Nối mạch vào QL53, đường liên xã Hòa Hiệp- Hòa Thạnh là động lực để phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Tuy nhiên, do bị động từ một dự án mà từ đó đến nay hơn 10 năm, con đường dù xuống cấp vẫn chỉ biết đợi chờ….
Nối mạch vào QL53, đường liên xã Hòa Hiệp- Hòa Thạnh là động lực để phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Tuy nhiên, do bị động từ một dự án mà từ đó đến nay hơn 10 năm, con đường dù xuống cấp vẫn chỉ biết đợi chờ….
Do kinh phí nhỏ nên những việc sửa chữa giặm vá mỗi năm chỉ mang tính tạm bợ, chưa hết mùa mưa là đường đã thành… “ao”. |
Nắng đầy bụi, mưa hóa “bẫy”
Vài cơn mưa trong những ngày qua đã khiến xe cộ lưu thông qua đường liên xã Hòa Hiệp- Hòa Thạnh trở nên nguy hiểm. Vừa chỉ đường cho người lạ như chúng tôi, bà con ở đây còn nói dặm thêm: “Tốt nhất là nên quay lại đi, trời này người lạ đi dễ té dữ lắm!”
Những “ổ gà”, “ổ voi” đủ kích cỡ biến thành những vũng nước nhỏ, lớn đã vô tình thành cái bẫy cho người đi đường.
Không nằm rải đều mà xuất hiện ở từng đoạn trên suốt con đường dài khoảng 7,5km. Dù vậy, nếu là một tay lái “cừ khôi” cũng sụp bẫy như thường, bởi khó lòng “né” khi lưu lượng xe đông, đặc biệt là xe tải.
Hiện, đường càng trơn trợt thêm khi địa phương đang vào vụ thu hoạch vụ lúa vụ 3, máy gặt đập liên hợp chạy lên mang theo sình đất. Có những đoạn đá bị lún gần hết, còn trơ đất thì bánh xe khó bám được với mặt đường, lái xe dễ bị trợt, nguy hiểm.
Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Phan Thành Cảnh cho biết: “Trời nắng thì bụi mù mịt, còn trời mưa thì khó đi như thế. Nếu mưa liên tiếp 2 ngày liền là đường thành mương luôn đó. Tuyến dân cư mới xây dựng là sáng- xanh- sạch- đẹp, mà vướng cái lộ này coi như không còn sạch nữa”.
Đường liên xã Hòa Hiệp- Hòa Thạnh đi qua 6 ấp là Ấp 6, Ấp 7, Ấp 8 và một phần của Ấp 10 (xã Hòa Hiệp) và Ấp 3, Ấp 5 (xã Hòa Thạnh). Đây là tuyến đường huyết mạch phục vụ việc giao thương, vận chuyển hàng hóa của người dân 2 xã. Theo lãnh đạo địa phương, tuyến đường được đầu tư khoảng năm 2003, rải đá theo quy cách đường liên xã, mặt rộng 3m.
Tuy nhiên, do chỉ rải đá lớp mặt nên chỉ sau khoảng 3 năm sử dụng, con đường đã xuống cấp nặng. Trong đó, đoạn qua xã Hòa Thạnh người dân còn phải “hồi hộp” mỗi khi qua cây cầu ông Cớ và ông Nam- “cầu tử thần” đã xuống cấp.
Được biết, mỗi năm địa phương đều tổ chức duy tu, gia cố, san lấp ổ gà nhưng chưa qua hết mùa mưa thì đâu lại vào đấy. Chính vì vậy, mùa nắng bà con đối phó với “bụi mịt mù” là mua lưới, vải để làm màn che chắn. Còn mùa này người dân chỉ biết lo lắng và… than thở.
Vẻ mặt lo lắng, bác nông dân Lê Văn Tho ở Ấp 7 (xã Hòa Hiệp) nói: “Cái “ổ gà” ngay trước nhà tui, chạy xe ngang mà không khéo là tắt máy, té xe như chơi. Nó sâu lắm. Khách lạ thì đâu biết mà tránh. Mới đây, có ông đi ngang đây té, gạo văng tung tóe, cả nhà tui phải ra đỡ dậy rồi hốt gạo, lượm đồ đạc dùm”.
Không những đi lại khó khăn, giao thương hàng hóa trì trệ, mà học sinh đến trường cũng đầy mối nguy. “Mỗi lần mưa là ngập, em không biết “ổ gà” đâu để tránh nên có khi bị té luôn. Em mong sao mấy chú làm đường cho êm để chúng em đi học được dễ dàng hơn”- em Nguyễn Thị Ngọc Trâm- học sinh trường THCS Hòa Lộc nói.
Chỉ còn biết… đợi chờ
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thạnh Lê Tấn Dân, con đường và cầu Ông Nam, cầu Ông Cớ đều nằm trong chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (Chương trình SP-RCC). Dự án đê bao sông Mang Thít là một trong 61 dự án thuộc danh mục các dự án ưu tiên của Chương trình SP-RCC. Tuy nhiên, chúng tôi “không biết khi nào mới thực hiện nên giờ chỉ còn biết phải chờ dự án thôi”.
Tương tự, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Phan Thành Cảnh cũng cùng chung tâm trạng: “Chương trình SP-RCC đã được duyệt rồi nhưng thời gian cụ thể ở địa phương thì không biết chờ đến khi nào nên UBND xã đã kiến nghị Phòng Công thương huyện Tam Bình đầu tư vốn tu sửa con đường và nhận được hồi đáp là “do con đường dài, kinh phí đầu tư là rất lớn nên sẽ đầu tư từng bước”.
Đem vấn đề này trao đổi với ngành chức năng, chúng tôi được Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vĩnh Long- Trần Văn Na cho biết, đến nay vẫn chưa có dự án nào trong Chương trình SP-RCC đầu tư ở Vĩnh Long, bởi ưu tiên đầu tư ở các tỉnh ven biển trước. Theo phân cấp quản lý đầu tư thì cầu Ông Nam, cầu Ông Cớ và đường liên xã là thuộc cấp huyện. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư lớn nên sở đã xin chủ trương UBND tỉnh, lập dự án đầu tư và đưa vào danh mục đề nghị Trung ương hỗ trợ. Ông cũng nói thêm, hàng năm tỉnh vẫn tiếp tục đề nghị với Trung ương hỗ trợ đầu tư về dự án này.
Một lãnh đạo địa phương tâm sự: “Do lấn cấn giữa Trung ương và địa phương nên đến bây giờ vẫn chưa thực hiện. Dự án của Trung ương có mà không có thời gian cụ thể nên địa phương cũng vì vậy mà đang ngại vấn đề sợ đầu tư lãng phí, trùng lắp”.
Không biết đến bao giờ dự án mới thực hiện nhưng từ giờ cho đến thời điểm đó, hàng trăm hộ dân ở 6 ấp thuộc 2 xã Hòa Hiệp, Hòa Thạnh sẽ phải tiếp tục chịu đựng cảnh nắng bụi, mưa lầy trên đoạn đường này?
Bài, ảnh: TẤN ANH- TRẦN NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin