Giống như các đô thị khác trên cả nước, TP Vĩnh Long cũng bị ngập nặng nề trong mùa mưa lũ. Ngập làm mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và vẻ mỹ quan thành phố kém đi… Giải pháp thủy lợi sau đây có thể xem xét, áp dụng cho việc chống ngập đô thị.
Dùng những tuyến đường làm “kinh thủy lợi” kết hợp xây dựng công trình tràn xả lũ để thoát ngập nhanh cho TP Vĩnh Long. |
Giống như các đô thị khác trên cả nước, TP Vĩnh Long cũng bị ngập nặng nề trong mùa mưa lũ. Ngập làm mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và vẻ mỹ quan thành phố kém đi… Giải pháp thủy lợi sau đây có thể xem xét, áp dụng cho việc chống ngập đô thị.
Lợi dụng lòng đường làm kinh thoát nước
Ngập đô thị ở TP Vĩnh Long chủ yếu xảy ra ở các tuyến đường, khu phố thuộc khu trung tâm như Phường 1, Phường 2, Phường 3, Phường 4…
Những nơi này có nền nhà, phố cao hơn mặt đường. Khi mưa, nước mưa cùng với nước thải sinh hoạt phần lớn chảy vào hệ thống cống thoát nước chạy dọc hai bên đường, một phần nước thoát trực tiếp vào các sông, kinh, rạch hiện có trong thành phố.
Hệ thống cống thoát vì nhiều nguyên nhân khác nhau tải không nổi lượng nước mưa, nước sinh hoạt nên nước dâng cao, lan ra mặt đường gây ngập đường, ngập hẻm. Tình trạng ngập càng nặng hơn khi mưa gặp lũ, triều cường xảy ra cùng thời đoạn.
Chúng ta có thể thấy, hễ có những trận mưa rào trên 50mm là những tuyến đường khu trung tâm đều bị ngập nặng, mặc dù khi đó nước dưới sông, rạch rất thấp.
Một điều dễ nhận thấy nữa là những con đường, ngõ hẻm ở gần, ở ven những sông, rạch trong thành phố không hề bị ngập sâu bởi việc thoát nước mưa dễ dàng, nhanh chóng do tràn thẳng xuống kinh. Điều này chứng tỏ là hệ thống cống thoát nước không kịp hoặc hệ thống cống có vấn đề!
Thực tế cho thấy, đối với khu trung tâm thành phố, hệ thống cống thoát nước vừa cũ, vừa quá nhỏ, phần lớn bị xuống cấp nặng, muốn cải tạo, nâng cấp lại rất khó khăn và rất tốn kém.
Đã có một số tuyến đường được cải tạo, nâng cấp kết hợp cải tạo, mở rộng hệ thống cống thoát nhưng còn thiếu đồng bộ nên hiệu quả thoát nước không cao.
Các nguyên nhân khác có thể là do quá trình thi công lắp đặt cống thoát chưa đảm bảo kỹ thuật (nhất là tạo độ dốc không tốt, miệng cống không khớp…), lỗ thoát nước mặt đường vào cống quá nhỏ; do quá trình khai thác vận hành không đảm bảo như để rác, cát san lấp nền chảy vào lòng cống làm tắt nghẽn dòng chảy; do đào bới, lắp đặt các công trình khác lồng vào hệ thống cống (như cáp quang, dây điện, điện thoại ngầm…) cũng làm cản trở lớn đến dòng chảy qua cống,...
Với những lý do nêu trên, cho dù thành phố có dùng biện pháp tiêu úng bằng máy bơm công suất lớn đi nữa thì cũng không hiệu quả. Vì vậy, một biện pháp để giúp giảm ngập nặng nhanh chóng cho khu trung tâm của thành phố hiện tại có thể là cho nước ngập chảy tràn trên mặt các tuyến đường.
Dùng những tuyến đường làm “kinh thủy lợi” để tiêu thoát nước kết hợp xây dựng công trình tràn xả lũ của ngành thủy lợi để thoát nước ngập ra sông, kinh, rạch.
Thực tế điều này đã và đang diễn ra ở TP Vĩnh Long, khi trời mưa to, kéo dài, đường, phố ngập nặng, lòng đường như những dòng kinh dẫn nước ngập chảy từ khu đất cao, tuyến đường cao sang các đường, ngõ hẻm thấp rồi thoát ra sông, rạch gần đó…
Tràn xả lũ- giải pháp chống ngập cho đô thị
Công trình tràn xả lũ là công trình cho nước tràn qua để tiêu thoát lượng nước thừa của các hồ chứa thủy lợi, đập thủy điện… để bảo đảm an toàn các hồ chứa, đập thủy điện trong mùa mưa lũ, bão, gồm đập dâng, đường tràn, cống tràn…
Để sử dụng chống ngập cho đô thị thì công trình tràn xả lũ phải được xây dựng tại điểm tiếp giáp giữa tuyến đường đô thị dùng làm “kinh thủy lợi” thoát nước ngập với bờ sông, kinh, rạch dự kiến cho nước ngập chảy vào.
Chiều rộng đường tràn được xác định trên cơ sở lượng nước ngập tràn qua. Ổn định về trượt, về thấm nước, về phòng xói lở bờ sông, bờ kinh… cũng cần phải tính đến khi thiết kế, xây dựng công trình xả lũ.
Những tuyến đường đô thị dùng làm “kinh thủy lợi” thoát nước ngập phải được nâng cấp làm cho mặt đường có độ dốc để cho nước chảy về hướng những sông, kinh, rạch qua công trình tràn xả lũ. Độ dốc của đường có thể đổ về một phía hoặc hai phía miễn sao nước chảy vào sông, rạch gần nhất, hoặc độ dốc vào giữa đoạn đường để từ đó thoát ra con đường, con hẻm nhỏ hơn, qua công trình tràn xả lũ nối trực tiếp ra sông, rạch.
Ngoài ra, cần xây dựng cửa cống trên đường tràn xả lũ để chặn nước ngoài sông, kinh, rạch tràn ngược vào đường khi gặp trường hợp lũ lớn, triều cường làm mực nước sông, rạch dâng cao.
Giải pháp này có thể làm cho các đường đô thị dùng làm “kinh thủy lợi” bị dơ bẩn hơn bởi nước mưa có hòa nước cống đô thị tràn trên mặt đường, nhưng giúp giảm ngập rất nhanh chóng cho thành phố khi bị ngập sâu vì lượng chảy tự do nhiều hơn thoát qua hệ thống cống; có thể vệ sinh quét dọn, tưới nước mặt đường tràn sau khi hết ngập.
Trước mắt nên xem xét, thực hiện cho khu trung tâm thành phố, kết hợp với các biện pháp công trình khác như xây dựng đê, kè, máy bơm, cống chống ngập đã được đề xuất trong Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TP Vĩnh Long đã được phê duyệt.
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin