“Nóng” chuyện nước sạch, quy hoạch, giao thông...

07:12, 07/12/2012

Trong phiên thảo luận và chất vấn của ngày làm việc thứ 2 (6/12/2012), nghị trường kỳ họp lần 6 HĐND tỉnh khóa VIII “nóng” dần bởi những vấn đề thiết thân của người dân được nêu lên.

Trong phiên thảo luận và chất vấn của ngày làm việc thứ 2 (6/12/2012), nghị trường kỳ họp lần 6 HĐND tỉnh khóa VIII “nóng” dần bởi những vấn đề thiết thân của người dân được nêu lên.


Đại biểu tham gia đóng góp và chất vấn trực tiếp tại hội trường.

Theo tờ trình của UBND tỉnh, trong năm 2013 tỉnh phấn đấu đạt và vượt 25 chỉ tiêu (tăng 2 chỉ tiêu so với năm 2012), trong đó tổng sản phẩm GDP tăng từ 8- 8,5%, giá trị sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp tăng 3- 3,5%, GDP bình quân đầu người 36 triệu đồng/người/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 410 triệu USD, tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 40%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 10.000 tỷ đồng, số tiêu chí xã nông thôn mới tăng từ 4 tiêu chí trở lên đối với 2 xã điểm của tỉnh và 1 xã điểm của huyện, các xã còn lại tăng từ 2 tiêu chí trở lên…

Thảo luận về các chỉ tiêu này, đại biểu Nguyễn Văn Nhỏ- đơn vị huyện Long Hồ- băn khoăn, bởi một số chỉ tiêu như: GDP bình quân đầu người là 36 triệu đồng (năm 2012 chỉ đạt gần 32 triệu đồng), chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 10.000 tỷ đồng (năm 2012 trên 8.700 tỷ đồng) là khó thực hiện vì hiện nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Chỉ tiêu 40% hộ dân sử dụng nước sạch năm 2013 là còn thấp, bởi vì các địa phương đều đề nghị tập trung đầu tư nhà máy nước để phục vụ nguyện vọng chính đáng của người dân nông thôn.

Đại biểu Nguyễn Việt Thành- đơn vị huyện Trà Ôn- cho rằng, trong năm 2012, tình hình kinh tế- xã hội gặp nhiều khó khăn, trong đó còn 6/23 tiêu chí chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Qua báo cáo, tỉnh nhìn thấy hạn chế, tuy nhiên đối với các giải pháp tỉnh xây dựng để thực hiện trong năm 2013 vẫn còn chung chung, chưa cụ thể.

Ngoài ra, như báo cáo UBND tỉnh nêu rõ, hiện tại đã phân công, phân cấp rõ ràng, đầy đủ, do vậy đối với các đơn vị được giao trách nhiệm nhưng chưa thực hiện tốt nhiệm vụ thì cần xem xét lại năng lực chuyên môn và trình độ quản lý của những người phụ trách và các đơn vị này.

Đóng góp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đại biểu kiến nghị tỉnh nên khảo sát để nắm tình hình, nếu có những doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, tham gia xuất khẩu mà đủ điều kiện và cần sự hỗ trợ thì UBND tỉnh mạnh dạn có chính sách, phương án hỗ trợ: lãi suất, khoanh nợ, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay đầu tư, ủy thác cho vay đầu tư…

Ngoài ra, tỉnh nên quan tâm đến giải pháp có chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ sản xuất.

Đại biểu Nguyễn Văn Nghiệm- đơn vị huyện Mang Thít- thông báo với HĐND, hiện nay tình hình ngưng hoạt động của doanh nghiệp rất trầm trọng và kiến nghị tỉnh có chủ trương sớm, cụ thể như chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất gạch ngói chuyển sản xuất theo hướng công nghệ mới.

Hiện nay Chính phủ có chủ trương sản xuất gạch không nung nhưng để chuyển đổi thì các doanh nghiệp và cơ sở cần có sự hỗ trợ, đặc biệt là về nguồn vốn. Ông thông tin thêm, hiện toàn huyện Mang Thít chỉ có 15/48 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gốm hoạt động cầm chừng; 934/1.970 cơ sở sản xuất gạch nung ngừng hoạt động do không có nguyên liệu, giá chất đốt tăng, sản phẩm không tiêu thụ được.

Hiện, các doanh nghiệp và cơ sở này nợ 44 tỷ đồng tiền thuế (trong đó có 12,2 tỷ đồng phạt chậm), qua rà soát có 21,9 tỷ đồng nợ không có khả năng thu hồi.

Đại biểu Nguyễn Việt Thanh- đơn vị TP Vĩnh Long- cho biết, hiện Quốc hội đã thảo luận và bổ sung một số điều của Luật Đất đai, do đó tỉnh quan tâm và có sự điều chỉnh phù hợp trong thực hiện thu hồi giải tỏa, bồi hoàn đối với các dự án trong quá trình triển khai thực hiện. Hiện nay, một số dự án gặp vướng mắc thường có nguyên nhân do giá đền bù chưa phù hợp.

Do đó, tới đây, đối với các dự án chuẩn bị đầu tư của những năm về sau, tỉnh có thể điều chỉnh giá hợp lý để không có khoảng cách quá xa giữa giá theo quy định và giá thị trường.

Đồng tình với đại biểu Nguyễn Việt Thanh, đại biểu Lữ Quang Ngời- đơn vị huyện Tam Bình- kiến nghị cần đầu tư tập trung, tránh dàn trải các khu, tuyến công nghiệp. Riêng đối với các xã xây dựng nông thôn mới, xã văn hóa cần nhấn mạnh chủ trương “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” để người dân đồng thuận cùng tham gia.

Đại biểu Nguyễn Minh Tú- đơn vị huyện Long Hồ đề nghị UBND tỉnh sớm có chủ trương giải quyết đối với các dự án, quy hoạch treo.

Cụ thể, đối với khu 7, khu 8 tuyến công nghiệp Cổ Chiên thuộc xã Thanh Đức được quy hoạch từ năm 2002 đến nay nhưng chưa thực hiện, ảnh hưởng rất nhiều đến sự đầu tư phát triển và đời sống của nhân dân trong khu quy hoạch. Hiện nay, các hộ dân ở đây xin chuyển mục đích sang đất thổ, xin phép cất nhà, đầu tư phát triển sản xuất nhưng không được.

Đại biểu Lê Quang Đạo- đơn vị huyện Tam Bình- cho biết, chỉ tiêu của tỉnh là mỗi năm giảm 2% hộ nghèo, nếu tính theo chỉ tiêu này thì đến năm 2015 tỉnh không còn hộ nghèo. Theo ông, tỉnh nên có chính sách giảm nghèo bền vững và tùy theo tình hình của từng địa phương, bởi lẽ hàng năm số lượng tái nghèo vẫn còn cao.

Ngoài ra, một số đại biểu cho rằng hiện tỉnh đang dồn sức để xây dựng nông thôn mới, do đó để thực hiện tốt chương trình này tỉnh quan tâm xem xét một số vấn đề: nhà văn hóa xã cũng là một tiêu chí nhưng hiện tại đa số các nhà văn hóa xã hoạt động không hiệu quả.

Kinh phí trợ cấp ban vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư của ấp hiện tại là 3.000.000 đ/năm, tính ra mỗi ấp chỉ khoảng trên 200.000 đ/tháng là rất khó hoạt động. Thực tế, vai trò của ban vận động này rất quan trọng, ngoài việc xây dựng ấp văn hóa còn tạo nền tảng vững chắc để tiến tới xây dựng xã nông thôn mới.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh