Sau tết, riêng ĐBSCL, hàng ngàn học sinh bỏ học, mặc dù, theo ngành giáo dục, con số này đã giảm nhiều so vài năm trước đây.
Sau tết, riêng ĐBSCL, hàng ngàn học sinh bỏ học, mặc dù, theo ngành giáo dục, con số này đã giảm nhiều so vài năm trước đây.
Lý do thì có hàng trăm: đường sá khó đi, giao thông trắc trở, nhà nghèo theo cha mẹ lam lũ làm ăn xa, lại có không ít vì mê chơi, học kém nên bỏ học.
Và cũng từ “một mớ” lý do này, mà có thể thấy, nguyên nhân lẫn trách nhiệm đều không chỉ từ nhà trường. Nếu buộc các thầy cô giáo ra sức khuyên răn, dụ ngọt thì… cũng khá hơn chút thôi. Bởi mọi việc còn phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế gia đình, đời sống xã hội.
Nói như vậy, không phải là đổ lỗi hoàn toàn cho “vĩ mô”, nhưng chuyện nghỉ học của học sinh miền Tây rất cần được xem xét, đánh giá thấu đáo.
Bởi miền Tây vốn là vựa tôm, vựa cá lẫn vựa gạo, vựa trái cây cho cả nước nhưng người miền Tây vẫn còn nghèo, tỷ lệ học sinh lại thấp nhất so cả nước. Số lao động qua đào tạo cũng không hơn gì. Miền Tây vẫn còn là “vùng trũng” về giáo dục và lao động có trình độ kỹ thuật cao.
Có một thực tế là vùng ĐBSCL lắm tôm nhiều cá, ruộng đồng trồng trọt quanh năm nên bao giờ cũng có công chuyện làm. Đi lặt khoai, lựa cá, ngày cũng có dăm ba chục ngàn đồng bỏ túi.
Trong khi đó, dù hộ nghèo được miễn học phí nhưng chi phí sinh hoạt, đi lại cũng tốn kém, mà nói như nhiều phụ huynh “học xong đại học chưa chắc có việc làm, mà có đi làm lương cũng không đủ ăn, phải về xin thêm cha mẹ, cho nghỉ học đi mần có tiền xài liền”.
Thiết nghĩ, để giữ học sinh lại với trường, thật sự rất cần mối liên kết nhịp nhàng và chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Các bếp ăn hỗ trợ học sinh nghèo, tìm việc làm thủ công tại nhà cho các em làm thêm, tặng xe đạp đến trường,…
Và sinh viên nghèo ra trường, có thể được ưu tiên nhận làm việc. Bởi đó là những tấm gương cho các em học sinh, các gia đình khác nhìn vào và hy vọng, giảm bớt chuyện “bỏ học đi mần”.
PHƯƠNG NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin