Anh bạn tôi công tác Hà Nội nửa tháng, tới ngày về cười tít mắt, nói chuyện đầu tiên về tới miền Tây mình là mần cái gì biết hông? Là đi ăn liền hai tô hủ tiếu ở gần rạp phim cũ, thèm quá thèm rồi.
Anh bạn tôi công tác Hà Nội nửa tháng, tới ngày về cười tít mắt, nói chuyện đầu tiên về tới miền Tây mình là mần cái gì biết hông? Là đi ăn liền hai tô hủ tiếu ở gần rạp phim cũ, thèm quá thèm rồi.
Nếu Hà Nội với món phở gia truyền đã từng đi vào văn chương qua cây bút tài hoa của nhà văn Vũ Bằng, nếu Huế “vượt thời gian” với món bún bò Huế cay xé lưỡi; thì có lẽ miền Tây Nam Bộ nên tự hào với tô hủ tiếu bình dị mà thơm ngon.
Nếu phở- dù đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước vẫn khá kén giờ ăn, kén chỗ bán, thì ở miệt vườn sông nước miền Tây, hủ tiếu có một cuộc đời rất “bình dân”, chỉ là một góc chợ với vài ba cái bàn, ghế ngồi “chồm hổm”.
Chỉ là một cái xe đẩy với vài gốc hành treo tòn ten, chú bán hủ tiếu chạy xe đạp, một tay bưng mâm vài ba tô hủ tiếu bốc khói giao tận nhà. Hay chỉ là ghe hủ tiếu mà nồi nước lèo luôn lắc lư theo con sóng…
Nhưng dù ở đâu, cũng phải có chai nước tương, chanh tươi, ớt sừng trâu xắt xéo thêm dĩa giá sống giòn rụm… cực kỳ hấp dẫn. “Cảnh vẻ” một chút tô hủ tiếu còn thêm vài viên hoành thánh, con tôm luộc đỏ au. Trong khi đó, các xe hủ tiếu gõ nằm trong “tóp ten” những lát thịt được xắt… mỏng nhất.
Hủ tiếu miền Tây có muôn vàn “dị bản”: hủ tiếu thịt, hủ tiếu lòng, hủ tiếu mực, hủ tiếu bò kho, hủ tiếu chay, nhiều nơi còn có “đặc sản” hủ tiếu dơi, hủ tiếu… chuột.
Cũng có những “thương hiệu” nổi tiếng như hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Sa Đéc, mỗi loại có cách nấu khác nhau đôi chút. Kiểu nào thì tô hủ tiếu cũng phải ngon từ nồi nước lèo đậm đà nóng hổi cho tới cọng hủ tiếu nhỏ dai, lát thịt mềm hay miếng hành phi thơm thơm…
Nhiều người cho rằng, con người miền Tây không chỉ phóng khoáng, thoải mái trong giao tiếp, ứng xử mà cả trong ăn uống. Các món không quá cầu kỳ trong cách nấu lẫn trình bày nhưng món nào cũng hấp dẫn, bởi ăn là “ăn” cả cái hồn cốt và không gian văn hóa của nó.
Với hạt gạo quê nhà, cọng rau xứ sở và cách chế biến tạo nên hương vị đặc trưng, nói như nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng: nhìn từ góc độ nào đấy, tô hủ tiếu còn là hiện vật sống động trong quá trình “đan xen, hỗn dung, tiếp biến, giao thoa, tương tác của văn hóa Việt Nam nói chung và của nghệ thuật ẩm thực Việt Nam nói riêng”.
Do đó, có thể nói hủ tiếu là đặc sản của miền Nam, cần được đầu tư và quảng bá nhiều hơn nữa để song hành cùng nền văn hóa ẩm thực phong phú của Việt Nam.
PHƯƠNG NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin