Thủy sản, một năm nhiều nỗ lực

Cập nhật, 06:12, Thứ Sáu, 29/03/2013 (GMT+7)


Thiếu vốn sản xuất, chi phí đầu vào tăng cao, tiêu thụ không ổn định và thiếu thông tin dự báo thị trường là những... khó khăn mà ngành thủy sản đang gặp phải.

Ngành thủy sản trải qua một năm đầy khó khăn, nhưng với sản lượng 145.000 tấn và tăng 1,4% so với năm trước là một cố gắng rất lớn của ngành- ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá như vậy nhân buổi họp mặt ngành thủy sản vừa qua.

Gượng dậy trong khó khăn

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng sản xuất và tiêu thụ thủy sản trong năm 2012 đạt kết quả khá ấn tượng với giá trị sản xuất đạt trên 800 tỷ đồng, tăng 1,9% so với năm 2011. Tổng diện tích nuôi thủy sản chuyên canh toàn tỉnh trên 2.514ha, tăng 1,43% so năm trước.

Trong đó, diện tích nuôi cá tra công nghiệp là 422,56ha, diện tích đang thả nuôi trên 308ha; tổng số lồng bè hiện có 719 chiếc. Sản lượng nuôi thủy sản toàn tỉnh năm qua đạt trên 145.000 tấn, trong đó chủ lực vẫn là sản lượng cá tra nuôi thâm canh chiếm trên 90% với 112.467 tấn. Ước sản lượng cá tra nuôi thâm canh thu hoạch trong quý I/2013 là 36.196 tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2012.

Toàn tỉnh hiện có 273 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản các loại, trong đó có 102 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cá tra, cung cấp trên 450 triệu cá bột và trên 650 triệu cá giống các loại. Riêng cá tra, trong năm đã sản xuất được 600 triệu cá bột và 82 triệu cá tra giống, đáp ứng trên 40% nhu cầu của tỉnh với chất lượng cao, sạch bệnh.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 96 cơ sở kinh doanh thức ăn thủy sản và 5 nhà máy sản xuất mặt hàng này, trong đó ở Khu công nghiệp Hòa Phú (Long Hồ) có 3 nhà máy và huyện Mang Thít có 2 nhà máy với tổng công suất khoảng 127.000 tấn.

Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 3 nhà máy chế biến thủy sản, tuy nhiên các nhà máy đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, lãi suất cao từ 21- 22%/năm nên công suất giảm khoảng 50% so năm 2011.

Những khó khăn chủ yếu được xác định là thiếu vốn sản xuất, chi phí đầu vào tăng cao, tiêu thụ không ổn định và thiếu thông tin dự báo thị trường đối với mặt hàng này.

Góp phần chia sẻ khó khăn này, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh tỉnh Vĩnh Long thông tin: Trong năm 2012 và 2 tháng đầu năm nay, chi nhánh đã thực hiện nhiều chính sách tín dụng ưu đãi cho khách hàng như đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay xuống còn 11%/năm nhằm giảm bớt khó khăn cho khách hàng.

Tính đến cuối năm 2012, chi nhánh đã cho vay được trên 274 tỷ đồng với 385 khách hàng. Trong đó cho vay mới 30 khách hàng với doanh số đạt được 43,1 tỷ đồng. Riêng cho vay phục vụ chăn nuôi và chế biến với tổng số tiền là 42,2 tỷ đồng với 25 khách hàng.
 
Riêng 2 tháng đầu năm 2013, chi nhánh đã cho vay trên 39 tỷ đồng với 62 khách hàng, trong đó vay mới 10 hộ và 1 doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu. Đồng thời cơ cấu lại nợ 20 khách hàng với dư nợ là 15,35 tỷ đồng.

Cần chia sẻ rủi ro, cộng đồng trách nhiệm

Ông Hồ Văn Vàng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Vĩnh Long- cho biết: Hiện cá tra nguyên liệu bán dưới giá sàn, người nuôi đang lỗ từ 2.000- 4.000 đ/kg. Trong khi DN chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, ông kiến nghị tỉnh cần xem xét lại việc các ngân hàng đã chia sẻ khó khăn của DN đến đâu.

Ông hy vọng Hiệp hội Cá tra Việt Nam ra đời sẽ làm trọng tài nghiêm khắc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người nuôi và DN chế biến xuất khẩu. Ngoài ra, cần thành lập quỹ phát triển ngành cá tra để có hướng phát triển vững chắc hơn trong thời gian tới.

Còn theo ông Nguyễn Thế Tân- Giám đốc Công ty CP Thủy sản An Phước (Mang Thít), khó khăn lớn nhất hiện nay mà DN gặp phải là vốn, hiện DN phải chịu mức lãi suất 21- 22%/năm khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN gặp không ít khó khăn.

Cho nên, theo ông Tân cần phải tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý thì DN mới phát triển ổn định được. Qua đó, ông mong muốn Hiệp hội Cá tra Việt Nam cần có giải pháp thiết thực nhằm thắt chặt mối liên kết giữa người nuôi, DN chế biến, xuất khẩu để có được tiếng nói chung vì hiện nay sự liên kết này vẫn còn lỏng lẻo.


Cần chia sẻ rủi ro, cộng đồng trách nhiệm, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Ghi nhận những khó khăn chung, ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp hướng tới cần rà soát quy hoạch thủy sản đã được tỉnh phê duyệt để có những điều chỉnh phù hợp, đáp ứng nhu cầu, trên cơ sở đa dạng hóa ngành thủy sản, ngoài cá tra cần chú ý nhiều sản phẩm có giá trị khác.

Bên cạnh, tăng cường đào tạo cán bộ kỹ thuật đủ năng lực, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tập huấn hộ nuôi cũng như phối hợp với các viện, trường để phát triển hiệu quả hơn. Ngành nông nghiệp phải chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chứng nhận GlobalGAP và các chứng nhận khác.

Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cần phát triển giống thủy sản tốt, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đặc biệt chú trọng khâu tổ chức sản xuất để DN và người nuôi cùng chia sẻ rủi ro, cộng đồng trách nhiệm, giúp ngành thủy sản phát triển bền vững hơn.

Bài, ảnh: LÊ SƠN