Đội đua ghe ngo nữ chùa Kỳ Son (Tam Bình), giành giải nhì tại Festival Đua ghe ngo Sóc Trăng vừa qua, có thể xem là sự kiện, là niềm vui lớn trong năm qua của địa phương, đặc biệt đối với bà con Khmer ở xã Loan Mỹ.
Đội đua ghe ngo nữ chùa Kỳ Son (Tam Bình), giành giải nhì tại Festival Đua ghe ngo Sóc Trăng vừa qua, có thể xem là sự kiện, là niềm vui lớn trong năm qua của địa phương, đặc biệt đối với bà con Khmer ở xã Loan Mỹ.
Sư Thạch Chanh Nhanh và ông Kim Cành bên chiếc ghe ngo dùng thi đấu chung của đội nam và đội nữ.
|
Câu chuyện cuối năm với sư cả Thạch Chanh Nhenh- trụ trì chùa Kỳ Son, càng thấy ấm áp thêm tình đoàn kết, khát khao giữ gìn văn hóa truyền thống của xóm làng.
Gắn liền với lễ cúng trăng (rằm tháng 10 âm lịch), đồng bào Khmer tổ chức đua ghe ngo. Đây được coi là hoạt động rước nước đặc thù của cư dân nông nghiệp lúa nước.
Điều này chứng tỏ rằng, người Khmer khát khao có một mùa màng bội thu thể hiện qua hoạt động đua ghe, rước nước này. Ngày lễ kết hợp với hoạt động thể thao mang đầy tính cộng đồng, đã trở thành ngày hội truyền thống lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer Đồng bằng Nam Bộ.
Riêng đối với bà con Loan Mỹ, để đến được với ngày hội lớn ở Sóc Trăng, nhiều người đâu biết được họ đã vượt qua rất nhiều khó khăn, cùng những câu chuyện ít ai ngờ tới. Những thiếu thốn về kinh phí tập luyện, phương tiện vận chuyển… càng làm cho chiến thắng của họ trở nên thật sự có ý nghĩa.
Tuy nhiên, phong trào đua ghe ngo ở xã Loan Mỹ phát triển khá mạnh từ 7- 8 năm trước. Khi vào năm 2009, sư Thạch Chanh Nhenh cùng với Ban Quản trị chùa bàn bạc và phát động các ấp thành lập đội đua ghe tam bản, mỗi đội gồm 10 người.
Lúc đó, do ghe đua chỉ đi mượn đầu này, đầu kia nên lớn nhỏ không đồng đều nhau. Qua năm 2010, những địa phương nào có được kinh phí thì đóng ghe mới theo đúng quy cách chung với chiều dài tối đa là 12m. Đi đầu là các ấp: Kỳ Son, Sóc Rừng, dần dần hầu hết các ấp trong xã Loan Mỹ đều có ghe đua mới, được cải tiến kỹ thuật để ghe lướt nhanh hơn.
Mong đạt thành tích cao tại Festival Đua ghe ngo năm 2014.
|
Dù đua ghe tam bản chỉ ở quy mô nhỏ mỗi đội có 10 người, nhưng đã tạo nên phong trào mạnh mẽ ở địa phương, các tay bơi có điều kiện tập luyện, thi đấu thường xuyên. Từ đó, khơi dậy được tình đoàn kết xóm làng, thu hút sự đóng góp của nhiều người trong cộng đồng. Trong đó, nổi bật thành tích thi đấu là đội đua nữ của ấp Giữa và ấp Kỳ Son.
Đó là đua ghe tam bản, sự tuyển chọn, kỹ thuật thi đấu dễ hơn nhiều so với việc thi đấu thật sự trên chiếc ghe ngo. Chúng tôi thật sự bất ngờ, về chuyện đội đua ghe ngo nữ chùa Kỳ Son trước khi tham gia cuộc thi lớn của khu vực, họ chỉ mới được tập trung thực sự tập luyện chỉ đúng… 10 ngày ở trên bờ lẫn dưới nước.
Trong đó, chỉ được tập 2 ngày dưới nước ở Tam Bình và 1 ngày tập luyện ở Sóc Trăng. Sư Thạch Chanh Nhenh cho biết: Chỉ trong 2 ngày sau khi có quyết định từ BTC ở Sóc Trăng, chùa Kỳ Son đã tập hợp đội đua ghe ngo nữ với số lượng quy định là 70 người, không ngờ khi chốt danh sách đăng ký lên đến 91 người. Có ý kiến nên tuyển chọn lại đúng 70 người thôi, nhưng nhà chùa đã quyết định giữ lại tất cả và thành lập đội hình chính thức và dự bị, mặc dù việc này sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đoàn cũng nhận được sự hỗ trợ từ UBND huyện, các đoàn thể, Mạnh thường quân, trước ngày lên đường thi đấu.
Kể khó, để thấy trân trọng thành quả đầu tiên mà đội đua ghe ngo nữ chùa Kỳ Son đạt được tại một cuộc thi đấu lớn của khu vực.
Ông Kim Cành- Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tam Bình, nhấn mạnh: “Đội đua ghe ngo nữ chỉ thành lập và tập luyện trong thời gian rất ngắn, nhưng đó là kết quả của quá trình duy trì, phát triển mạnh mẽ phong trào đua ghe tam bản ở huyện Tam Bình”.
Còn sư Thạch Chanh Nhenh nhận định: Đối với bà con Khmer, đua ghe ngo không chỉ đơn thuần là cuộc thi đấu thể thao, mà là hoạt động văn hóa truyền thống, môn chơi mang tính cộng đồng, tập thể rất cao. Do đó, nó đã gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết. Nên phát huy hơn nữa thành quả này.
Hiện nay, chiếc ghe ngo duy nhất của chùa Kỳ Son được dùng chung cho cả đội nam lẫn đội nữ, trong khi ghe của đội nữ cần được đóng theo quy cách riêng, có dáng thon hơn, nhẹ hơn, thành tích mới cao hơn. Đóng mới một chiếc ghe ngo cần trên 230 triệu đồng. Mong ước của sư cả Thạch Chanh Nhenh có được chiếc ghe ngo mới cho đội nữ cũng là mong ước lớn của bà con Khmer xã Loan Mỹ (Tam Bình).
Sư cả Thạch Chanh Nhenh: Đối với bà con Khmer, đua ghe ngo không chỉ đơn thuần là cuộc thi đấu thể thao, mà là hoạt động văn hóa truyền thống, môn chơi mang tính cộng đồng, tập thể rất cao. Do đó, nó đã gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết. Nên phát huy hơn nữa thành quả này.
|
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin