Góc nhìn chia sẻ trong bảo hiểm y tế

11:03, 15/03/2013

Sự chia sẻ trong tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) được xem là một trong những “điểm nhấn” khơi dậy tính cộng đồng để nâng tỷ lệ đối tượng tham gia BHYT. Đó có thể là “mấu chốt” để địa phương dần tiến tới bao phủ BHYT toàn dân.


Người dân diện BHYT đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Y dược cổ truyền TP Vĩnh Long.

Sự chia sẻ trong tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) được xem là một trong những “điểm nhấn” khơi dậy tính cộng đồng để nâng tỷ lệ đối tượng tham gia BHYT. Đó có thể là “mấu chốt” để địa phương dần tiến tới bao phủ BHYT toàn dân.

Chia sẻ chưa cao

Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong 4 năm trở lại đây, độ bao phủ BHYT toàn dân của tỉnh hàng năm tăng khoảng 5%. Trừ TP Vĩnh Long và Trà Ôn, hiện còn 6 huyện đạt thấp so mức bình quân chung của tỉnh.

Trong nhiều khó khăn vướng mắc, thì công tác tuyên truyền tuy ngày càng phổ biến, rộng khắp nhưng chưa đi vào chiều sâu; sự phối hợp giữa ngành chức năng chưa chặt chẽ thường xuyên. Từ đó, nhận thức của người dân về chế độ, chính sách BHYT tuy có nâng lên, nhưng ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm chia sẻ cộng đồng còn chưa cao, còn tính toán thiệt hơn khi mua thẻ BHYT...

Theo Sở Y tế Vĩnh Long, mức chênh lệch trong chi quỹ khám chữa bệnh BHYT vẫn còn là một “bất cập” hiện nay cho ngành y tế tỉnh nhà và đối với các đối tượng thụ hưởng chế độ, chính sách BHYT. Thống kê năm qua của Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Long, tổng mức chi khám chữa bệnh BHYT cho 2.563 triệu lượt người là gần 319 tỷ đồng, vượt gần 32 tỷ đồng so với quỹ được chi.

Trong đó, chi cho khám chữa bệnh nội tỉnh hơn 193 tỷ đồng và thanh toán đa tuyến hơn 125 tỷ đồng. Hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay chưa cân đối được quỹ khám chữa bệnh BHYT.

Qua áp dụng tăng giá 284 dịch vụ y tế vào đầu tháng 9/2012 vừa rồi, ngành y tế tỉnh đã nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện chất lượng và thái độ phục vụ tại các cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ Trần Văn Út- Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long nhìn nhận rằng các cơ sở khám chữa bệnh, người dân có thẻ BHYT tham gia khám chữa bệnh nội tỉnh còn bị... thiệt thòi.

Bác sĩ Trần Văn Út cũng nhìn nhận, người ta sẵn sàng chấp nhận cùng chi trả 30%, 50% hay hơn nữa để đi khám chữa bệnh vượt tuyến với các điều kiện về dịch vụ, thuốc men tốt hơn,...

Nhu cầu khám chữa bệnh của đối tượng BHYT ngày càng nhiều, nhất là nhóm đối tượng tự nguyện nhân dân mắc bệnh mãn tính, bệnh nặng làm gia tăng viện phí. Trong khi, nhóm này còn có lựa chọn ngược do không có nhiều ràng buộc trong tham gia BHYT, tham gia chưa đảm bảo nguyên tắc số đông bù số ít.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh- Lưu Văn Tuấn nói, chi phí chi khám chữa bệnh đa tuyến hiện nay chiếm cao. Theo ông, đã tăng giá các dịch vụ y tế rồi thì phải làm cách nào để thu hút bệnh nhân đến với các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh.

Gốc... là ở dân

Năm 2013, Đề án Phát triển BHYT toàn dân của tỉnh phấn đấu tối thiểu đạt bình quân 65% người dân trong tỉnh tham gia BHYT. Tỷ lệ này của TP Vĩnh Long và huyện Trà Ôn được xác định nỗ lực đạt lần lượt 90% và 70%.

Đối tượng học sinh, sinh viên và hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT tối thiểu đều đạt 90%; lao động tại doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia 65%; hộ gia đình có BHYT đạt bình quân 1.150 đối tượng/xã- phường; 100% các đối tượng chính sách được cấp thẻ BHYT từ ngân sách, quỹ bảo hiểm xã hội, BHYT chi trả... Đây là những chỉ tiêu tiềm năng mà ngành và các ban ngành đoàn thể cùng nỗ lực thực hiện.


Tham gia BHYT cũng là một cách chia sẻ gánh nặng bệnh tật với người già, người bệnh mãn tính, người nghèo.

Dù vượt chỉ tiêu, nhưng nhóm đối tượng hộ cận nghèo vẫn cần phải được vận động để tham gia BHYT mạnh hơn. Song song đó là nhóm đối tượng hộ gia đình, chỉ tiêu năm 2012 là 224.000, nhưng hết năm chỉ có 114.515 đối tượng tham gia BHYT.
 
Đây cũng là điểm “nghẽn” trong thực hiện chính sách BHYT toàn dân. Cái khó được ghi nhận là chỉ những người có bệnh (nhất là bệnh mãn tính) mới tham gia BHYT để được hỗ trợ trong khám chữa bệnh; còn người trẻ, khỏe mạnh hoặc chưa phát hiện bệnh thì thường “lắc đầu làm ngơ”.

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh, trong 59,1% dân số tỉnh tham gia BHYT, chỉ 31% trong số đó là nhóm đối tượng tham gia bắt buộc mà chi phí thẻ BHYT do ngân sách nhà nước chi trả, 69% số còn lại là nhóm đối tượng phải vận động tham gia.

Số lượng người dân mà ngành bảo hiểm xã hội, các ban ngành đoàn thể phải vận động tham gia BHYT là rất cao. Như vậy, vị chi độ bao phủ BHYT toàn dân 59,1%, thì... chỉ khoảng 29% đối tượng tự nguyện nhân dân tham gia BHYT. Nên, công tác vận động tuyên truyền của ngành tuy đã nỗ lực nhưng tỷ lệ vẫn thấp hơn so nhiều tỉnh- thành trong khu vực và thấp hơn mức bình quân chung cả nước về độ bao phủ BHYT.

Thăm và làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Long mới đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Đặng Thị Ngọc Thịnh lưu ý rằng: Nói gì thì nói, cuối cùng cũng phải nói đến lợi ích của nhân dân khi có thẻ BHYT...

Trong tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT, phải chọn lọc, đặc biệt là đối tượng ngoài 59,1% đã tham gia. Gốc là ở người dân, nên trong công tác tuyên truyền vận động, thuyết phục người dân, làm sao cho người dân thấy được nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia BHYT.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh