Cần phải làm rõ người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh bất động sản đến mức nào

03:05, 28/05/2014

Quốc hội vừa thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Có nhiều điểm của 2 dự luật này được nhiều đại biểu Quốc hội đóng góp cần phải chỉnh lý.

Quốc hội vừa thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Có nhiều điểm của 2 dự luật này được nhiều đại biểu Quốc hội đóng góp cần phải chỉnh lý.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tham gia đóng góp tại tổ.

* Cần quy định cụ thể việc người nước ngoài mua nhà

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) cho rằng có những điều khoản luật quy định quá dài dòng giống như một đề án, có những điều luật thường gắn kèm dựa theo Luật Đất đai, theo tôi là không ổn, bởi vì Luật Đất đai thường xuyên thay đổi, lúc đó những quy định của luật này như thế nào.

Ngoài ra, quy định việc cấp giấy sở hữu nhà rất phức tạp, ngay cả bản thân tôi đọc còn khó hiểu, như thế đối với người khác khi đọc không biết như thế nào, tôi đề nghị cần quy định rõ ràng hơn.

Đồng tình với quan điểm trên đại biểu Lưu Thành Công (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) cho là những điều khoản trong luật quy định khi đọc cảm thấy quá nặng nề, chữ nhiều quá, phân tích cụ thể không cần thiết, đề nghị ban soạn thảo xem lại.

Đóng góp thêm cho luật, đại biểu đề nghị trong điều 8 của chương 2 về sở hữu nhà ở, cần quy định thêm đối tượng là các tổ chức tôn giáo và nhà ở dòng họ vào luật. Ngoài ra, ở điều 73 quy định về quỹ phát triển nhà ở xã hội hiện nay đang là một nhu cầu rất lớn, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở các địa phương.

Trong quy định này, tôi đề nghị cần thêm một nội dung nên có quy định về nhà ở từ thiện- xã hội. Bởi vì hiện nay, nhà ở từ thiện xã hội nay hình thành khá nhiều nó thường gắn với các hội đoàn, các cơ sở tôn giáo để nuôi những cô nhi, người già, người tàn tật không nơi nương tựa.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (đơn vị tỉnh Ninh Thuận) cho rằng, luật cần giải quyết được quy định xây dựng nhà ở liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất.

Hiện nay, có tình trạng là đất có quy hoạch nhưng đang là quy hoạch treo, trong khi dân đang rất muốn xây dựng trên vùng đất đang quy hoạch và người dân đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì luật phải giải quyết làm sao. Người dân sẵn sàng thực hiện theo kế hoạch sử dụng đất khi Nhà nước cần và không cần bồi hoàn, trong luật chưa thấy quy định những điều khoản này.

Đại biểu Nguyễn Văn Thanh (đơn vị tỉnh Vĩnh Long), tôi đề nghị nên quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được quyền mua nhà ở, được quyền sở hữu nhà theo quy định.

Phải xử lý những bức xúc của người dân liên quan đến quyền nhà ở hợp pháp, trong luật chưa có một điều khoản nào có hệ thống để xử lý tình huống quyền sở hữu nhà gắn liền trên đất ở, xử lý hiện trạng quy mô tối thiểu nhà ở nông thôn, nhà ở thành thị.

Đồng tình, đại biểu Trịnh Đình Thạch (đơn vị tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, quy định này là hợp lý nhưng cần nghiên cứu lại và cần có một giới hạn nhất định ở điều 157 của luật, chứ chúng ta mở rộng quá, họ vào mua lập làng này, làng kia có thể tạo ra nhiều khó khăn sau này.

Còn đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đơn vị tỉnh Ninh Thuận) cho rằng, đọc hết luật tôi không thấy có quy định nào về quy chuẩn cụ thể diện tích phải xây dựng nhà là bao nhiêu, luật cũ thì có. Và như thế không biết dựa vào đâu mà cấp phép xây dựng, hơn thế nữa nếu không có quy định chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng xuất hiện nhà siêu mỏng, siêu méo như thời gian qua.

* Nên quy định chặt việc bán, cho thuê, mua nhà trong tương lai

Thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành luật nhằm tiếp tục phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Văn Thanh (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) đề nghị nên có khái niệm về bất động sản, trong đó cần quy định rõ gồm nhà ở, quyền sử dụng đất (bao gồm tài sản trên đất) để thuận lợi trong việc đấu giá cũng như giải quyết khi có phát sinh tranh chấp sau này.

Ở điều 7 quy định phạm vi kinh doanh bất động sản, cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức cá nhân người nước ngoài được nhận, chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất trong dự án bất động sản, các chủ đầu tư bao gồm xây dựng nhà ở công trình để bán và cho thuê. Nhưng những điều khoản nên có ràng buộc pháp lý về nguồn lực nhà đầu tư, thời gian làm việc để giải quyết tình trạng đóng băng của bất động sản hiện nay.

Xung quanh dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Trần Du Lịch (đơn vị TP Hồ Chí Minh) khẳng định, mục tiêu là lành mạnh hóa thị trường bất động sản, vậy thì phải dựa trên Hiến pháp và Luật Đất đai sửa đổi để làm luật này.

Cần phải làm rõ người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được kinh doanh bất động sản đến mức nào. Không thể chấp nhận việc nhà đầu tư lấy đất nông nghiệp, sau đó chờ Nhà nước làm đường để nâng giá lên bán.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, việc gỡ bỏ quy định bắt giao dịch trên sàn giao dịch bất động sản tránh được việc hạn chế giao dịch trực tiếp của chủ đầu tư và người có nhu cầu mua hoặc thuê mua bất động sản, đồng thời xóa bỏ việc tạo ra một tầng lớp trung gian để không làm đẩy giá bất động sản lên cao.

Nhiều đại biểu cho rằng luật vẫn chưa có chế định về kinh doanh cũng như cần có cơ chế để quản lý chặt chẽ tiền đầu tư xây dựng bất động sản. Một số ý kiến tán thành với việc dự thảo quy định tại Điều 21, 27 và 33 về bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai.

Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn bởi hình thức mua bán, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lại rất dễ nảy sinh tranh chấp. Vì thế, dự thảo cần có các quy định chặt chẽ, nhất là các quy định liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua, thuê, thuê lại, thuê mua bất động sản.

Bài, ảnh: THANH TÂM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh