Ai lại làm thế...

11:08, 04/08/2012

Chuyện ngành ngân hàng lãi lớn cả trong lúc các doanh nghiệp cực kỳ khó khăn (như hiện nay) là chuyện ai cũng biết (vì nhiều báo đăng). Chuyện lãnh đạo, nhân viên ngành ngân hàng có mức lương “đáng thèm muốn” cũng là chuyện không nói ra thì ai cũng biết. Thời suy thoái kinh tế, thời lạm phát, thời… gì thì gì, các doanh nghiệp khác chỉ có vắt chân lên cổ mà chạy. Làm ăn có

Chuyện ngành ngân hàng lãi lớn cả trong lúc các doanh nghiệp cực kỳ khó khăn (như hiện nay) là chuyện ai cũng biết (vì nhiều báo đăng). Chuyện lãnh đạo, nhân viên ngành ngân hàng có mức lương “đáng thèm muốn” cũng là chuyện không nói ra thì ai cũng biết. Thời suy thoái kinh tế, thời lạm phát, thời… gì thì gì, các doanh nghiệp khác chỉ có vắt chân lên cổ mà chạy. Làm ăn có lời còn đỡ. Làm không hiệu quả, không có đầu ra, thì lỗ lã, thâm hụt, thậm chí phá sản là… bình thường.

Nhưng dường như làm ngân hàng thương mại có cái… sướng hơn. Như khi lời cùng chia nhau hưởng, nhưng lỗ lại muốn… người khác chịu. Chẳng hạn, khi công bố ngân hàng thương mại có khoảng 8,6% nợ xấu (trên 202 ngàn tỷ đồng), thì lập tức có ý kiến đề nghị thành lập công ty “mua nợ xấu”.

Thoạt nghe, tưởng đây là việc “khai thông đồng vốn”, giúp doanh nghiệp được tái sản xuất. Nhưng thực chất, đã gỡ dùm ngân hàng chuyện làm ăn thua lỗ. Nhiều người thắc mắc, khi lời ngân hàng ẵm trọn, thì tại sao, lúc nợ xấu (lỗ) ngân hàng không tự lấy lãi ra bù đắp vào? Liệu các doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác khi làm ăn lỗ lã có “bắt” Nhà nước hoặc ngân sách chịu dùm được không?

Còn nhớ, trước đây, khi các ngân hàng ra đời ào ạt, đã cạnh tranh bằng nhiều cách, chẳng hạn đẩy lãi suất huy động lên cao để giành vốn, rồi sau đó cho vay những khoản “phiêu lưu hơn” để giành khách hàng. Chuyện xác định giá trị tài sản cao hơn giá trị thật để cho vay nhiều hơn cũng là vấn đề… Những điều đó đã khiến cho nợ xấu ngân hàng tăng lên khi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả.

Các chuyên gia kinh tế đã cho rằng, tính đến 6 tháng đầu năm nay, các ngân hàng vẫn có lãi cao. Như vậy, về nguyên tắc, cũng là một doanh nghiệp, họ phải tự giải quyết nợ xấu của mình bằng cách bớt lợi nhuận, lấy lãi bù lỗ. Nếu không đủ thì có thể trừ vào vốn, cho đến chừng nào... hết vốn thì thôi. Chứ khi lời mình hưởng, còn khi lỗ lại để Nhà nước lo thì… ai lại làm thế?

PHƯƠNG NAM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh