Vỉa hè loang lổ, vì sao?

03:07, 25/07/2012

Vỉa hè đường Phạm Hùng (Phường 9- TP Vĩnh Long)- đoạn từ ngã ba Cần Thơ đến cầu Cái Cam- được khởi công từ năm 2008 và lẽ ra được hoàn thành vào cuối năm 2009. Nhưng đến nay vẫn còn “loang lổ” do một số vấn đề lấn cấn đất đai kéo dài từ sau khi mở rộng Quốc lộ 1A (năm 1994).


Nhiều nơi vỉa hè loang lổ, nhà dân nhô ra ngoài, không có cây xanh…

Vỉa hè đường Phạm Hùng (Phường 9- TP Vĩnh Long)- đoạn từ ngã ba Cần Thơ đến cầu Cái Cam- được khởi công từ năm 2008 và lẽ ra được hoàn thành vào cuối năm 2009. Nhưng đến nay vẫn còn “loang lổ” do một số vấn đề lấn cấn đất đai kéo dài từ sau khi mở rộng Quốc lộ 1A (năm 1994).

Người dân đòi bồi thường đất

Cô Lê Thị Hơn (Khóm 5)- người bị mất 59,5m2 đất sau khi mở rộng đường và đo đạc làm vỉa hè- suốt 4 năm qua đã liên tục đưa đơn khiếu nại lên các cấp đòi bồi thường đất. Cô Hơn nói:

- Khoảng năm 1994, có dự án mở rộng Quốc lộ 1A, nhiều hộ bị thu hồi đất nhưng không được đền bù nên chúng tôi mới đi kiện. Ngày 2/3/2000, Ban Đền bù giải phóng mặt bằng tỉnh và Sở Địa chính lúc đó có văn bản trả lời sẽ tham mưu UBND tỉnh cấp đất cho dân sử dụng ra đến cuối vỉa hè (đề xuất theo phương án không làm hành lang đường Phạm Hùng). Tuy nhiên, đến năm 2008, lại thấy đo đạc làm vỉa hè nên chúng tôi lại đi khiếu nại. Nhưng từ đó đến nay, UBND tỉnh, UBND TP Vĩnh Long… trả lời không thể bồi thường. Mang ra xấp giấy tờ được cất giữ cẩn thận nhiều năm- nhiều giấy đã ố vàng- cô cho biết: “Tôi chỉ có vỏn vẹn 87m2 đất nhưng bị mất tới hơn 59m2 rồi- mất hết cả sân và nhà trước, giờ còn chỉ chừng hơn 27m2 thôi. Nhà tôi trước đây dài 13m mà nay chỉ còn hơn 4m, làm sao không tiếc?”

Cũng ở Khóm 5, vỉa hè trước nhà chú Lý Văn Chín- thợ hàn- cũng trống trơn. Các thanh sắt, vật dụng để nhô ra hơn nửa chiều rộng vỉa hè. Chú Chín nói: “Hồi trước, ở đây lộ nhỏ nhưng tới nới rộng lộ thì không bồi thường cho dân. Ở đây có kiến nghị nhiều lần rồi nhưng cũng chẳng ăn thua”.

Nhiều hộ dân ở khu vực này cho biết, không được bồi thường nên một số hộ cứ xách đơn đi khiếu nại hoài. Chú Chín nói: Làm cho thành phố sạch đẹp ai không mừng nhưng phải hài hòa với lợi ích của người dân. Nếu không đủ kinh phí bồi thường thì có thể hỗ trợ chút ít là tui sẵn sàng giao mặt bằng. Còn Cô Hơn thì tâm tư: “Thành phố văn minh tui cũng rất vui lòng nhưng đất ở đô thị rất mắc. Vả lại, chuyện nào ra chuyện đó, đất của dân thì phải trả cho dân. Hơn nữa, vợ chồng tui đều đã già, có một đứa con trai nhưng nó đã qua đời, chỉ còn nhờ vào đồng lương hưu của chồng và đồng lời ít ỏi từ tiệm tạp hóa này. Giờ muốn sửa nhà cũng đâu đủ tiền để sửa”. Vì thế, cô vẫn kiên quyết: “Đến khi nào được bồi thường hoặc trả lại đất mới thôi”.

Ông Ngô Thành Thía- Trưởng Phòng Kế hoạch- Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công trình công cộng Vĩnh Long– đơn vị thi công dự án “Thoát nước, vỉa hè đường Phạm Hùng” cho biết: Hiện khối lượng lát vỉa hè đoạn từ ngã ba Cần Thơ đến cầu Cái Cam đạt khoảng 90%. 10% còn lại chưa lát được là do còn khoảng 40 hộ dân yêu cầu phải đền bù đất. Ông giải thích: Dự án mở rộng Quốc lộ 1A (năm 1994) chỉ đền bù đất thuộc phạm vi mở rộng lòng đường còn phần thuộc phạm vi hành lang lộ giới chỉ đền bù vật kiến trúc trên đất, không đền bù đất.


Chưa có vỉa hè, nước mưa ứ đọng...

Cần giải quyết rốt ráo

Ông Ngô Thành Thía nói, theo Nghị định 36/CP ngày 29/5/1995 thì không thể bồi thường hành lang lộ giới, vì dân không thể sử dụng hành lang lộ giới. Ông cho biết, thời điểm làm vỉa hè các ngành liên quan đã nhiều lần họp dân, tích cực vận động… để hoàn thành công trình nhưng vẫn gặp sự phản ứng từ phía dân.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND Phường 9 Phạm Trung Chánh cho biết: Nhiều đoạn ở đường Phạm Hùng vẫn chưa làm vỉa hè do người dân còn khiếu nại đòi bồi thường đất. Tuy nhiên, vụ việc đang được UBND tỉnh thụ lý, giải quyết, UBND phường chỉ làm theo phân cấp quản lý và không giải thích gì thêm.

Lâu nay, chuyện người dân ở nông thôn hiến đất xây trường, xây đường giao thông đã trở nên quen thuộc. Đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, để xây dựng nông thôn mới, việc hiến đất càng được người dân nhiệt tình hưởng ứng (có người hiến tới mấy ngàn mét vuông). Trong khi đó, vùng đô thị “tấc đất tấc vàng” vô cùng khó chạm tới để làm các công trình công ích.

Ông Thía cũng cho rằng, về lợi ích, người đô thị rõ ràng được hưởng lợi nhiều hơn dân quê từ các công trình công ích, đường sá… nên cần nhìn lại, hướng tới lợi ích chung cho cả cộng đồng. Bởi vỉa hè hoàn chỉnh không chỉ có thể trồng cây xanh- tăng mỹ quan đường phố mà còn tạo thuận lợi cho người đi bộ, hộ kinh doanh mua bán. Ông Nguyễn Việt Thắng– Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình công cộng Vĩnh Long từng nói: TP Vĩnh Long là “đô thị cổ, thành phố mới”- nhiều tuyến đường vỉa hè đã xuống cấp và lỗi thời. Vì vậy, để hướng đến đô thị hiện đại rất cần quy hoạch vỉa hè rộng 5- 6m để dành một khoảng nhất định cho cây xanh, tạo thuận lợi cho người đi bộ...

Thiết nghĩ, vấn đề lấn cấn về khiếu nại đất đai ở đường Phạm Hùng đã kéo dài nhiều năm nay nên rất cần được nhanh chóng giải quyết triệt để, hài hòa, nhằm sớm hoàn thành các đoạn vỉa hè còn loang lổ, tạo mỹ quan cho một con đường mang tên cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng nói riêng và thành phố trẻ Vĩnh Long nói chung.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh