Bữa ăn sạch

Kỳ 1: “Bếp ăn an toàn”

Cập nhật, 07:01, Thứ Sáu, 15/03/2013 (GMT+7)

Bữa ăn không còn là chuyện riêng tư của mỗi gia đình, khi thực phẩm bẩn trở thành “quốc nạn”, nó ảnh hưởng đến sức khỏe của cả cộng đồng xã hội. Nó âm thầm “đầu độc” sức khỏe, trí tuệ của nhiều thế hệ nối tiếp nhau.

Cùng với việc “dọn đường” để Luật An toàn thực phẩm (ATTP) sớm đi vào cuộc sống, là việc thay đổi những “thói quen xấu”, từ trang trại cho đến bàn ăn. Để có được bữa ăn sạch cho người dân, quả là “cuộc chiến” dài lâu và hết sức cam go.


Để có bữa ăn sạch, các nhà phân phối như siêu thị cũng phải chú ý hàng hóa đảm bảo chất lượng.

Để có bữa ăn sạch, tưởng rằng đơn giản, nhưng ngày càng trở thành “giấc mơ” xa vời, khi đụng đâu cũng thấy thực phẩm bẩn. Bẩn từ những thói quen chế biến, thói quen ăn uống, bẩn đến từ “kỹ nghệ” tinh vi hiện đại trong sử dụng hóa chất, bẩn từ ngoài vào (thực phẩm nhập lậu từ Trung Quốc và các thực phẩm nhập khẩu khác), từ đồng đến chợ. Và thực phẩm không an toàn có nguy cơ hiện diện trong hàng chục triệu bữa ăn mỗi ngày.

“Cuộc chiến” vì sức khỏe toàn dân

Đặc biệt, trong dịp Tết cổ truyền, nguy cơ ngộ độc thực phẩm là rất lớn. Do đó, ngay từ đầu năm 2013, Tháng hành động Vì chất lượng vệ sinh ATTP với chủ đề “Bữa ăn an toàn” được triển khai đồng loạt trên phạm vi toàn quốc, từ ngày 8/1/2013 đến 25/2/2013.

Đây thực sự là chiến dịch vận động xã hội rộng lớn, với 2 hoạt động chủ yếu là truyền thông và thanh- kiểm tra.

Đây cũng là dịp để các địa phương huy động các đoàn thể, hội nghề nghiệp, hội người tiêu dùng… tham gia tuyên truyền, tư vấn kiến thức, kỹ thuật giúp doanh nghiệp cải thiện điều kiện vệ sinh ATTP. Các doanh nghiệp được kiểm tra, cũng nhận được sự chỉ dẫn chính xác để kịp thời điều chỉnh những thiếu sót, trong việc thực thi và áp dụng các văn bản pháp luật tại doanh nghiệp.


Chợ là nơi cần được kiểm tra nghiêm ngặt vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là hàng tươi sống. Trong ảnh: Chợ trung tâm TP Vĩnh Long.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương đã phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tổ chức vận động các hộ dân, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm ký cam kết thực hiện “3 không”: không sản xuất rau không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động, việc xử phạt các hành vi vi phạm cũng nâng từ 15 triệu đồng lên 100 triệu đồng. Đối với các vi phạm lặp đi lặp lại, có tính chất nghiêm trọng sẽ bị tước quyền sử dụng các loại giấy phép, từ có thời hạn đến vĩnh viễn.

Quá trình thanh- kiểm tra có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, với các ban ngành liên quan. Tuy nhiên, những hiệu quả bước đầu cũng chỉ là “giọt nước sạch giữa dòng sông bẩn”. Người dân vẫn bị “vây quanh” bởi quá nhiều thực phẩm không an toàn.
 
Do đó, những cuộc ra quân kiểm tra của các đoàn thanh tra liên ngành là vô cùng cần thiết, đặc biệt là trong tháng cao điểm cuối năm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Kiểm tra là có vi phạm

Dịp tết vừa qua, BCĐ liên ngành về ATVSTP tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức đoàn thanh- kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp tết, chú trọng vào những cơ sở có dấu hiệu vi phạm về VSATTP...

Tại cơ sở sản xuất kẹo đậu phộng (xã Tân Hội- TP Vĩnh Long), chỉ nhìn vào hiện trường đã không còn muốn ăn kẹo nữa. “Mè thì trải đệm phơi dưới sân gạch như thế, rồi quá trình làm, người làm không mang găng tay thì làm sao đảm bảo vệ sinh được?”, ông Nguyễn Thành Bảnh- Chi cục trưởng ATVSTP tỉnh Vĩnh Long, đại diện đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP- trong những ngày đầu ra quân kiểm tra- lắc đầu ngao ngán.


Đoàn kiểm tra liên ngành đang kiểm tra tại các cửa hàng bánh kẹo.

Đi với đoàn kiểm tra liên ngành trong 3 ngày, ghi nhận sơ bộ tại 16 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, có 7 cơ sở đạt yêu cầu, 6 cơ sở không đạt yêu cầu và 3 cơ sở đang còn chờ mẫu kiểm nghiệm. Trong 6 cơ sở vi phạm về VSATTP, có 4 cơ sở sản xuất và 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Vi phạm của các cơ sở này trong những ngày đầu kiểm tra là không đảm bảo các điều kiện ATTP, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho công nhân và không tập huấn các kiến thức VSATTP.

Theo đại diện đoàn kiểm tra liên ngành, tổng mức phạt đối với 6 cơ sở này, ở mức trung bình khung, căn cứ vào các điểm, điều, khoản trong Nghị định 91 của Chính phủ, chỉ 14,5 triệu đồng (mức tối đa là 100 triệu đồng).

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng chỉ bấy nhiêu đó cũng khó “đe” và “ngăn ngừa” được những hành vi vi phạm tương tự trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống vốn đã đầy “mẫn cảm” với việc mất an toàn vệ sinh. Theo ông Nguyễn Thành Bảnh, phải phạt để răn đe, để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cải thiện, đảm bảo an toàn vệ sinh hơn trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, giúp đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng.

Tại một quầy hàng kinh doanh bánh, kẹo, mứt,... (chợ trung tâm TP Vĩnh Long), đoàn kiểm tra phát hiện nhiều hàng hóa không dán nhãn mác, không hướng dẫn sử dụng và không cả hạn dùng.

Kẹo thỏi sôcôla, rau câu, xí muội, kẹo nổ, kẹo táo, cá Thái,... trên bao bì in rặt các tiếng Tàu, Thái Lan,... Đội quản lý thị trường số 4, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long đã tiếp nhận xác minh, kiểm tra và tịch thu tiêu hủy số hàng này theo quy định đối với xử lý hàng nhập lậu.

Ông chủ cơ sở kinh doanh này nói rằng: “Tui lấy hàng từ những bạn hàng đến từ An Giang, Tây Ninh trôi nổi xuống đây và cũng không biết, không yêu cầu gì đối với hàng hóa này”.

Điều này cho thấy, khi hàng hóa trên đến các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ và người tiêu dùng, đôi bên bán mua cũng chẳng rõ nguồn gốc xuất xứ, hướng dẫn sử dụng để đảm bảo ATTP và nguy cơ “dính” ngộ độc đối với người tiêu dùng theo đó cũng cao hơn...

Trong khi đó, hàng hóa nhập lậu, không hóa đơn chứng từ, nguồn gốc và chất lượng không đảm bảo khá “rối rắm” trong dịp tết. Đã qua, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra và tạm giữ số lượng lớn hàng hóa nhập lậu, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp trên xe tải mang biển số 83M 0560.

Số hàng hóa thu giữ gồm: 50 thùng cà rốt Trung Quốc (10 kg/thùng), 40 thùng bia Heineken Pháp (20 chai/thùng), 3 thùng rượu Hennessy Pháp (12 chai/thùng), 50 bao tỏi Trung Quốc (19 kg/bao), 10 vỏ ruột ôtô Trung Quốc JINYUTIRES; 120kg nem và 95kg bì không rõ nguồn gốc; 2.400 gói Jet và 510 gói Hero nhập lậu…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- Nguyễn Văn Thanh đã chỉ đạo, cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhà quản lý, người sản xuất, cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm để đảm bảo chất lượng VSATTP.

Mặt khác, các cơ quan ban ngành liên quan phối hợp tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về VSATTP, thông tin kịp thời sản phẩm, hàng hóa có chất lượng, đạt vệ sinh an toàn,...

Kỳ 2: Những mầm bệnh “ngọt ngào” từ vỉa hè

Bài, ảnh: Nhóm PV