Trong khoảng 2 năm trở lại đây, tình hình hoạt động ở các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Mang Thít gặp nhiều khó khăn. Trong đó, ngành gạch gốm vốn đóng vai trò quan trọng đối với ngân sách địa phương đang suy giảm trầm trọng. Do đó, việc thất thu thuế trong năm 2012 là chuyện tất nhiên, nhưng những năm tới cũng còn lắm khó khăn…
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, tình hình hoạt động ở các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Mang Thít gặp nhiều khó khăn. Trong đó, ngành gạch gốm vốn đóng vai trò quan trọng đối với ngân sách địa phương đang suy giảm trầm trọng. Do đó, việc thất thu thuế trong năm 2012 là chuyện tất nhiên, nhưng những năm tới cũng còn lắm khó khăn…
Sản xuất rơi vào bế tắc
Mang Thít được mệnh danh là xứ sở của gạch gốm với trên dưới 2.000 miệng lò hoạt động. Nhưng trong khoảng vài năm trở lại đây, ngành sản xuất gạch đang từng ngày rơi vào bế tắc khi phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt do gạch đến từ các địa phương khác. Theo số liệu khảo sát gần đây của ngành chức năng huyện Mang Thít, hiện chỉ còn 15/48 cơ sở sản xuất gốm còn hoạt động nhưng cũng chỉ là hoạt động cầm chừng. Riêng lò gạch chỉ còn 934/1.970 lò còn hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Sơn- chủ một cơ sở sản xuất gạch ở xã Mỹ An chỉ tay vào một miệng lò đang cháy đỏ, nói: “Lò này đốt cho “đỡ ghiền” chứ ra mẻ này chắc phải bán cả tháng. Ngoài kia còn mấy chục muôn gạch chưa bán được. Có khi nằm dài trên võng cả ngày trời, uống mấy chục bình trà cũng không thấy ai ghé hỏi mua”. Không chỉ riêng ông Sơn mà cả một “xóm lò” ở khu này đều như thế. Có lò đã đăng ký lên DN sản xuất thì xin “rút” lại còn cơ sở, còn nếu là cơ sở thì có khi đã ngừng luôn hoạt động…
Tình hình sản xuất khó khăn làm ảnh hưởng đến nguồn thu của huyện.
|
Nói về sự bế tắc của làng nghề, ông Thắng- chủ một cơ sở sản xuất gạch ở xã An Phước cho biết: Trong khoảng vài năm trở lại đây, gạch ở Mang Thít không thể cạnh tranh được với loại gạch được nung bằng công nghệ mới, từ các tỉnh khác tràn vào. Chính vì giá trấu tăng cao chóng mặt, nguyên liệu đất ngày càng hiếm, công nghệ đốt lạc hậu nên đẩy giá thành cao. Trong khi đó, cô Kim Anh- Chủ lò gạch ở xã An Phước than thở: “Bán sao được, bán thì lỗ, không bán thì lấy tiền đâu ra để xoay xở…
Trao đổi với ông Đặng Ngọc Thảo- Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phú thì kinh tế xã phụ thuộc rất nhiều vào gạch gốm khi số lượng miệng lò lớn nhất huyện. “Đến nay theo thống kê của xã, đã có 2/3 miệng lò ngừng hoạt động. Do đó, các hoạt động kinh tế khác cũng khó khăn hơn…”
Không chỉ riêng ngành sản xuất gạch gốm đi vào bế tắc, ngành đóng tàu ở Mang Thít từng là ngành sản xuất mạnh nhất của tỉnh giờ cũng hiu hắt, ảm đạm. Toàn huyện có 10 DN đóng tàu nhưng giờ chỉ còn 1 DN hoạt động cầm chừng, chủ yếu là sửa chữa. Ông Nguyễn Ngọc Sơn- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Mang Thít cho biết: Chỉ tính riêng 2 ngành gạch gốm và đóng tàu gặp khó khăn, nguồn thu sẽ mất rất nhiều.
Khó khăn trong thu ngân sách
Trong kế hoạch thu năm 2012 là 45,140 tỷ đồng- theo Chi cục Thuế huyện- tình hình nợ không có khả năng thu là 21,954 tỷ đồng, nợ chờ xử lý là 1,046 tỷ đồng, nợ chờ điều chỉnh là 2,343 tỷ đồng, còn lại là nợ có khả năng thu. Tuy nhiên trong 10 tháng đã qua, Chi cục Thuế huyện mới thu được hơn 25,6 tỷ đồng, đạt 55,77%. Theo ông Sơn, tình hình thu những tháng còn lại sẽ còn gặp nhiều khó khăn, ước chỉ thu được khoảng hơn 9 tỷ đồng. Lũy kế sẽ đạt khoảng hơn 34 tỷ đồng. Trước tình hình khó khăn tác động đến nguồn thu, Cục Thuế Vĩnh Long đã xem xét giao lại nhiệm vụ thu trên địa bàn là 37 tỷ đồng, nhưng theo khả năng chỉ thu khoảng hơn 34 tỷ, vẫn không đạt chỉ tiêu đề ra. Năm 2013, Cục Thuế tỉnh giao nhiệm vụ thu là 43,8 tỷ đồng, nếu tình hình sản xuất chưa có dấu hiệu tích cực thì khả năng thu cũng chỉ khoảng 34 tỷ đồng.
Nguồn thu từ các cơ sở sản xuất gạch, gốm trước đây khá lớn.
|
Là địa bàn được giao nhiệm vụ thu thuộc hàng cao nhất huyện, kế hoạch Nhơn Phú phải thu trong năm 2012 là hơn 7 tỷ đồng nhưng đến nay mới thu đạt 51%. Ông Nguyễn Văn Công- Đội trưởng Đội Thuế số 2 cho biết: Có đến 85- 90% nguồn thu nằm ở chỗ sản xuất gạch gốm nhưng với tình hình này, việc thu sẽ không thể hoàn thành. Công tác vận động cũng được toàn đội ra sức, kết hợp với chính quyền địa phương nhưng cũng rất khó bởi “không có tiền làm sao đóng”.
Trước tình hình khó thu, Chi cục Thuế huyện cũng có một số giải pháp để giúp các cơ sở sản xuất, DN có điều kiện nộp thuế. Đối với nợ không thể thu hồi chủ yếu tập trung ở các DN phá sản, giải thể và bỏ địa chỉ kinh doanh thì khoản này “để đó, sẽ thu khi có điều kiện và chờ chủ trương mới”. Ở các trường hợp khác thì tiếp tục vận động, nếu đến mức cuối cùng thì cưỡng chế bán đấu giá nhưng ưu tiên cho DN, cơ sở sản xuất bị cưỡng chế trước… Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Nguyễn Ngọc Sơn, giai đoạn từ 2008- 2011, tình hình thu của huyện luôn đứng hàng thứ 2 sau TP Vĩnh Long, nhưng có thể thấy trong năm 2012 và các năm tới, có lẽ phải nhường lại vị trí này nếu tình hình kinh tế không có chiều hướng phục hồi.
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị với các sở, ban ngành tỉnh cần quan tâm hơn đến việc thay đổi công nghệ cho ngành sản xuất gạch gốm. Cần có chính sách “chiếu cố” cho các làng nghề sử dụng các nguồn vốn và xem xét tạm thời phần nộp thuế chậm cho các DN còn nợ thuế…
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin