Vài suy nghĩ về xây dựng gia đình Việt Nam

06:06, 28/06/2013

Có lẽ chúng ta đều biết gia đình là tế bào của xã hội, từng gia đình tốt tạo nên một xã hội tốt… Đảng và Nhà nước ta đã và đang quan tâm việc này với những giải pháp có tính chiến lược cho việc xây dựng gia đình Việt Nam.

Có lẽ chúng ta đều biết gia đình là tế bào của xã hội, từng gia đình tốt tạo nên một xã hội tốt… Đảng và Nhà nước ta đã và đang quan tâm việc này với những giải pháp có tính chiến lược cho việc xây dựng gia đình Việt Nam .


Từng gia đình hạnh phúc tạo nên xã hội hạnh phúc!Ảnh minh họa: VINH HIỂN

Thông qua Nghị định 02/2013/NĐ-CP của Chính phủ về công tác gia đình, đã có sự phân công, phân nhiệm cho tổ chức, cơ quan, cá nhân, từ Trung ương đến tận cơ sở… làm công tác gia đình.

Nguồn kinh phí dành cho công tác gia đình hàng năm không nhỏ, phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, gia đình mẫu mực… có thêm thành tựu. Nhân kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam 28/6, chúng ta cần suy nghĩ về sự cần thiết của việc xây dựng gia đình Việt Nam để cùng nhau góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước có hiệu quả thiết thực.

Quan hệ gia đình tốt đẹp: “hòa khí sinh tài”

Gia đình là một “tập hợp những người có quan hệ hôn nhân và huyết thống sống trong cùng một nhà”. Vậy những thành viên trong một gia đình trước hết họ có mối quan hệ yêu thương và vì nhau, cùng nhau thực hiện những công việc của gia đình về vật chất lẫn tinh thần.
 
Hay nói cách khác là họ cùng nhau thực hiện những nhu cầu chính đáng làm cho đời sống của họ ngày một tốt hơn; họ cũng cùng nhau góp phần xây dựng quê hương đất nước với góc độ là một công dân hiện tại và mai sau…

Gia đình luôn có người trụ cột, có vai trò chỉ huy, thậm chí có không ít gia đình có hẳn gia quy thành văn hoặc bất thành văn để duy trì được nề nếp thông qua khuyên nhủ, giáo dục, nhắc nhở… tạo những mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình; giữ được mối quan hệ đoàn kết tương thân tương ái giữa người với người, giữa gia đình với gia đình…

Nếu giữ được mối quan hệ tốt đẹp ấy thì nhất định tạo được “hòa khí sinh tài”, gia đình ấm no và hạnh phúc.
 
Mối quan hệ tốt đẹp ấy giúp phát huy cái đúng, cái tốt đẹp của từng thành viên và cũng hạn chế dần và xóa đi những tồn tại thiếu sót hay thói hư tật xấu mới manh nha ở từng thành viên trong gia đình.

Thành viên trong gia đình được giáo dục và thực hiện “đi thưa về trình”; “ông, bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; “vợ chồng hòa thuận”; “thương người như thể thương thân”; “một miếng khi đói bằng một gói khi no”; “hăng say học tập và lao động”; “kính trên nhường dưới”… là nền tảng cơ bản cho một gia đình hạnh phúc và cũng góp phần cho một xã hội ổn định, văn minh và phồn vinh!

Chắc rằng không một ai, không một gia đình nào muốn mình hay gia đình mình không ấm no và hạnh phúc. Lỡ ai đó, gia đình nào đó rơi vào hoàn cảnh ấy thì chắc rằng họ luôn có ước mơ chính đáng là vượt qua để đi đến ấm no, hạnh phúc và luôn ra sức vượt qua bằng hành động, bằng công việc, bằng điều kiện hiện có của mình, của gia đình mình.

Và tính ưu việt từ chế độ chính trị của Đảng và Nhà nước ta đã, đang và sẽ góp phần giúp họ vượt qua hoàn cảnh ngoài ý muốn ấy. Cộng đồng người Việt chúng ta có truyền thống quý báu “lá lành đùm lá rách”; “thương người như thể thương thân”… cũng đã, đang và sẽ góp phần quan trọng cho những người và gia đình nghèo khó ấy có cơ hội vượt qua.

Gia đình tiến bộ- xã hội văn minh

Về mặt pháp lý, Nhà nước ta cũng đã, đang và sẽ dần luật hóa nhằm vào việc bảo vệ con người, làm cho từng con người, từng gia đình được ấm no và hạnh phúc, được thể hiện qua Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Giáo dục, Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em- những luật cơ bản để bảo vệ con người vì lợi ích con người và vì sự phát triển của cộng đồng.

Kết quả việc thực hiện “xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “xây dựng nông thôn mới” cũng không ngoài việc xây dựng từng con người, từng gia đình, từng khu dân cư, từng khóm- ấp… ấm no, hạnh phúc, văn minh, hiện đại. Kết quả thực hiện đến nay về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ở tỉnh nhà, đã có 243.539/273.147 gia đình văn hóa, đạt 89%.

Về xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí, chúng ta đã có xã Đông Thành (TX Bình Minh) đạt 15/19 tiêu chí; xã Long Mỹ (Mang Thít) đạt 14/19 tiêu chí; 3 xã đạt 13/19 tiêu chí là xã Mỹ Thuận (Bình Tân), xã Song Phú (Tam Bình) và xã Hựu Thành (Trà Ôn). Có 8 xã đạt từ 10- 12/19 tiêu chí, 54 xã đạt từ 6- 9/19 tiêu chí…

2 cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới trong tương lai sẽ góp phần quyết định cho chất lượng cuộc sống cả vật chất lẫn tinh thần cho từng hộ gia đình. Đó cũng là hành động thiết thực, hiệu quả cho việc thực hiện Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam của Chính phủ đã ban hành.

Một số vấn đề thực tiễn nêu trên đã chứng minh tầm quan trọng của công tác gia đình trong giai đoạn hiện nay và về sau. Chắc chắn rằng các cơ quan chức năng cũng như cơ quan quản lý nhà nước sẽ luôn có những giải pháp, cơ chế chính sách nhằm thực hiện công tác gia đình ngày càng có hiệu quả.
 
Chúng ta cũng nên thảo luận để thấy rõ hơn thực trạng về gia đình, về công tác gia đình hiện tại và đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm thực hiện thành công chiến lược công tác gia đình của Chính phủ nói chung và nói riêng về công tác gia đình ở tỉnh nhà.

Trách nhiệm không của riêng ai

Ở gia đình, từng thành viên trong gia đình từ tuổi thơ, thiếu niên phải được các thành viên trưởng thành trong gia đình, nhất là cha, mẹ, ông, bà nuôi dạy, chăm sóc một cách chu đáo; đảm bảo cho quá trình phát triển thể chất và tinh thần của con người đáp ứng nguồn nhân lực cho thời đại công nghiệp hóa.

Các thành viên trưởng thành trong gia đình đảm bảo có đủ kiến thức và năng lực thực hiện nhiệm vụ ổn định cuộc sống gia đình, có khả năng đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương đất nước; biết giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc; biết yêu thương, đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau từ các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng, với xóm giềng, làng xã…; biết sống vì cộng đồng.

Đảng và Nhà nước ta có mục tiêu cao cả và duy nhất là vì dân, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của toàn dân, trong đó có từng gia đình.

Do vậy những chính sách, pháp luật mà Đảng và Nhà nước ban hành, từng thành viên trong gia đình, từng gia đình cần phải chấp hành và ra sức thực hiện. Có sự ra sức của từng người, từng hộ gia đình, của tập thể cộng đồng… thì mới có sự phát triển ngày một tốt hơn, văn minh hiện đại hơn.


Vợ chồng anh nông dân Lê Văn Năng (ấp Thuận Nghĩa, xã Thuận An- TX Bình Minh) nhiều năm liền là gia đình văn hóa tiêu biểu.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ chủ công trong công tác gia đình, trên cơ sở pháp lý đã có, nắm vững thực trạng và điều kiện cụ thể của tỉnh nhà để có giải pháp cụ thể cho công tác gia đình.

Cần xác định rõ mục tiêu, chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn, từng năm. Tiến hành tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục, sơ tổng kết đúng thực chất và thẳng thắn, không né tránh tồn tại thiếu sót, không “tô hồng” thành tích…

Ngành văn hóa- thể thao và du lịch được xác định là ngành chủ công trong công tác gia đình. Nhưng nếu không có sự tham gia tích cực và đầy đủ trách nhiệm của các ngành khác như y tế, giáo dục, công an, thông tin truyền thông, tư pháp, các đoàn thể chính trị… thì công tác gia đình sẽ không đạt được như mong muốn. Đó cũng đồng nghĩa với việc phát triển chậm hoặc lạc hậu của chúng ta trong nhiệm vụ lo cho dân cho nước!

Nhân ngày Gia đình Việt Nam, mỗi người chúng ta cần suy gẫm lại những việc mình làm được và chưa được cho gia đình mình, cho cộng đồng gia đình Việt Nam, nhất là khắc phục cho được những tồn tại thiếu sót trong tổ chức thực hiện, trong chỉ đạo điều hành ở mọi người, mọi gia đình, mọi ngành, mọi cấp.

Tạo sự đồng thuận về quan điểm, về giải pháp… nhằm thực hiện công tác gia đình trong thời gian tới có kết quả cao, góp phần tích cực cho việc bảo tồn và phát huy nền văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của nhân loại; thúc đẩy kinh tế- xã hội tỉnh nhà phát triển, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước, cũng là thực hiện lời dạy của Bác Hồ “xây dựng đất nước ta ngày đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Hàng ngày, mỗi chúng ta gắn bó với một gia đình, ra sức xây dựng, bảo vệ gia đình và luôn phấn đấu vì một gia đình ấm no và hạnh phúc. Cả dân tộc chúng ta đều làm việc ấy không mệt mỏi, không thỏa mãn và luôn có yêu cầu ngày càng cao… Đó là động lực quan trọng trong việc xây dựng và phát triển xã hội phồn vinh và văn minh.

NGUYỄN LƯỢNG (HĐND tỉnh Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh