Lao động Mang Thít “khát” việc

10:07, 18/07/2012

Làng nghề gạch ngói ở Mang Thít đã tạo ra khá nhiều công ăn việc làm cho lao động (LĐ) nông thôn, và cả những địa phương lân cận. Theo ông Hồ Văn Huân- Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Long, năm 2011, LĐ trong ngành của tỉnh có khoảng 20.000 người, thu nhập bình quân khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng.


Lao động chờ việc bên sông Lưu (xã Nhơn Phú- Mang Thít).

Làng nghề gạch ngói ở Mang Thít đã tạo ra khá nhiều công ăn việc làm cho lao động (LĐ) nông thôn, và cả những địa phương lân cận. Theo ông Hồ Văn Huân- Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Long, năm 2011, LĐ trong ngành của tỉnh có khoảng 20.000 người, thu nhập bình quân khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng.

Riêng đội ngũ khiêng gạch mướn ở Mang Thít mỗi tháng “đầy việc” thì kiếm không dưới 3 triệu đồng/người. Nhưng bước vào đầu năm 2012 đến nay, chợ LĐ trên sông Lưu trở nên “eo sèo”, còn những chủ lò thì than như bộng.

“Eo sèo” chợ LĐ trên sông Lưu

Trời còn tờ mờ, trong màn sương dày đặc mặt sông, từng tốp người kéo đến ngồi đầy các bàn cà phê dọc bờ kè sông Lưu thuộc chợ Nhơn Phú (xã Nhơn Phú- Mang Thít) chờ bán sức LĐ.

Tại các bàn cà phê, những lời hỏi thăm nhau, những lời tiếc nuối về thời “vàng son” đã qua của những người LĐ khiêng gạch làm xôn xao một khúc sông quê. Nhấp ngụm cà phê, anh Trung chỉ tay ra sông nói: “Mấy năm trước, nhiều ghe mua gạch đến gọi đi mần nên chợ này sung, đông dân bưng gạch lắm. Hơn 4 giờ là tụ tập nhóc người luôn, ăn sáng cà phê xong là theo ghe. Có bữa mần quá 5 tiếng một chút mà kiếm hơn 200 ngàn. Giờ ra ngồi đón cầu may, chứ 3- 4 ngày nay hổng có ghe cộ kêu mần gì hết. Thôi ráng mà theo nghề bán sức LĐ này để lo cho vợ con”. Đứng đợi người thân, chú Tư Chuẩn (ấp Phú Thạnh A) chia sẻ: “Từ tết giờ các lò gạch bị ế nên dân khiêng tụi tui cũng yếu theo. Bữa nào có ghe kêu đi là mừng húm. Như sáng nay có ghe điện gọi khiêng ở lò Mỹ An. Tui hú thêm 3 người trong gia đình đi khiêng liền nên chưa kịp ăn uống gì hết”. Tay xách ổ bánh mì và gói xôi ngọt, em Nói cười tươi: “Ăn vậy chắc bụng để lát bưng tới trưa. Nhóm em vừa mới được gọi bưng gạch ở lò kinh Thầy Cai”.


Nụ cười khi có việc làm trong ngày.

Đừng nghĩ công việc nặng nhọc này chỉ dành riêng cho trai tráng, đàn ông sức vóc, mà các chị cũng tranh thủ theo chồng gồng mình khiêng gạch chẳng kém cõi gì. Chỉnh lại cà mên cơm, chị Phượng cho biết: “Tui theo chồng mần hơn 2 năm, đi mần đem theo cơm cho đỡ tốn. Năm nay mần không bằng nửa năm ngoái, mần bữa đực bữa cái hoài cũng lo lắm. Nhà ít đất, thấy bưng gạch tuy nặng thiệt nhưng có tiền tươi. Trước vợ chồng mần buổi kiếm trên 200 ngàn, giờ ngày có mần là mừng rồi”. Phe phẩy quạt nón lá, cô Hoàng nói: “Tui bưng gạch gần 20 năm rồi. Nhà ở tuốt thị trấn Long Hồ, mưa nắng gì tui cũng đạp xe xuống đây mần hết. Tui vái cho dân ghe mua gạch ở đây nhiều nhiều để dân tụi tui có việc”. Chị Hoa mân mê ghế khiêng gạch cười: “Dân bưng gạch nữ tụi tui mần không thua gì nam đâu. Mần riết hai tay to, chai sần sùi hết trơn. Lúc đầu mần không quen cũng bị gạch rớt chảy máu, dập ngón là chuyện thường; rồi ớn nhất khi đi trên cây đòn nhỏ vừa bằng bàn chân bắc từ ghe vào bờ, có người té xuống sông bị trầy xể mình mẩy. Giờ hả, chuyện nhỏ, miễn được gọi là mừng húm”.

Chủ lò cũng “méo mặt”

Trên toàn tỉnh Vĩnh Long có 1.078 cơ sở sản xuất gạch, ngói, với trên 2.000 miệng lò thì huyện Mang Thít đã chiếm khoảng 80%. Năm 2011, toàn tỉnh đã xuất được khoảng 600 triệu viên gạch các loại, đặc biệt là gạch ống. LĐ trong ngành hiện đang có khoảng 20.000 người, thu nhập khá ổn định. Riêng đội ngũ khiêng gạch mướn mỗi tháng “đầy việc” thì kiếm không dưới 3 triệu đồng. Nhưng bước vào đầu năm 2012 đến nay, chợ LĐ trên sông Lưu trở nên “eo sèo”, còn những chủ lò thì than như bộng. Những khó khăn từ nhiều phía làm cho sản phẩm không cạnh tranh nổi trên thị trường, kéo theo sản xuất đình trệ, cầm chừng để giữ chân LĐ, nhưng cũng khá mệt mỏi khi phải đối phó với quá nhiều yếu tố bất lợi.

Thật không ngoa, Mang Thít được mệnh danh là “vương quốc của gạch ngói” với trên 1.000 lò gạch. Khi theo chân những người LĐ khiêng gạch ở kinh Thầy Cai, chúng tôi choáng ngợp trước những lò gạch cao, to sừng sững chạy dọc bên sông. Ngồi tụ họp đợi ghe gạch tới, anh Minh Hùng (ấp Phú Thạnh) cho biết: “Tui bưng gạch từ năm 13 tuổi, đến nay mần hơn chục năm. Dù lúc này mần thất thường nhưng mần tự do quen rồi, mần ngày nào lấy tiền ngày đó, ngày cũng được trăm ngoài, có bữa mần gấp đôi. Tui thử lên Sài Gòn mần xí nghiệp được vài ngày rồi bỏ việc về đây. Ba má tui cũng là dân bưng gạch đó”. Bắt đầu gia nhập vào lực lượng khiêng gạch này hơn 10 năm từ lúc chị Thạch Thị Mi từ quê nhà Sóc Trăng theo chồng về làm dâu “xứ gạch”. Chị kể: “Hai đứa siêng mần cũng có dư chút đỉnh. Tui nghe nói gạch ở miền ngoài giá rẻ nên dân ghe ít mua gạch của mình cộng thêm giá trấu mắc, chủ lò than lỗ nên ít đốt. Giờ lò “nhũn” mình cũng “nhũn” theo. Không chỉ dân bưng gạch bị thất nghiệp mà dân ra lò, chạy cối, lên mê,… cũng than quá trời”.

Nhưng khi mà viên gạch “không chạy” được xuống ghe, thì đâu chỉ có dân chạy việc là rầu đâu, cả những ông chủ lò cũng ngồi… bó gối. Buổi sáng quay quanh quán cà phê tại cơ sở của doanh nghiệp gạch ngói Chí Hiếu ở xã Nhơn Phú, có 6 người đàn ông thì đến 5 người là chủ lò gạch, còn anh Lình là chủ xưởng cơ khí chuyên sản xuất dụng cụ phục vụ cho các lò gạch. Những câu chuyện không vui xoay quanh viên gạch đang không có đầu ra.


LĐ ngồi bệt bên đường tranh thủ lót dạ trước khi vào làm việc.

Anh Bé Hai- chủ lò gạch Chí Hiếu than rằng: “Giá trấu bây giờ mắc quá trời, mới chỉ năm ngoái bước qua đầu năm nay, đã tăng hơn gấp đôi. Một viên gạch giá 700đ, giỏi lắm có lời 70- 80đ, bù lại cho lớp gạch chân giá chỉ khoảng 400 đ/viên, lơ mơ là lỗ chớ nói chi có lời. Mà đất sản xuất gạch phải mua tận Trà Vinh, mà cứ chập chờn lúc cấm lúc mở, nên không có nguyên liệu, chi phí cứ đội lên đủ thứ. Từ tết vào “mùa xây dựng” nhưng các lò vẫn không “ăn gạch” kéo dài đến nay bởi gạch ở Tây Ninh, Bình Dương giá rẻ nên gạch mình bị chựng hàng. Mình còn cầm cự tiêu thụ ở Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng”. Tuy khó nhưng các lò vẫn ráng “đỏ lửa” và thời gian “chụm” giữa các lò có thư thư ra để giữ chân người LĐ bởi khi “ăn gạch” thì lại “khát” LĐ.

Ông chủ lò Hoàng Hưng, có đến 8 miệng lò cũng chen vào góp chuyện: “Làm ăn thấy vậy, chớ “lớn thuyền lớn sóng”, tình trạng ế ẩm kéo dài như thế này, nhiều doanh nghiệp mệt mỏi vì phải gồng mình cầm cự với lãi suất ngân hàng. Mà khổ nỗi, hàng dồn đống không còn chỗ chất, phải để gạch trong lò, nhưng báo ngưng đốt lò cũng không được giảm thuế. Vì theo nguyên tắc, ngưng sản xuất thì lò phải trống mới được xét giảm thuế. Thiệt là khó đủ đường”.

Dù sao hôm nay cũng có 2 ghe cặp bến lò gạch Chí Hiếu “ăn hàng”, tạm gọi là một ngày vui cho nhóm khiêng gạch của anh Minh. Trên chiếc ghe nhỏ, anh Minh và anh Quyền tay thoăn thoắt xếp 32 viên gạch ống trên ghế khiêng gạch, nhanh nhẹn đi trên tấm ván nhỏ xíu đưa gạch xuống ghe thật nhịp nhàng. Mồ hôi tuôn ra thấm đẫm lưng áo, anh Quyền lấy nón lau vội mồ hôi trên mặt pha trò: “Tui biết mùi gạch từ trong bụng mẹ rồi đó. Khoảng 11 hay 13 tuổi gì đó tui bắt đầu bưng gạch cho đến nay gần 20 năm. Cứ bưng một thiên (1.000 viên) thì chủ ghe trả 35.000đ. Sáng nay, anh em tui bưng 10 thiên”. Và, làm sao để mỗi ngày người LĐ ở “xứ gạch” “bán cơ bắp” đều có nhiều niềm vui như thế? Đó là bài toán khó cho làng nghề Mang Thít.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN- THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh