Phát triển điện với tầm nhìn tương lai

06:07, 19/07/2012

Vừa qua, tỉnh Vĩnh Long đã công bố quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011- 2015 và xét đến năm 2020. Mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu điện thương phẩm cho phát triển kinh tế- xã hội, cung cấp điện cho các khu công nghiệp, thương mại- dịch vụ, khu đô thị mới. Phấn đấu đến năm 2020, sản lượng điện thương phẩm bình quân đầu người đạt 1.549 kWh/người/năm.

Vừa qua, tỉnh Vĩnh Long đã công bố quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011- 2015 và xét đến năm 2020. Mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu điện thương phẩm cho phát triển kinh tế- xã hội, cung cấp điện cho các khu công nghiệp, thương mại- dịch vụ, khu đô thị mới. Phấn đấu đến năm 2020, sản lượng điện thương phẩm bình quân đầu người đạt 1.549kWh/người/năm.


Quy hoạch phát triển điện gắn liền với phát triển kinh tế- xã hội.

Phát triển điện- phát triển tương lai

Theo quy hoạch, Vĩnh Long sẽ tập trung đầu tư phát triển mới, nâng cấp lưới điện hiện có, xây dựng danh mục các công trình đường dây, trạm biến áp cần đầu tư cải tạo nâng cấp trên toàn tỉnh. Mục tiêu tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm từ nay đến năm 2020 bình quân của tỉnh đạt 14,5%/năm, trong đó điện phục vụ công nghiệp- xây dựng tăng 20,5%/năm, nông- lâm- thủy sản tăng 31,6%/năm, thương mại- dịch vụ tăng 17,9%/năm.

Từ nay đến năm 2015, tỉnh triển khai xây dựng trạm biến áp 220kV, đấu nối các trạm biến áp 110kV phục vụ Khu công nghiệp Hòa Phú, Khu công nghiệp Bình Minh và Tuyến công nghiệp Cổ Chiên, xây dựng mới và cải tạo 42km đường dây 110kV. Tổng vốn đầu tư giai đoạn này khoảng 982 tỷ đồng.

Giai đoạn 2015- 2020, tỉnh quy hoạch phát triển nhanh mạng lưới điện phục vụ cho các khu công nghiệp trọng điểm như: Hòa Phú giai đoạn 2, Khu đô thị Bình Minh và các cụm công nghiệp huyện; đầu tư mở rộng, nâng công suất trạm biến áp 220kV, xây dựng mới và cải tạo 7 trạm biến áp 110/22 kV. Cụ thể, quy hoạch xây dựng mới 465km và cải tạo 248km đường dây trung thế 22kV, xây dựng mới 880km đường dây hạ thế và 1.197 trạm biến áp với tổng công suất 188.655kVA.

Vĩnh Long sẽ xây dựng kế hoạch hàng năm ứng vốn cho ngành điện đầu tư các công trình điện bức xúc ở khu vực nông thôn. Công ty Điện lực Vĩnh Long xây dựng phương án vay vốn ưu đãi và huy động nguồn vốn của các đơn vị kinh doanh hạ tầng, các khách hàng lớn là các đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Để triển khai quy hoạch, trong 2 năm 2012- 2013, Sở Công thương kết hợp với Công ty Điện lực Vĩnh Long và UBND các huyện, thành phố xây dựng danh mục các công trình điện, ưu tiên đầu tư cho các công trình bức xúc và mang lại hiệu quả cao.

Trước mắt, năm 2012 tỉnh sẽ ứng vốn 10 tỷ đồng cho các công trình điện (tập trung cho 22 xã điểm nông thôn mới). Điện lực các huyện, thành phố xây dựng tiến độ cải tạo lưới điện phân phối, dung lượng trạm biến áp phù hợp với quy mô, nhu cầu cung ứng điện cho công nghiệp- xây dựng, nông nghiệp, thương mại- dịch vụ trên địa bàn nhằm tiết kiệm nguồn vốn đầu tư và giảm tổn thất điện năng trên lưới.

Gỡ khó tiêu chí 4

Có thể nói, việc quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011- 2015 và xét đến năm 2020 của tỉnh góp phần quan trọng vào việc giải quyết tiêu chí 4, tiêu chí về điện trong xây dựng xã nông thôn mới. Bởi lẽ, để được công nhận là xã đạt tiêu chí điện với hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện và tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt từ 98% trở lên thì nhiều địa phương đang gặp khó.

Theo ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, qua kiểm tra của BCĐ Xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương còn vướng ở tiêu chí này. Nhiều nơi còn tình trạng sử dụng điện câu đuôi, tổ điện hạ áp nông thôn mà ngành điện chưa tiếp nhận vẫn còn nhiều, thậm chí có tổ điện không chấp nhận bàn giao. Điều này vừa không đảm bảo an toàn sử dụng điện vừa đẩy giá điện lên cao do thất thoát.

Số liệu sơ bộ của Sở Công thương, đến nay trên toàn tỉnh vẫn còn 253 tổ điện chưa bàn giao cho ngành điện quản lý. Số hộ xài điện câu đuôi trên 20.000 hộ.

Ông Nguyễn Thành Liêm- Phó Phòng Kinh tế huyện Bình Minh cho hay, ngay ở xã điểm nông thôn mới Đông Thạnh vẫn còn tổ điện người dân không chịu bàn giao. Ngoài ra, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều nhánh rẽ mà ngành điện chưa tiếp nhận, không đảm bảo an toàn về điện, những công trình điện bức xúc cần được đầu tư cải tạo, nâng cấp kịp thời.

Phó Phòng Công thương huyện Tam Bình Dương Văn Thới cũng cho biết: đến nay, toàn huyện đã tiếp nhận 393 tổ điện, vẫn còn 24 tổ điện chưa bàn giao, đa phần là tổ điện phát sinh mới từ năm 2007 đến nay. Nhiều địa phương đề nghị cải tạo, nâng cấp đường dây, xóa điện kế cụm cũng như đầu tư các công trình điện bức xúc.


Cấp thêm định mức hộ câu đuôi để dân nghèo xài điện giá rẻ hơn.

Tại buổi thảo luận một số vấn đề liên quan đến công tác bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn được tổ chức gần đây, nhiều địa phương đặt vấn đề: Ngành điện cần có cơ chế thoáng hơn cũng như xây dựng quy chuẩn kỹ thuật và giám sát để người dân tham gia vào việc nâng cấp, cải tạo lưới điện như đúc trụ điện, cải thiện đường dây,… Bởi việc làm này sẽ giảm đáng kể chi phí đầu tư thiết bị, giúp dân nghèo có cơ hội xài điện an toàn, giá rẻ. Để giải quyết tình trạng câu đuôi, có ý kiến cho rằng, ngành điện cần cấp thêm định mức hộ câu đuôi tại các hộ có điện kế chính, đảm bảo an toàn về điện nhằm quản lý tốt hộ câu đuôi và hạ giá điện.

Ghi nhận những ý kiến trên, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Long Lê Thanh Hùng, thông tin: Để đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật, các thiết bị điện phải đảm bảo độ dự phòng an toàn cao nên giá thành cao. Cho nên, việc xem xét cơ chế để người dân tham gia đầu tư lưới điện với chi phí thấp hơn cần được bàn bạc kỹ. Việc này không khó nhưng cần có cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo độ an toàn cao nhất. Ông Lê Mạnh Hùng cũng cho rằng đây cũng là giải pháp tốt mang lại hiệu quả rất đáng quan tâm. Riêng việc cấp định mức hộ câu đuôi, ngành điện sẽ xem xét những hộ đạt chuẩn an toàn để cấp thêm định mức nhằm giải quyết tình trạng những hộ câu đuôi phát sinh, gây đội bậc, đẩy giá điện lên cao.

Bài, ảnh: LÊ SƠN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh