Tìm “vàng”

07:12, 24/12/2013

Đó không phải là chuyện tìm “vàng” tại SEA Games 27 vừa bế mạc, cũng không phải là tìm anh hùng hào kiệt. Đơn giản tìm… vàng 24K.

Đó không phải là chuyện tìm “vàng” tại SEA Games 27 vừa bế mạc, cũng không phải là tìm anh hùng hào kiệt. Đơn giản tìm… vàng 24K.

Vì sao có chuyện nghe tưởng “giật gân” hóa ra lại quá bình thường? Thì cũng tại vì trong năm 2013, người Việt Nam mình “tìm vàng” nhiều nhất trên Google.

Trong danh sách những từ hoặc cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2013, đáng chú ý nhất chính là cụm từ “giá vàng”. Cũng dễ hiểu thôi, vì vàng có sự dao động giá mạnh từ đầu năm và dường như “nhảy múa” liên tục.

Qua đó cũng cho thấy, dân Việt Nam quá xem trọng vàng và vấn đề “vàng hóa nền kinh tế” (vàng thay thế VND trong một số chức năng của tiền tệ) vẫn đang là một bài toán đang đặt ra cho các nhà chính sách nhằm hướng tới lợi ích xã hội.

Ai quan tâm đến nền kinh tế của đất nước sẽ không khỏi giật mình trước những con số đang “vàng hóa”. Những năm trước 2005, hàng năm Việt Nam chỉ nhập khẩu dưới 50 tấn vàng thì những năm về sau đã tăng lên trên mức 50 tấn, cá biệt có năm trên dưới 100 tấn.

Ở Việt Nam , thị trường vàng gần như ít khi trầm lắng. Mỗi khi có biến động chính sách (thay đổi tỷ giá, lạm phát tăng cao...) người dân lại đổ xô rút tiền từ ngân hàng để đi mua vàng. Và, rất nhiều khi giá vàng trong nước “chênh” rất cao so với giá vàng quốc tế.

Các ước đoán của một số  tổ chức cho rằng lượng vàng còn tồn lại trong dân lên tới 1.000 tấn. Thử hỏi vậy có phải là một sự lãng phí lớn hay không, khi vàng còn “tồn” trong dân trị giá hàng chục tỷ đô la mà Nhà nước vẫn phải lấy đô la nhập vàng về để can thiệp, bình ổn giá vàng thay vì đầu tư cho sản xuất?

Thực tế đang đặt ra yêu cầu về chính sách chống “vàng hóa nền kinh tế” một cách có hệ thống, giống như chính sách chống “đô la hóa nền kinh tế” mà Chính phủ đã thực hiện khá thành công trong thời gian qua.

AN ĐIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh