Chính phủ Việt Nam, Liên hợp quốc và các đối tác kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ khẩn cấp 48,5 triệu USD để Việt Nam ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng bởi El Nino.
Chính phủ Việt Nam, Liên hợp quốc và các đối tác kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ khẩn cấp 48,5 triệu USD để Việt Nam ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng bởi El Nino.
Tình trạng hạn hán tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra rất nghiêm trọng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Lời kêu gọi trên được đưa ra tại hội nghị “Kêu gọi hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với hạn hán và xâm nhập mặn tại Việt Nam,” ngày 26/4, tại Hà Nội do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức.
Cùng ngày, Việt Nam cũng công bố kế hoạch ứng phó khẩn cấp nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp bách nhất của khủng hoảng này, hỗ trợ nhân đạo đáp ứng các nhu cầu thiết yếu nhất về nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, sức khỏe và phục hồi sớm đời sống của nhân dân.
Một phần kinh phí đã được cam kết, bảo đảm tạo điều kiện cho Chính phủ tiến hành các nỗ lực ứng phó và cứu trợ khẩn cấp.
Trong tháng Ba, Chính phủ Việt Nam, Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã tiến hành một đánh giá nhanh, ước tính trong 18 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 2 triệu người không được sử dụng nước sạch cho sinh hoạt, và 1,1 triệu người cần hỗ trợ về lương thực. Hơn 60.000 phụ nữ và trẻ em đang lâm vào tình trạng suy dinh dưỡng, và sinh kế của khoảng 1,75 triệu người đã bị thiệt hại nặng nề do hạn hán ngày càng gia tăng ngày càng nghiêm trọng.
Đánh giá nhanh cũng cho thấy tám tỉnh khác cũng đang trong nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán trong các tuần tới đây do tình trạng thiếu nước và phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ vì sử dụng nước không hợp vệ sinh, dự báo khả năng bùng phát của các bệnh dịch do thiếu nước sạch. Thêm vào đó, an ninh lương thực bị đe dọa nghiêm trọng do mất mùa vì hạn hán sẽ là nguy cơ dẫn đến tăng tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.
Từ cuối năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ trên 5.200 tấn lương thực cho ba khu vực chịu ảnh hưởng của hạn hán và phân bổ 1.081 tỷ đồng (khoảng 45 triệu USD) thực hiện các nỗ lực cứu trợ hạn hán ở cấp quốc gia.
Ngày 15/3, Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi các đối tác quốc tế cùng hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ, ưu tiền đảm bảo cung cấp, dự trữ và xử lý nước tại các vùng chịu ảnh hưởng của hạn hán, cũng như đảm bảo an ninh lương thực, hỗ trợ dinh dưỡng và tăng cường công tác giám sát nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Tại hội nghị, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc, bà Pratibha Mehta đánh giá Chính phủ Việt Nam đã có những hành động chủ động, nỗ lực lớn thực hiện các cứu trợ khẩn cấp, song đây là một sự kiện đặc biệt kêu gọi sự hỗ trợ đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Liên hợp quốc sẽ tiếp tục phối hợp cùng với Chính phủ Việt Nam để có thể trợ giúp những nhu cầu cấp thiết nhất cho những người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
“Hiện nay vẫn còn nhiều người dân có những nhu cầu vẫn chưa được đáp ứng vì còn thiếu rất nhiều nguồn lực. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, các tổ chức quốc tế để có thể thực hiện kế hoạch hôm nay. Kế hoạch này sẽ hướng vào những nhóm người dân đang cần sự trợ giúp về nước uống, lương thực, dinh dưỡng, vệ sinh để khôi vụ sinh kế,” bà Pratibha Mehta nhấn mạnh.
Đến cuối giờ chiều 26/4, các nhà tài trợ đã công bố một số khoản hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam. Cụ thể, Cơ quan Liên hợp quốc sẽ hỗ trợ 4 triệu USD, ADB sẽ xem xét hỗ trợ 3 triệu USD, Mỹ hỗ trợ 50.000 USD cho tỉnh Bến Tre, Hội Chữ thập Đỏ 200.000 euro cho Cà Mau và 15.000-18.000 USD cho Long An, Chính phủ New Zealand 50.000 USD, Chính phủ Australia và Chính phủ Thụy Sĩ cũng sẽ xem xét hỗ trợ Việt Nam... Tổng các khoản viện trợ khoảng 7,34 triệu USD.
Ngoài ra, WB, Ngân hàng Phát triển châu Á, Chính phủ Nhật Bản, Quỹ AFD (Pháp), Ngân hàng Tái thiết Đức cũng thể hiện sự sẵn sàng tăng cường hỗ trợ cũng như điều chỉnh khoản hỗ trợ và đẩy nhanh tốc độ giải ngân các chương trình có tính chất dài hạn để Việt Nam ứng phó với tình hình trước mắt cũng như thực hiện các giải pháp lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo TTXVN/VIETNAM+
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin