Sau gần 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 Hội nghị BCH Trung ương (khóa X) "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" và Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM) của Chính phủ, nông thôn Vĩnh Long đã thật sự "thay hình đổi dạng".
[links()]
Sau gần 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 Hội nghị BCH Trung ương (khóa X) “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM) của Chính phủ, nông thôn Vĩnh Long đã thật sự “thay hình đổi dạng”. Trong đó có 11/89 xã đạt chuẩn NTM, 11 xã đạt 15- 17 tiêu chí, các xã còn lại đạt trung bình trên 12 tiêu chí.
Nỗ lực đạt 20% xã NTM
Làng quê nông thôn mới Long Phước (Long Hồ). |
Quán triệt tinh thần lãnh chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã đưa nội dung này vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010- 2015 với mục tiêu đến hết năm 2015 xây dựng đạt 20% xã NTM.
Cụ thể: tỉnh đã chọn 22/89 xã nông thôn làm xã điểm và chỉ đạo cấp ủy huyện- thị đưa vào chỉ tiêu nghị quyết cấp mình để quyết tâm thực hiện. Trong đó, TX Bình Minh 2 xã; huyện Tam Bình và Vũng Liêm mỗi huyện 4 xã; Long Hồ, Mang Thít, Trà Ôn và Bình Tân, mỗi huyện 3 xã.
Qua 3 năm thực hiện chương trình, đến cuối năm 2013, xã Long Mỹ (Mang Thít) đã vinh dự là xã đầu tiên về đích, được UBND tỉnh Vĩnh Long trao bằng công nhận đạt chuẩn NTM và trở thành điểm sáng của tỉnh nói chung, huyện Mang Thít nói riêng.
Với sự tập trung chỉ đạo nhân rộng mô hình này, năm 2014, Vĩnh Long tiếp tục nỗ lực thực hiện và đã có thêm 9 xã được tỉnh xét trao bằng công nhận (trong đó có 2 xã điểm do tỉnh chỉ đạo). Từ đầu năm 2015 đến nay, UBND tỉnh tiếp tục ra quyết định công nhận thêm xã Tân Bình đạt chuẩn NTM. Và như vậy Bình Tân là huyện đầu tiên có 3 xã chọn làm điểm đều đạt chuẩn NTM. Tổng hợp đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 50% trên 22 xã điểm đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đang khẩn trương chạy nước rút để từ nay đến cuối năm 2015, hoàn thành 19/19 tiêu chí, giúp cho Vĩnh Long hoàn thành lộ trình xây dựng NTM theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra.
Tổng hợp từ các phương tiện thông tin đại chúng, đến thời điểm này các tỉnh- thành quanh khu vực tỉnh Vĩnh Long như: Trà Vinh đã có 13/85 xã; TP Cần Thơ có 5/36 xã; Đồng Tháp 6/113 xã; Tiền Giang 4/139 xã và Bến Tre có 4/124 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Người dân xã Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân) tự đầu tư xây sửa nhà cửa, làm mới bộ mặt nông thôn. |
Với những thành tựu quan trọng mà Vĩnh Long đạt được, tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng NTM năm 2014 của tỉnh, ông Hồ Xuân Hùng- Cố vấn BCĐ Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM nhận định: Vĩnh Long là một trong những tỉnh được sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo quyết liệt của BCH Đảng bộ các cấp- điển hình như đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đảm nhận luôn vai trò Trưởng BCĐ tỉnh; tương tự, bí thư cấp ủy huyện- thị và các xã kiêm nhiệm luôn vai trò trưởng BCĐ; từng thành viên trong BCH Đảng bộ tỉnh và cán bộ chủ chốt ban, ngành cũng như doanh nghiệp trực tiếp “đỡ đầu” hỗ trợ một xã xây dựng NTM. Và tuy là tỉnh nông nghiệp, nguồn thu ngân sách thấp nhưng Vĩnh Long đã huy động tốt các nguồn lực, đầu tư thỏa đáng cho Chương trình xây dựng NTM. Toàn tỉnh hiện có trên 60 xã đạt từ 10- 17 tiêu chí. Ông Hồ Xuân Hùng tin rằng: dù còn khó khăn nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, khả năng Vĩnh Long đạt 20% xã NTM vào cuối năm 2015 và 50% xã vào 5 năm tới là điều hoàn toàn khả thi.
Nhờ biết cách làm mới nông thôn
Với nhận thức xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn thể cộng đồng, thời gian qua, Đảng bộ các cấp trong tỉnh Vĩnh Long đã tập trung vào cuộc cùng với chính quyền, các tổ chức xã hội, đoàn thể làm thật tốt, thật kỹ công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM là làm cho mình, cho thế hệ con cháu mai sau, từ đó, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia. Một trong những yếu tố góp phần tạo nên sự thành công trong phong trào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua chính là sự đồng thuận từ lòng dân. Người dân đã nhận thức rõ về lợi ích và hiệu quả mà phong trào mang lại, thấy được vai trò chủ thể của mình, tham gia cùng địa phương đóng góp công sức và tiền của để làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, sạch đẹp hơn. Phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn, làm nhà văn hóa cũng như nhiều công trình khác được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đường mở tới đâu, người dân tự tháo dỡ công trình, vật kiến trúc và hiến đất làm đường tới đó.
Sau 3 năm xây dựng, Long Mỹ (Mang Thít) là xã đầu tiên đạt chuẩn NTM. |
Nhờ đó, qua hơn 4 năm thực hiện chương trình, bộ mặt nông thôn Vĩnh Long đã có nhiều đổi mới và hầu như không còn khái niệm vùng sâu, vùng xa. Từ “Tầm Vu” xã Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân), đến “Giáo Mẹo” xã Đông Thạnh (TX Bình Minh), “Sóc Tro” xã Ngãi Tứ, “Cái Ngang” xã Mỹ Lộc (Tam Bình), “Ông Chua” xã Tích Thiện, “Bưng Sẩm” xã Hòa Bình (Trà Ôn); Trung Nghĩa, Thanh Bình (Vũng Liêm);… những địa danh bao đời là nơi “hẻo lánh”, căn cứ kháng chiến cực kỳ khó khăn trong đi lại ngày nào, nay đường xe 4 bánh, 2 bánh lưu thông thuận lợi, dễ dàng khắp các xóm ấp. Phát triển giao thông đã gắn liền với việc gia cố, nâng cấp hoàn thiện cơ bản các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; hệ thống điện, thông tin liên lạc đã đến với trên 98% hộ dân nông thôn. Cùng với đó, đã phát triển hoàn thiện hệ thống các trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, trạm cung cấp nước sạch,… đến khắp mọi nẻo vùng quê, đáp ứng khá đầy đủ nhu cầu nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe và nâng chất lượng cuộc sống cho cư dân nông thôn đến gần hơn với thị thành. Cảm nhận chung với nhân dân nhiều địa phương- các ông Trần Văn Giảng ở xã Thành Đông, Nguyễn Văn Bình ở Trung Hiếu, Phạm Thành Tín ở Mỹ Lộc, Thân Văn Tặng ở Đông Thạnh, Trần Văn Đức ở Hiếu Phụng, Nguyễn Văn Bé ở Hựu Thành,… bày tỏ sự phấn khởi khi thấy được quê hương đổi mới và phát triển như hôm nay!
Theo ông Hồ Xuân Hùng- Cố vấn BCĐ Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM, yếu tố vô cùng quan trọng để Vĩnh Long đạt được kết quả trên đó là do tỉnh có chính sách rất cụ thể, linh động về nguồn vốn nhà nước, vốn huy động nhân dân trong từng công trình, từng hạng mục. Trong đó, Trung ương hỗ trợ bao nhiêu, địa phương phân bổ thế nào, dân đóng góp làm cái gì, địa phương về đích trước được thưởng bao nhiêu,… đều được phân định rõ ràng. Từ đó, nhiều phần huy động được cao hơn mức bình quân chung cả nước.
Bên cạnh, thành công lớn nữa của Vĩnh Long cũng cần được nhìn nhận là tỉnh rất chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để dân hiểu, dân thông về mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM và qua đó giải tỏa được những bế tắc trong thực hiện chương trình. Thời gian ngắn, đã nỗ lực khắc phục tình trạng thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của ngân sách nhà nước, cán bộ ý thức được trách nhiệm của mình với dân hơn trước đây.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Xuân Cường đúc kết: Chưa có chương trình nào các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các cấp và cả hệ thống chính trị vào cuộc sâu như chương trình này, từ đó tạo sức lan tỏa, các cấp, các ngành và cả xã hội vào cuộc lớn như vậy. Dù ngân sách còn hạn chế, nhưng tổng nguồn lực huy động cho NTM năm qua lớn hơn nhiều lần (Trung ương gấp 3 lần, tỉnh, huyện gấp 5- 7 lần). Lần đầu tiên cả nước huy động tín dụng đạt 85.000 tỷ, cao nhất so với các năm trước đó. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi, tạo đà quan trọng để các địa phương thực hiện đạt mục tiêu 20% xã NTM năm 2015 và những năm tiếp theo.
Trong điều kiện đất nước khó khăn, 4 năm qua, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã huy động hơn 160.000 tỷ (tương đương 8 tỷ USD). Từ đó, diện mạo nông thôn được thay đổi, nhất là hạ tầng, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. |
Bài, ảnh: TRẦN ÚT- BÍCH VÂN
Kỳ 2: “Hút” doanh nghiệp về nông thôn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin