Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, đã đặt câu hỏi như vậy khi phát biểu tổng kết Hội nghị an toàn giao thông (ATGT) Việt Nam 2015 tổ chức ngày 26-11.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, đã đặt câu hỏi như vậy khi phát biểu tổng kết Hội nghị an toàn giao thông (ATGT) Việt Nam 2015 tổ chức ngày 26-11.
Tài xế xe tải bị các tài xế taxi vây đánh - Ảnh do bạn đọc Huỳnh Duy cung cấp |
Theo Phó thủ tướng, tai nạn giao thông (TNGT) trong 5 năm qua đã giảm đáng kể. Từ năm 2010 trở về trước, số người chết vì TNGT trên 12.000 người mỗi năm. Năm 2014 là năm đầu tiên số người thiệt mạng do tai TNGT giảm xuống dưới 9.000 người.
Tuy nhiên, TNGT vẫn còn xảy ra nhiều và có nhiều vụ nghiêm trọng, mỗi năm vẫn còn 9.000 người ra đi không bao giờ quay lại, bình quân mỗi ngày có 24 người không trở về nhà vì TNGT.
Một trong những giải pháp để đảm bảo ATGT, theo Phó thủ tướng, trước hết phải giáo dục ý thức, văn hóa tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông. Giáo dục từ khi học vỡ lòng và cả trong môi trường cộng đồng.
“Văn hóa gì mà đụng xe là cãi nhau, đánh nhau giữa đường gây thương tích. Phải xử lý nghiêm những trường hợp đó, đưa hình ảnh xấu lên công chúng, đưa về địa phương, cơ quan để giáo dục, cảnh cáo những hành vi thiếu văn hóa” - Phó thủ tướng dẫn chứng và đề nghị ban thường trực Ủy ban ATGT quốc gia tiếp thu các kết quả nghiên cứu về hành vi, văn hóa tham gia giao thông, giáo dục ATGT trong trường học... để chỉ đạo các cơ quan thành viên, các địa phương xây dựng các chương trình tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện các tiêu chí văn hóa giao thông.
Phó thủ tướng đề nghị tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, tổ chức giao thông, xử lý vi phạm, kể cả phạt nguội.
Phó thủ tướng đánh giá cao việc thí điểm lắp đặt camera giám sát xử lý vi phạm theo hình thức xã hội hóa của Bộ GTVT trên một số tuyến đường cao tốc. Việc xã hội hóa hệ thống giám sát này là cần thiết trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn.
Phó thủ tướng đề nghị sau khi thí điểm, nhân rộng mô hình trên các quốc lộ, ai làm tốt, làm giỏi thì mời tham gia.
Theo thiếu tướng Trần Sơn Hà - cục trưởng Cục CSGT, thời gian qua Bộ Công an đã sử dụng hệ thống giám sát giao thông bằng hình ảnh trên tuyến quốc lộ 1, đoạn Pháp Vân - Ninh Bình, đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Cần Thơ.
Ngoài việc tăng hiệu quả xử lý vi phạm, hệ thống này còn làm giảm hành vi vi phạm, giảm TNGT cả về số vụ, số người chết, người bị thương.
Từ khi sử dụng hệ thống trên, đoạn đường Pháp Vân - Ninh Bình đã giảm 43 vụ TNGT, giảm 60 người chết, giảm 18 người bị thương. Trên tuyến quốc lộ 1, TNGT giảm cả 3 tiêu chí, giảm 56 vụ, giảm 71 người chết, giảm 51 người bị thương. Đáng chú ý là không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến có lắp đặt hệ thống giám sát.
Tuy nhiên, ông Hà cho biết việc ra thông báo yêu cầu người vi phạm đến xử lý “phạt nguội” gặp khó khăn, hiệu quả thấp. Bởi vì tình trạng xe mua bán không sang tên, chuyển chủ nhiều, chủ phương tiện, lái xe trốn tránh không đến xử lý vi phạm (chỉ đạt 21,4% trên tổng số các trường hợp gửi thông báo).
Ông Hà đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt qua tài khoản đối với các trường hợp không dừng được phương tiện; có chế tài cụ thể cưỡng chế chủ phương tiện, lái xe trốn tránh không đến xử lý vi phạm.
Theo http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20151126/pho-thu-tuong-van-hoa-gi-ma-dung-xe-la-danh-nhau/1010104.html
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin