Viện Hải dương học tìm nguyên nhân cá chết

Cập nhật, 17:25, Thứ Tư, 27/04/2016 (GMT+7)

Việc tìm ra nguyên nhân cá chết sẽ được tiếp cận theo hướng đánh giá quá trình hải dương học, sinh thái học.

Sau khi xảy ra hiện tượng cá chết bất thường tại các tỉnh Bắc Trung bộ, Viện Hải dương học, thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã cử nhóm chuyên gia về Hải dương học tham gia nghiên cứu, xác định nguyên nhân cá chết.

Nhóm công tác gồm 10 chuyên gia của Viện từng hoạt động các lĩnh vực như vật lý biển, sinh thái học, nguồn lợi động vật, công nghệ thông tin, sinh vật phù du, động vật có xương sống.

Việc nghiên cứu được kết hợp giữa các mẫu sinh vật biển thu được tại vùng biển các tỉnh như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và các công nghệ như ảnh viễn thám, các dữ liệu trong nước và quốc tế để phân tích tình hình, sớm xác định nguyên nhân.

Cá chết tại Hà Tĩnh
Cá chết tại Hà Tĩnh

Việc nghiên cứu sẽ được tiếp cận theo hướng đánh giá quá trình hải dương học, sinh thái học và sự liên quan đến hàng loạt động vật biển chết tại vùng biển các tỉnh vừa nêu.

Tiến sĩ Võ Sỹ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, trước đây, Việt Nam đã nhiều lần ghi nhận các trường hợp hải sản chết bất thường như nghêu chết ở Trà Vinh, san hô chết ở Bình Thuận... Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên hải sản chết với quy mô và phạm vi rộng.

“Chúng tôi tập trung rất nhiều nguồn tư liệu trong và ngoài nước, các ảnh viễn thám, nguồn cơ sở dữ liệu, sẽ tiếp cận để tìm hiểu các quá trình diễn ra trong biển mà liên quan đến hải dương học cũng như sinh thái học. Tôi cũng đang thảo luận trong nhóm chuyên gia và sớm có kết luận. Tuy nhiên, cũng có hạn chế là việc xảy ra trên biển xảy ra đột xuất, tìm ảnh vệ tinh cũng chưa chắc ngày đó, vùng đó nó lại có tư liệu để chúng ta phân tích”- Tiến sĩ Võ Sỹ Tuấn nói.

Còn Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam cho rằng, phần lớn cá chết tại vùng biển Bắc Trung bộ là những loài cá sống đáy, ở tầng sâu. Điều này cho thấy đã có sự tác động từ bên ngoài vào vùng biển rất mạnh khiến các loài cá chết và nổi lên.

Nguyên nhân chính có thể là từ những tác động bên ngoài của các nguồn thải từ trong bờ hoặc từ các công trình ngầm, các tàu chở dầu ở ngoài khơi... Thảm họa môi trường với phạm vi lớn như vậy thì chỉ có những chất thải ra rất độc, số lượng nhiều, lan truyền rất nhanh, có hiệu ứng môi trường rất lớn… mới gây ra hậu quả như vậy.

Tiến sỹ Nguyễn Tác An chia sẻ: Quy mô liên tỉnh có lẽ là lần đầu tiên, đặc biệt cá chết phần nhiều là những sinh vật sống đáy dưới tầng, khả năng chịu đựng rất lớn, cho thấy tác động ở đâu đấy rất là mạnh. Cá mà chết nổi lên như vậy mình mới thấy tảng băng thôi, nguy hiểm nhất là dấu hiệu toàn bộ nền tảng sinh thái đáy đã bị hư hỏng, di chứng 5-10 năm hoặc lâu hơn nữa

Theo VOV.VN