào cũng có người tử tế, có kẻ tha hóa. Nếu ở đâu thực sự cầu thị, thì cơ quan đó, ngành nghề đó sẽ có được uy tín, niềm tin của xã hội, đặc biệt là tạo sự công bằng cho những người tử tế trong chính ngành nghề của mình.

Theo Nguyễn Ngọc Năm(VOV.VN)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh