Nhà báo kinh tế: Bình tĩnh và bản lĩnh trong cơ chế thị trường

03:06, 23/06/2015

Nhà báo kinh tế phải luôn bình tĩnh và bản lĩnh để giữ ngòi bút của mình luôn trung thực với cái tâm trong sáng, nhất là làm báo trong vòng xoáy cơ chế thị trường hiện nay.

[links()]

Không hẹn mà gặp, khi những nhà báo chuyên viết về kinh tế có cùng quan điểm và suy nghĩ rằng: nhà báo kinh tế phải luôn bình tĩnh và bản lĩnh để giữ ngòi bút của mình luôn trung thực với cái tâm trong sáng, nhất là làm báo trong vòng xoáy cơ chế thị trường hiện nay.

Chúng tôi bước vào nghề báo với niềm đam mê, không ngừng học hỏi, trau dồi đạo đức cách mạng để trở thành một nhà báo thực thụ, vững vàng tư tưởng chính trị với một “tư duy hiện đại”- mới, mới và luôn mới!

Giữa hàng ngũ nhà báo “nội” tại một sự kiện, có cả nhà báo nước ngoài.
Giữa hàng ngũ nhà báo “nội” tại một sự kiện, có cả nhà báo nước ngoài.

Những chia sẻ cởi mở rất thật lòng, giúp chúng ta hiểu hơn về một lĩnh vực nghề báo- nhà báo kinh tế: có hạnh phúc và cả trăn trở lẫn nước mắt, nhọc nhằn!

Vượt qua giới hạn “nhà báo địa phương”

Là những nhà báo đã khẳng định vị trí trong lòng khán giả, độc giả trong tỉnh và khu vực, đặc biệt phụ trách kinh tế không dưới 10 năm, nhưng các anh chị vẫn “thẹn thùng” khi được gọi: nhà báo kinh tế. Nói như nhà báo Kim Phụng- Tổ Chuyên đề Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long (THVL): “Gọi phóng viên viết mảng kinh tế cho nhẹ nhàng hơn”.

Khiêm tốn, bởi “viết báo về kinh tế quả thật không đơn giản”- nhà báo Phương Nam- Trưởng Phòng Phóng viên- Báo Vĩnh Long, mở đầu câu chuyện. Gần 20 năm làm báo cũng là thời gian cô giáo dạy văn bắt đầu làm quen với… tiền bạc, chuyện làm ăn, kinh tế- thị trường.

Nên chị hiểu: “Đây là lĩnh vực vốn khô khan, phức tạp và chuyên sâu. Do đó, theo tôi, đòi hỏi nhà báo phải có kiến thức cơ bản về kinh tế, đồng thời, cần có cách viết, sao cho công chúng hiểu được, đồng cảm được và có thể ứng dụng được”.

Nhà báo Nguyễn Phước- Tổ trưởng Tổ Kinh tế- THVL, tự hỏi “kinh tế phức tạp, mà hầu hết phóng viên viết kinh tế đều đến từ chuyên ngành khác, phải bắt đầu từ đâu?” và tự đáp: “Phải học. Khi được phân công, giao nhiệm vụ phụ trách mảng đề tài nào cũng phải tự học, tự trang bị kiến thức chuyên ngành. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với nhà báo, vì không học sẽ không biết gì cả”.

Chúng tôi thường chia sẻ với nhau nhà báo kinh tế “vừa viết vừa học”, bắt tay vào một đề tài mới, lĩnh vực khó, chúng tôi thường nghiên cứu kỹ lưỡng để khai thác nhiều góc độ vấn đề thấu đáo, sâu sát hơn.

Nhà báo Phương Nam đúc kết: “Cần kiến thức chuyên môn. Không có kiến thức không được. Tôi hay nói là không có “vốn đối ứng” khi trao đổi với nhân vật, đối tượng trong bài viết của mình”. “Vốn đối ứng” được nhà báo Phương Nam giải thích: “Trước đây, nền kinh tế còn nặng bao cấp. Các doanh nghiệp nhà nước chủ yếu là “làm nhiệm vụ” kinh tế- nhà báo chỉ cần tuyên truyền.

Ngày nay, hội nhập kinh tế sâu rộng, kinh tế nhiều thành phần, thị trường định hướng XHCN. Do đó, nhà báo phải hiểu rõ kiến thức kinh tế cũng như hiểu rõ chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước mới có thể viết bài cho hay, cho trúng, cho đúng. Ví dụ, nhà báo không thể phân tích các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi gia nhập WTO hay cộng đồng kinh tế ASEAN sắp tới, mà không hiểu biết gì về các tổ chức này. Kiến thức về kinh tế cũng giúp nhà báo tự tin khi gặp gỡ trò chuyện trao đổi với các nhà kinh tế các nhà quản lý doanh nghiệp.

Để từ đó mới có được câu chuyện “thật” và chi tiết hay. Tạo được sự chia sẻ và đồng cảm của doanh nghiệp với nhà báo”.

Tự trang bị “vốn đối ứng” kiến thức kinh tế đã giúp các nhà báo tỉnh Vĩnh Long tự tin cùng đồng nghiệp khu vực và cả nước. Hôm nay xem truyền hình khán giả không chỉ cập nhật vấn đề kinh tế trong tỉnh, mà cả khu vực, trong nước với các chương trình, chuyên mục mang dấu ấn thương hiệu THVL.

Nguyễn Phước “đóng dấu” với những bản tin mang tính thời sự nóng hổi; còn Kim Phụng xuất hiện khá đều ở các chuyên mục về kinh tế khi tham gia viết kịch bản, đôi khi kiêm thể hiện, thỉnh thoảng làm MC hay thực tế trong “Chắp cánh ước mơ”… với hình ảnh nữ nhà báo gần gũi mà tinh tế.

Trong khi nhà báo Phương Nam và một số anh chị đồng nghiệp, có thể xem là thế hệ nhà báo kinh tế tiên phong mở rộng phạm vi thông tin ra khu vực và được ghi nhận với rất nhiều giải thưởng tầm quốc gia. Hầu như khắp ĐBSCL từ biển đảo đến biên giới, từ ruộng đồng đến vườn- ao- chuồng, từ chuyện làm ăn phong trào đến các vấn đề kinh tế thời sự… với chị, chưa bao giờ là giới hạn, là không thể không tới được.

Tất cả những điều đó vẫn đang được nối tiếp, bởi các thế hệ nhà báo kinh tế trẻ trung, năng động và rất “máu” nghề.

Trưởng thành và hội nhập

Nhà báo trưởng thành qua những chuyến đi, những bài viết, những đề tài không dễ dàng. Nhiều lúc thành công, nhưng vẫn có thất bại, do những non yếu về nghiệp vụ, thiếu kiến thức chuyên môn, không đủ bản lĩnh vượt qua những cám dỗ.

Khi đối mặt các thông tin thị trường nóng bỏng, về khó khăn của doanh nghiệp, nhà báo kinh tế phải cân nhắc đưa thông tin như thế nào để không gây tác động xấu đến nền kinh tế, người dân hoang mang. Chúng tôi tâm niệm, phải rất khách quan, chân thật, đặt lợi ích chung của xã hội, người dân lên trên hết, nhà báo không bao giờ lạm dụng cương vị của mình để mưu cầu lợi ích riêng.

Nhà báo Kim Phụng chia sẻ kinh nghiệm quý: “Mình phải bình tĩnh chọn lọc thông tin, nắm thông tin nhiều chiều, tham khảo ý kiến anh em đồng nghiệp để khai thác, xử lý thông tin đó như thế nào để định hướng dư luận cho tốt. Vì vậy, phải nghiên cứu nhiều, từng đề tài phải nắm rõ chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước để nhà báo có cái nhìn trung lập”.

Vậy nhưng, nhà báo Kim Phụng cho biết không ít lần mất ngủ khi nói về cái không hay của doanh nghiệp, vì trăn trở nói cái khổ của họ có làm ảnh hưởng uy tín, đôi khi doanh nghiệp năn nỉ đừng đưa hình lên sóng. Làm sao đây? “Doanh nghiệp có lúc thăng trầm, hôm nay khó ngày mai có khả năng phục hồi. Nên phải điều tiết thông tin vừa phải, trung thực và không làm doanh nghiệp thiệt thòi”- nhà báo Kim Phụng rút ra bài học.

Ở góc nhìn của nhà báo kinh tế nhiều kinh nghiệm, nhà báo Nguyễn Phước cho rằng trong cơ chế thị trường cái gì cũng trao đổi, mua bán và có người vẫn nghĩ “thật thà thường thua thiệt”. Tuy nhiên, “phải nắm vững những nguyên tắc của nhà báo, giữ vững quan điểm, lập trường của nhà báo, nếu không dễ khiến người ta sa ngã.

Chúng tôi được trang bị đạo đức nghề báo rất kỹ, làm gì cũng phải đặc biệt giữ gìn phẩm chất, lương tâm, trách nhiệm của người làm báo. Xã hội trân trọng người làm báo, nên phải giữ gìn sự trân trọng đó”- nhà báo Nguyễn Phước nói thật lòng.

Nhà báo Phương Nam cho thấy sự từng trải và sâu sắc khi cho rằng: “Trong thời đại thông tin toàn cầu, các nhà báo kinh tế càng phải thận trọng khi đưa ra các con số, các chi tiết, các dữ liệu có liên quan đến kinh tế của một sản phẩm, một doanh nghiệp hay vùng miền, địa phương nào. Không thể tùy tiện chỉ nghĩ đến bài viết của mình. Mà còn phải nghĩ đến sự tác động kinh tế xã hội của bài viết đó. Nhà báo kinh tế vì vậy phải hết sức có ý thức, có trách nhiệm khi đưa thông tin”.

Các thế hệ nhà báo anh chị thường bảo điều kiện làm báo hiện nay quá thuận lợi, hiện đại, chứ không khó khăn, thiếu thốn như 20 năm, 10 năm về trước. Nhưng dù ở giai đoạn nào, nhà báo vẫn hãy nhớ lời Bác Hồ đã dạy: phải công tâm, phải có phẩm chất trung thực.

Nhà báo Phương Nam: Nhà báo cần “tư duy hiện đại”

Z018_4444 (8).jpg

 

Nếu nói hiện đại, thì nhà báo phải có kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ, như máy ghi âm, chụp ảnh kỹ thuật số, mạng Internet… Nhưng theo tôi, hơn hết là “tư duy hiện đại”, nếu không thì các công nghệ thiết bị dù hiện đại đến đâu cũng không thể “lấp chỗ trống” cho kiến thức, tư duy, lao động của nhà báo.Trên thực tế, có những tờ báo kinh tế, những nhà báo viết về kinh tế rất có đẳng cấp, tác phẩm báo chí của họ có vai trò tư vấn, định hướng. Tuy nhiên, cũng còn không ít nhà báo viết về kinh tế nhưng không hiểu vấn đề mà mình viết, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho cả xã hội và cho chính bản thân nhà báo.

Nhà báo Kim Phụng: Kiến thức không bao giờ là đủ

Là nhà báo kinh tế, theo tôi không khó cũng không dễ. Nhà báo kinh tế thâm nhập thử thách nhưng rèn luyện cho mình nghiệp vụ, tiếp xúc thường xuyên nhiều đối tượng cho mình có nhiều kiến thức. Kiến thức không bao giờ là đủ, phải được cập nhật liên tục. Kiến thức chuyên ngành phải học hoài, học hoài. Mỗi ngày một đề tài mới, mình phải mới, mới hoài.

Nhà báo kinh tế tiếp cận công việc bằng sự yêu thích, nhưng phải thận trọng, phải giữ đúng tâm của nghề.

Nhà báo Nguyễn Phước: Không có chỗ cho nhà báo lười suy nghĩ

Theo tôi, làm báo giờ sướng muốn chết. Ngày xưa làm gì có lên mạng, leo trèo “gu- gồ”, nên làm báo phải là hoạt động trực tiếp sự kiện để nắm thông tin, viết mỏi tay chưa được 1 cái tin. Ngày nay công nghệ hiện đại, nhất là những nhà báo trẻ nắm bắt rất nhanh, muốn viết 1 bài báo có rất nhiều thông tin tham khảo. Tuy nhiên, theo tôi do thuận lợi quá nên nhiều nhà báo lười suy nghĩ, đánh mất vai trò của nhà báo. Sự vay mượn thông tin sẽ làm nhà báo không lớn lên được. Theo tôi, nhà báo phải là chính mình, để cho mình được lớn lên sau những bài báo thật sự. 

 

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh