Trong thời chiến, những người lính cụ Hồ đã không tiếc máu xương cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc và giúp nước bạn Campuchia. Đến thời bình, những cựu chiến binh (CCB), những quân nhân lại tiếp tục bước sang mặt trận mới: xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho đồng đội, giúp nhau nâng cao đời sống.
Trong thời chiến, những người lính cụ Hồ đã không tiếc máu xương cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc và giúp nước bạn Campuchia. Đến thời bình, những cựu chiến binh (CCB), những quân nhân lại tiếp tục bước sang mặt trận mới: xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho đồng đội, giúp nhau nâng cao đời sống.
Các mô hình kinh tế tập thể giúp CCB vượt khó, làm giàu. Trong ảnh:. CCB Đặng Thị Hiệp cùng các nhân công tại cơ sở.
Phấn đấu vươn lên
Sau 3 năm phục vụ cho quân đội, năm 1977, CCB Đặng Thị Hiệp (xã Nghi Đồng, Nghi Lộc- Nghệ An) xuất ngũ trở về, thay chồng lo việc gia đình. Hơn chục năm sau, khi ông Đậu Văn Thể- chồng bà hoàn thành nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, bà đưa gia đình vào Vĩnh Long sinh sống (hiện ở ấp Tân Vĩnh Thuận 2, Tân Ngãi- TP Vĩnh Long).
“Tất cả những nhu cầu thiết yếu gia đình đều nhờ vào đồng lương của chồng, vì vậy tôi phải có kế hoạch sử dụng hợp lý để đảm bảo cuộc sống và lo cho con ăn học”- CCB Đặng Thị Hiệp nhớ lại.
Với ý chí vượt khó, sau khi chồng nghỉ hưu, bà đã cùng gia đình tìm hiểu thị trường, lập dự án thành lập Cơ sở sản xuất, gia công lục bình xuất khẩu. Chính thức hoạt động từ năm 2004, với mục đích cải thiện, phát triển, nâng cao đời sống gia đình và nhân công, bà đã huy động vốn từ gia đình và người thân khoảng 200 triệu đồng và vay 66 triệu đồng để mua sắm các trang thiết bị, mở rộng địa bàn sản xuất…
Để đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, bà đã phối hợp với các ngành, đoàn thể mở lớp tập huấn đan lục bình cho 50 người; đồng thời, cử người có tay nghề giỏi đến các tổ gia công để “cầm tay chỉ việc”. Hiện cơ sở nhận gia công hàng trăm mẫu hàng từ đơn giản đến phức tạp, cải thiện đời sống người lao động…
Trong lúc cơ sở đang phát triển tốt thì chồng bà bị tai nạn qua đời (năm 2009). “Mất mát quá lớn, tui tưởng chừng như bị suy sụp, không gượng dậy nổi, nhưng vì tương lai các con cũng như sự tồn tại của cơ sở, tôi đã nén đau thương để ổn định sản xuất…”- CCB Đặng Thị Hiệp tâm sự.
Vừa làm việc tại cơ sở này, chị Đặng Thị Kỳ cho biết: Mỗi ngày tui chỉ việc xem hàng nào chưa đạt thì sửa lại cho đúng. Thu nhập ổn định 50.000 đ/ngày. Còn chị Trương Thị Kim Anh thì khoe, nhờ đan lục bình mà vợ chồng tui có thể lo 2 đứa con được ăn học đến nơi đến chốn. Đến nay, cơ sở của bà Hiệp đã tạo việc làm cho khoảng 500 lao động trong và ngoài tỉnh.
Riêng tại Vĩnh Long đã xây dựng được 7 tổ sản xuất với khoảng 300 người. Trong đó, có khoảng 30 người là vợ, con CCB với mức thu nhập từ 1- 1,2 triệu đồng/tháng; lợi nhuận cơ sở khoảng 120 triệu đồng/năm, có tích lũy để cải tạo, nâng cấp mặt bằng sản xuất, cất nhà kho, mua xe tải. Tổng trị giá tài sản khoảng 1 tỷ đồng.
Góp sức xóa nghèo hiệu quả
Xuất ngũ trở về với tỷ lệ thương tật 4/4, gia đình CCB Bùi Văn Cuội (ấp Vĩnh Hựu, Hựu Thành- Trà Ôn) có đến 7 nhân khẩu nhưng: “Với 3 công đất ruộng, đôi lúc tui phải ăn cháo thay cơm và phải làm đủ nghề”- ông Cuội bồi hồi nhớ lại.
Năm 2007, Hội CCB xã cho vay 5 triệu đồng để chăn nuôi. Ngoài nuôi bò, ông còn nuôi heo, vịt đẻ… Qua thời gian, ông tích lũy được số vốn kha khá và được hội tư vấn phát triển mô hình máy gặt đập liên hợp (GĐLH) cơ giới hóa nông nghiệp. Ông đã mạnh dạn vận động người thân cùng thành lập tổ dịch vụ máy GĐLH với 6 lao động ban đầu.
Thấy vốn đầu tư không đủ, tổ đã vay 30 triệu đồng/người, cộng với vốn tự có và mượn thêm, tổ đã sắm dần 2 máy GĐLH, 2 máy kéo và 1 trẹt sắt. Nhờ hoạt động linh hoạt, nhạy bén nên mỗi năm có 10 tháng chạy đồng trong và ngoài tỉnh.
Doanh thu khoảng 13,5 triệu đồng/ngày, đạt trên 4 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 1,6 tỷ đồng/năm. Theo CCB Bùi Văn Cuội: “Thời gian qua, tổ đã giải quyết việc làm cho 12 lao động có việc làm thường xuyên với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Từ mô hình này, nhiều hộ đã vươn lên khá, giàu, có nhà ở ổn định và con cái được học hành đến nơi, đến chốn”.
Mô hình máy gặt đập liên hợp đã góp sức giúp nhiều CCB vươn lên thoát nghèo hiệu quả.
Ông Võ Văn Lùng- Phó Chủ tịch thường trực Hội CCB tỉnh nhận định: Nhờ khai thác tối đa nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm; tích cực phát huy nội lực, đẩy mạnh sản xuất, trong năm, đã có 171 hộ CCB thoát nghèo; 72/153 cơ sở không còn hộ nghèo.
Toàn tỉnh có gần 10.600 hộ CCB khá giàu, tăng trên 9.700 hộ so năm 2011. Mức sống năm sau cao hơn năm trước, các phong trào hội có sự chuyển biến rõ nét, tạo chất keo gắn kết giữa CCB và tổ chức hội bền vững.
Năm 2012, Hội CCB tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng 2 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác, 738 tổ hùn vốn bằng tiền và hiện vật. Tiêu biểu có Hội CCB các xã Hòa Bình (Trà Ôn), Mỹ Hòa (Bình Minh); Hiếu Nghĩa, Hiếu Thuận, Trung An (Vũng Liêm)… Các mô hình kinh tế tập thể đã giúp cho 1.262 lao động có việc làm tại chỗ. |
Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin