Phải đặc biệt quan tâm thu nhập, môi trường!

07:11, 26/11/2015

Đó là nội dung đóng góp của ông Ngô Ngọc Bỉnh (Sáu Kỳ)- nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, tại hội thảo công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Vĩnh Long năm 2015 do Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức.

Đó là nội dung đóng góp của ông Ngô Ngọc Bỉnh (Sáu Kỳ)- nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, tại hội thảo công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Vĩnh Long năm 2015 do Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức.

Một người luôn tâm huyết và nhiệt tình trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trước đây cũng như thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Hai ở xã Tân Long đã nuôi được bò giống chất lượng cao- mô hình cần nhân rộng để tăng thu nhập cho nông dân.
Ông Nguyễn Văn Hai ở xã Tân Long đã nuôi được bò giống chất lượng cao- mô hình cần nhân rộng để tăng thu nhập cho nông dân.

Theo nhiều người, ông Sáu Kỳ là một người luôn nói và làm gắn liền với thực tế. Dự hội thảo này, ông vẫn đầy tâm huyết, mà những người làm công tác dân vận trong xây dựng NTM hôm nay phải suy nghĩ rất nhiều.

Ông nói: “Nếu nhìn lại sau ngày giải phóng đất nước đến nay, người dân nông thôn vẫn luôn thiệt thòi so với dân thành thị (điện, nước tới nhà, đường giao thông làm tới cửa). Còn dân nông thôn hô kéo điện phải bỏ tiền vô, nước phải góp tiền vào mới có ống tới nhà, làm đường phải hùn tiền lại,… rất khó, đã nghèo còn phải đóng góp đủ thứ!”

Làm gì để nâng cao thu nhập cho nông dân

Lần này, Đảng, Nhà nước có chủ trương xây dựng NTM khiến ai cũng mừng, phấn khởi. Chủ trương rất đúng đắn.

Theo các báo cáo kết quả xã NTM, đời sống nhân dân nông thôn có đi lên, mức thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng, ở xã NTM 29 triệu đồng/người/năm. Song, nếu so với bình quân cả nước, ta mới chỉ bằng phân nửa.

Do vậy, đây là vấn đề đặt ra cần suy nghĩ. Xây dựng NTM với 19 tiêu chí, ông Sáu Kỳ cũng xác định quan trọng nhất là thu nhập của người dân nông thôn chưa cao- đây là điều bức xúc cần đặc biệt quan tâm. Ông phân tích, nếu nông dân chỉ làm vài công ruộng, nghèo thì không nghèo nhưng không thể khá được.

Cho nên vấn đề đặt ra là chúng ta phải làm sao cho nông dân mình khá lên. Qua tìm hiểu ở huyện Mang Thít, đã có nông dân nuôi được 12 con bò, trị giá trên 100 triệu đồng/con, nên nông dân tỷ phú là đã có thật. Vậy thì phải tính toán làm sao cho nông dân có thu nhập cao hơn với diện tích hiện có?

Cũng một người khác, gia đình có 2 công ruộng, vừa làm ruộng, vừa chạy xe ôm, nghèo không nghèo nhưng không thể khá. Anh ta làm 3 vụ lúa/năm, lời cả năm chỉ 4 triệu đồng/công. Sau khi tính toán, anh bàn với vợ bán nữ trang cưới mua 2 con bò về nuôi. 1 công ruộng dành trồng cỏ nuôi bò, qua hơn một năm, bầy bò lên được 4 con, khoảng 100 triệu đồng.

Dân mình hiện nay bình quân chưa tới 1 công ruộng, nếu trồng cỏ sẽ nuôi được 2- 3 con bò. 1 con bò bình quân 20 triệu đồng, 2 con sẽ lãi 40 triệu- gấp 10 lần trồng lúa. Đây là một thực tế để chúng ta suy nghĩ. Các đoàn thể làm dân vận khéo như thế nào, để có thể nâng cao thu nhập cho nông dân?

Ông cũng chứng minh bằng việc của mình: “Tôi trồng 300 cây dừa, 2 năm rưỡi một số cây bắt đầu cho trái. Điều quan trọng là dưới tán dừa còn nhỏ, tôi trồng cỏ. Lúc mới về làm vườn, chỉ có 4 con bò, vậy mà đến nay tôi đã bán được 4 con. Hiện còn 10 con, trong này có 6 con đang độ sinh đẻ. Mỗi con bò đẻ bây giờ 40 triệu đồng và 4 con bò nghé, như vậy tôi đã tích lũy được bao nhiêu thì chắc mọi người đã biết”.

Theo ông Sáu Kỳ, bò chỉ ăn cỏ, ăn rơm, toàn là những thứ “đồ bỏ” mà cho thu nhập cao, vậy tại sao ta không phát động nông dân cùng làm? Có lẽ việc khó nhất là thiếu vốn, trồng cỏ, và lấy rơm ở đâu?...

Để giải quyết vấn đề này, cán bộ, đảng viên phải tiên phong đi đầu. Vĩnh Long đất ít, không có cách làm ăn này thì nếu thoát nghèo rồi cũng khó khá lên được.

Lo môi trường nước sạch nông thôn

Ông Sáu Kỳ cho rằng, vấn đề môi trường nông thôn- phong trào “5 không, 3 sạch” do Hội Phụ nữ phát động rất tốt. Nhưng quan trọng hơn hết hiện nay là nước sạch (ăn, uống, sinh hoạt) tác động trực tiếp đến sức khỏe con người.

Nếu tăng cường đầu tư thêm nhà máy nước sạch thì rất tốn kém, cho nên chỉ cần đầu tư nâng cấp nhà máy nước hiện có. Vấn đề nữa là dân nông thôn mình vẫn còn cầu tiêu ao cá, kề bên là ao lấy nước lên sinh hoạt.

Cầu tiêu, chuồng nuôi gia súc trên ao hồ còn khá phổ biến ở một xã NTM- cần sớm vận động khắc phục.
Cầu tiêu, chuồng nuôi gia súc trên ao hồ còn khá phổ biến ở một xã NTM- cần sớm vận động khắc phục.

Các đoàn thể cần vận động đoàn viên, hội viên làm nhà vệ sinh tự hoại thật quyết liệt. Cũng theo ông: “Tới đây, chúng ta cần làm nhiều việc, phải có điện, nước sạch, môi trường sạch, thậm chí nông dân mình cũng phải biết có máy điều hòa nữa,…

Phải tính quyết liệt vấn đề này để nâng chất lượng cuộc sống đi lên. Bên cạnh, các địa phương cũng đừng quên quan tâm nhiều hơn tới đối tượng chính sách và thành phần yếu thế trong xã hội như những người nghèo khó, tàn tật, để cho họ có cuộc sống cũng phải chất lượng hơn”.

NTM là nơi mỗi người dân nông thôn phải được thụ hưởng những giá trị mà Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư mang lại.

Ông Ngô Ngọc Bỉnh

Đề cao tinh thần tự nguyện của người dân, nhưng đừng “siết quá”. Đừng chạy theo thời gian, đừng chạy theo danh hiệu NTM, mà làm thực chất từng tiêu chí. NTM phải “bừng lên”, chất lượng cuộc sống người dân nông thôn phải được nâng lên, đó là hiệu quả của xây dựng NTM!

 Bài, ảnh: TRẦN ÚT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh