Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa VIII, sau trả lời của 3 ngành: môi trường- bảo hiểm xã hội và giao thông, thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Trương Văn Sáu đã tiếp thu, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề về tiêu thụ nông- thủy sản; điện, nước, quy hoạch, bồi hoàn giải tỏa….
Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa VIII, sau trả lời của 3 ngành: môi trường- bảo hiểm xã hội và giao thông, thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Trương Văn Sáu đã tiếp thu, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề về tiêu thụ nông- thủy sản; điện, nước, quy hoạch, bồi hoàn giải tỏa….
* Vấn đề sản xuất và tiêu thụ hàng nông, thủy sản, đặc biệt là lúa, cá, trái cây, khoai lang…đang gặp khó về giá và đầu ra. Vậy giải pháp ra sao?
- Ông Trương Văn Sáu: Đây là vấn đề lớn và khó. Tỉnh đã kiến nghị Chính phủ, bộ ngành Trung ương các vấn đề liên quan đến tiêu thụ nông- thủy sản của tỉnh nhà. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại như tổ chức hội chợ, xây dựng thương hiệu, tích cực kêu gọi đầu tư,… quy hoạch sản xuất bám sát tín hiệu thị trường, thúc đẩy doanh nghiệp liên kết với nông dân thực hiện tốt đầu ra.
Cũng mong rằng bà con hết sức theo dõi thị trường, khuyến cáo của ngành chức năng, chính quyền địa phương về sản xuất.
* Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển sau lạm phát?
- Ông Trương Văn Sáu: Giải pháp đang được tập trung quyết liệt là thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ, UBND có kế hoạch, chỉ đạo các ngành tập trung giải quyết các vấn đề có liên quan như vốn, lãi suất, thuế, gia hạn nợ…
Để thực hiện được điều này, UBND tỉnh đã giao các ngành đã và đang làm, cụ thể cho từng đơn vị là sẽ tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại đối với từng doanh nghiệp để giải quyết từng khó khăn cụ thể của doanh nghiệp.
* UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng thông báo danh mục đầu tư nhà máy nước trong năm 2012, giai đoạn 2013- 2015 cho địa phương và nhân dân được biết, có cơ chế thực hiện đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước theo yêu cầu của nhân dân.
- Ông Trương Văn Sáu: Vào tháng 9/2009, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2105 về việc phê duyệt quy hoạch cấp nước sạch nông thôn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020. Theo đó, sẽ xây dựng mới 43 hệ thống cấp nước và nâng cấp mở rộng 61 hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn, với tổng kinh phí trên 467 tỷ đồng.
Năm 2012, Chủ tịch UBND tỉnh đã bàn hành Công văn số 136 về phân bổ vốn đầu tư xây dựng 18 công trình cấp nước năm 2012 (đầu tư mới 5 công trình, nâng cấp, mở rộng 13 công trình), với tổng vốn đầu tư 42,5 tỷ đồng từ nguồn vốn xổ số kiến thiết. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, UBND các huyện thông báo danh mục các công trình cho chính quyền cơ sở và nhân dân biết để tích cực tham gia.
Về đẩy mạnh việc đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn, thời gian qua, ngoài nguồn vốn ngân sách, UBND tỉnh đã thực hiện nhiều cơ chế, giải pháp để huy động sự tham gia của cộng đồng như: đa dạng hóa các mô hình đầu tư, tạo điều kiện thuận tiện để hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp dân doanh… giúp nhau tự góp vốn, vay vốn tín dụng; tham gia vận hành bảo dưỡng, quản lý và kinh doanh các công trình, dịch vụ cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 26 trạm cấp nước do tư nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã và viện trợ quốc tế đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, việc mở rộng xã hội hóa cung cấp nước sạch còn gặp nhiều khó khăn.
* Xã nông thôn mới không để người dân sử dụng điện câu đuôi với giá cao. Đề nghị UBND và ngành chức năng tỉnh xem xét đến tiêu chí này?
- Ông Trương Văn Sáu: Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới kèm theo Quyết định 491 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công thương về tiêu chí điện, nội dung đánh giá tiêu chí điện là: đường dây hạ thế và nhánh điện đảm bảo đúng kỹ thuật quy định; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn từ các nguồn đạt từ 98% trở lên; tỷ lệ hộ dân có điện được tính không nhất thiết đối với hộ có điện kế chính hay chưa có điện kế chính mà chỉ dựa trên điều kiện hộ dân có điện lưới sử dụng và đường dây nhánh đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn.
Từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh đã ứng vốn trước cho ngành điện trên 10 tỷ đồng, đồng thời Công ty Điện lực Vĩnh Long bố trí trên 165 tỷ đồng thực hiện cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới gần 170km đường dây trung thế, 120km đường dây hạ thế nhằm cấp điện và phát triển hộ mới chưa có điện trên 21.000 hộ và xóa 753 điện kế tổng cụm để bán điện trực tiếp đến 15.000 hộ câu đuôi.
Hiện trên địa bàn tỉnh còn khoảng 21.000 hộ dân chưa sử dụng điện kế chính, chiếm gần 10% số hộ toàn tỉnh. Các hộ dân chưa có điện sử dụng chủ yếu sống rải rác ở vùng nông thôn sâu, cách xa đường dây trung thế. UBND tỉnh tiếp tục tìm giải pháp để giải quyết việc các hộ dân có điện kế chính.
Về việc người dân sử dụng điện câu đuôi giá cao, UBND tỉnh chỉ đạo ngành điện và chính quyền địa phương phối hợp với đơn vị bán lẻ điện tại địa phương, đăng ký định mức cho các hộ dùng chung để được hưởng giá điện theo quy định của Bộ Công thương.
* Về đầu tư, quy hoạch, giải tỏa, bồi hoàn và thực hiện dự án, cử tri huyện Long Hồ phản ánh và đề nghị UBND tỉnh, ngành chức năng sớm hoàn chỉnh Khu dân cư- dịch vụ Phước Yên để nhân dân ổn định cuộc sống. Đề nghị UBND tỉnh xem xét nâng giá bồi hoàn Khu tái định cư Phường 4.
- Ông Trương Văn Sáu: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu dân cư- dịch vụ Phước Yên được UBND tỉnh phê duyệt chia làm 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn 1: Trung tâm Phát triển quỹ đất đã san lấp hoàn chỉnh 18,65ha. Hiện phần diện tích này đã giao cho nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Ngọc Phú Tiên thực hiện dự án theo quy hoạch của tỉnh.
+ Giai đoạn 2: Được chia ra làm 4 gói thầu để thực hiện, trong đó có gói thầu số 2 gồm các hạng mục san lấp, xây dựng kết cấu hạ tầng (xây dựng khu tái định cư).
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, sớm hoàn thành việc xây dựng khu tái định cư, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo thực hiện dự án Khu dân cư- dịch vụ Phước yên, giúp UBND tỉnh rà soát lại các thủ tục đầu tư, bồi hoàn để giải quyết những vướng mắc. Đến nay, chủ đầu tư đã tổ chức chọn nhà thầu mới và đang tiến hành thi công khu tái định cư, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 9/2012. Đồng thời, tiến hành bình xét và bố trí tái định cư cho các hộ dân được di dời trong vùng dự án.
Về dự án Khu tái định cư Phường 4, TP Vĩnh Long được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được thực hiện đúng theo quy định nên UBND tỉnh không thể nâng giá bồi thường, hỗ trợ theo yêu cầu của các hộ dân.
Trên cơ sở đó, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư TP Vĩnh Long đã bố trí tái định cư tại chỗ cho 15 hộ dân đủ tiêu chuẩn theo quy định và thực hiện chi trả xong cho các hộ dân bị giải tỏa trong vùng dự án.
Ngoài ra, có 27 hộ dân không đủ tiêu chuẩn bố trí tái định cư nhưng bị thu hồi hết đất nông nghiệp, không còn chỗ ở… Vì thế, ngày 25/6/2012, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn chấp thuận chủ trương hỗ trợ bằng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất cho các hộ này tại Khu tái định cư Phường 4, TP Vĩnh Long. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thành phố sớm bố trí tái định cư cho các hộ dân theo quy định.
D.UYÊN- T.TÂM (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin