
Kỳ họp lần 6 HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa VIII được đánh giá là quan trọng vì là năm bản lề để tạo bước đột phá tạo tiền đề trong những năm tiếp theo.
Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng xã nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tỉnh thực hiện trong năm 2013.
Kỳ họp lần 6 HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa VIII được đánh giá là quan trọng vì là năm bản lề để tạo bước đột phá tạo tiền đề trong những năm tiếp theo.
Một trong những nội dung quan trọng đưa ra trong kỳ họp lần này là thảo luận tìm giải pháp để quyết định những chủ trương, chính sách phù hợp với thực tế của tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy trong năm 2013.
Vẫn tăng trưởng trong khó khăn…
Báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Long tại kỳ họp cho biết, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2012 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, mặc dù vậy nền kinh tế của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng khá. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) đạt 9.255 tỷ đồng, tăng 7,82% so năm 2011 và tăng đều trên cả 3 khu vực.
Trong đó, khu vực nông- lâm- thủy sản tăng 3,55%, công nghiệp- xây dựng tăng 13,45%, dịch vụ tăng 7,93%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và được đánh giá có tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và đạt mục tiêu đề ra.
Năm qua, ngành sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tăng 15,13%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng xã hội tăng 20,56%. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện trong năm trên 1.747 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, giải ngân đạt 98,5%.
Trong năm, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm phục vụ các ngày lễ lớn: đường vào xã Long Phước nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng; Công viên tượng đài huyện Vũng Liêm, đường vào xã Trung Hiệp, Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông; Đường tỉnh 909 cũng được đưa vào sử dụng theo đúng kế hoạch.
Năm 2012, tỉnh thu ngân sách đạt 2.395 tỷ đồng, đạt 100%; các chỉ tiêu trong lĩnh vực văn hóa- xã hội đều đạt và vượt chỉ tiêu: tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật đạt 42% (chỉ tiêu 42%), giải quyết việc làm 26.500 lao động (100%), tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 37% (vượt 1%), kéo giảm 2% hộ nghèo…
Năm qua, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 8.707 tỷ đồng. Trong thực hiện xây dựng nông thôn mới ngày càng nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Năm 2012, tổng các nguồn vốn lồng ghép đầu tư cho nông thôn mới là trên 365 tỷ đồng, tăng 64,43% so cùng kỳ.
Đến nay, 89/89 xã đã hoàn thành quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, qua khảo sát tại 22 xã điểm, xã có số tiêu chí hoàn thành cao nhất là 10 và thấp nhất là 2 tiêu chí.
…Nhưng chưa bền vững
Bên cạnh những mặt tích cực, tình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn, mặc dù nền kinh tế có tăng trưởng nhưng chưa bền vững (6/23 tiêu chí chưa đạt tập trung vào các chỉ tiêu về kinh tế).
Theo thẩm tra của Ban Kinh tế- Ngân sách, vấn đề khó khăn là nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ở một số lĩnh vực còn chậm do vướng giải phóng mặt bằng (bờ kè sông Cổ Chiên, Khu công nghiệp Bình Minh…).
Tình hình sản xuất của doanh nghiệp gặp khó khăn, hàng hóa tiêu thụ chậm, sản xuất cầm chừng do thiếu vốn, một số doanh nghiệp bị phá sản, đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn mới còn khó khăn về huy động các nguồn vốn.
Trong thu ngân sách, nhìn tổng thể vượt 0,42% so với dự toán nhưng cơ cấu nguồn thu còn nhiều bất cập, trong đó nguồn thu có tỷ trọng lớn và mang tính quyết định đều đạt thấp, cụ thể thu nội địa là nguồn thu bền vững và quan trọng nhưng chỉ đạt 88,16%.
Các chỉ tiêu trong lĩnh vực văn hóa- xã hội năm qua cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên theo thẩm tra của Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh vẫn còn nhiều bất cập.
Cụ thể, tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn; công tác phát triển bảo hiểm y tế tự nguyện còn thấp, giá một số dịch vụ kỹ thuật y tế tăng có tác động phần nào đến một bộ phận người dân; trong khi đó, việc giải quyết tình trạng quá tải trong khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế còn chậm.
Công tác đào tạo nghề chưa gắn được với việc làm nên chưa mang lại hiệu quả cao đối với đào tạo nghề nông thôn. Chưa đánh giá, xác định được nhu cầu thực tế của địa phương để có giải pháp trong đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội.
Trong báo cáo kiểm điểm việc điều hành, UBND tỉnh cũng nhìn nhận vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Mặc dù UBND tỉnh đã cụ thể hóa tất cả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy bằng các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên một số chỉ tiêu thực hiện chưa đạt yêu cầu.
UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận việc cụ thể hóa 6 chương trình hành động của Tỉnh ủy vẫn còn hạn chế tuy có chỉ đạo, phân công phụ trách. Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp còn nhiều lúng túng, trong chỉ đạo triển khai một số dự án, công trình trọng điểm còn chậm và gây lãng phí.
Công tác đào tạo nghề để chuyển dịch cơ cấu lao động, phục vụ cho phát triển công nghiệp và dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu.
Xây dựng cánh đồng mẫu lớn, liên kết “4 nhà” cũng là những giải pháp tỉnh sẽ dồn sức đầu tư.
Trước những khó khăn và hạn chế trên, UBND tỉnh đã định hướng để dồn sức thực hiện trong năm 2013.
Cụ thể, tiếp tục triển khai thực hiện 6 chương trình hành động của Tỉnh ủy, trong đó tập trung thực hiện 2 khâu đột phá: đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế (giao thông, thủy lợi, nước sạch, hạ tầng công nghệ thông tin) và phát triển nguồn nhân lực.
Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững: thực hiện tốt Nghị quyết 11, 13 của Chính phủ nhằm góp phần kiềm chế lạm phát; phát huy lợi thế tập trung phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, thực hiện mô hình liên kết “4 nhà”; huy động các nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng theo tiêu chí xã nông thôn mới.
Ngoài ra, tỉnh thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo, các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống người nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc…
Bài, ảnh: THANH TÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin