Mùa mưa, bão: Đề phòng gãy đổ cây xanh thành phố

02:07, 18/07/2012

Cây xanh có ý nghĩa về mặt môi trường, sinh học và văn hóa... đối với các đô thị. Nhưng vào những ngày giông, bão mới thấy những hiểm họa của những cây cao, cổ thụ đối với người đi đường, nếu không có biện pháp phòng tránh trước đó.


Hàng cây sao hai bên đường Lê Thái Tổ (Phường 2- TP Vĩnh Long).

Cây xanh có ý nghĩa về mặt môi trường, sinh học và văn hóa... đối với các đô thị. Nhưng vào những ngày giông, bão mới thấy những hiểm họa của những cây cao, cổ thụ đối với người đi đường, nếu không có biện pháp phòng tránh trước đó.

Cành cây cao gãy đổ gây hại cho người đi đường

Những năm qua, chính quyền và ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực gìn giữ, tôn tạo cây xanh cho TP Vĩnh Long. Bên cạnh những hàng cây cao, cổ thụ như cây sao ở Văn Thánh Miếu, ở hai bên đường Lê Thái Tổ, trên đường Trưng Nữ Vương, cây gừa, cây dầu ở khu Bảo tàng tỉnh... thành phố còn trồng mới thêm nhiều cây xanh có giá trị ở các tuyến đường như hàng sộp trên đường Phạm Thái Bường, bằng lăng hai bên đường Nguyễn Huệ, cây dầu con gái hai bên đường Đinh Tiên Hoàng, cây bàng Đài Loan hai bên đường Phạm Hùng… Có lẽ những cây đại thụ kết hợp với những tòa nhà, công trình cao tầng ngày càng mọc nhiều, phần nào tạo cho thành phố nét hiện đại đan xen với nét cổ kính và sạch sẽ hơn. Những cây xanh tỏa bóng mát cho đường phố vào những ngày nắng hạ, những vòm cây vào mùa trổ bông rực rỡ hai bên đường làm thư thái khách bộ hành khi rảo bước qua. Tất cả mảng xanh ở thành phố, ngoài tạo bóng cây mát mẻ, ngăn bụi bặm, tiếng ồn, làm không khí trong lành còn là lá phổi của thành phố. Nhưng vào những ngày mưa bão thì chính những cây cao niên là mối đe dọa chực chờ trên đầu người đi đường nếu không được phát tỉa trước mùa mưa. Nếu cành cây bất ngờ rơi xuống, kéo theo đứt dây điện như mạng nhện ở bên dưới, gây hại cho người bên dưới. Đầu năm 2003, đã xảy ra trường hợp cây cồng trên đường Trưng Nữ Vương (góc giao với đường Hoàng Thái Hiếu) bị gãy đổ làm tắt nghẽn giao thông trong nhiều giờ liền. Bão số 9 vào cuối năm 2006 cũng làm đổ, gãy nhiều nhánh cây sao trên đường Lê Thái Tổ và một số cây cao khác trong thành phố. Một số hộ ở ven tuyến đường này cho hay, những khi có giông to, gió mạnh, hai hàng cây sao cao niên ở hai bên con đường này kêu “ào ào” và rất sợ khi có cành cây bị gãy cành, rơi xuống lòng đường, vỉa hè- cành khô có, cành tươi có. Những người sống lâu năm ở đây biết được cảnh này nên có kinh nghiệm tránh không dám ra dưới tán cây mỗi khi có gió mạnh, còn người đi đường có biết lúc nào cành cây rơi xuống mà tránh. Hiểm họa là ở chỗ đó!

Phòng tránh cành cây cao bị gãy đổ

Để tránh tai họa do những cành cây cao gãy, đổ trong mùa mưa, biện pháp tốt nhất là nên kiểm tra, tổ chức cắt, tỉa cành cây, đặc biệt là cây cao, to. Công việc này nên tiến hành trước mùa mưa hoặc trong mùa mưa vào những ngày trời quang đãng. Việc cắt tỉa nhằm giảm bớt diện tích hứng gió của cây, điều này làm giảm lực tác động của gió vào tán cây nên giúp cây đứng vững hơn và không va quẹt, ngã vào đường điện. Có thể thấy, phần lớn những cây xanh được trồng trong thời gian gần đây đều có tầm thấp, tán rộng và được đơn vị quản lý cây xanh thường xuyên cắt tỉa, tạo tán nên không lo đổ, ngã. Còn những cây trồng lâu năm có thân to, cao, cành dài, giang rộng cần quan tâm cắt cho gọn tán cây lại. Những cành cây khô, cành cây tươi xòe rộng, vươn ra lòng đường hoặc chạm dãy nhà, cột điện, công trình dễ cháy nổ cần phải được cắt bỏ đi. Những cây có ngọn cao quá nóc nhà mà thân cây nhỏ (chiều cao và bề rộng thân không cân đối) thì cần cắt bớt ngọn. Trong lúc giông, gió mạnh xảy ra, người đi đường nếu thấy không cần thiết thì cần hạn chế đi qua những tuyến đường có hàng cây cao; cần để ý, tránh trú gió, trú bão dưới tán, gốc những cây cao có cành dài, um tùm, dễ gãy, cũng là để tránh sét.

Bài, ảnh: MỸ HÀ (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh