Trong 10 năm qua, các lực lượng chức năng của tỉnh Bình Phước và Quân khu 7 đã nắm được thông tin và đưa về nước 6.000 hài cốt liệt sĩ, trong đó có trên 500 hài cốt còn chưa rõ thông tin về tên, tuổi, đơn vị.
Một đợt tìm hài cốt liệt sĩ ở Campuchia của Đội K72 (Ảnh do Đội K72 cung cấp).
Trong 10 năm qua, các lực lượng chức năng của tỉnh Bình Phước và Quân khu 7 đã nắm được thông tin và đưa về nước 6.000 hài cốt liệt sĩ, trong đó có trên 500 hài cốt còn chưa rõ thông tin về tên, tuổi, đơn vị.
Thượng tá Lê Huy Chung, Chính trị viên Đội Quy tập tìm kiếm hài cốt liệt sĩ K72 (Đội K72) của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước (thuộc Quân khu 7) cho biết: Đội K.72 vừa tổ chức tìm, cất bốc, đưa về nước những liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại tỉnh Mon-dul-kri (Campuchia), trong đó có nhiều kỷ vật của các anh để xác định thông tin về tên, tuổi.
Thượng tá Lê Huy Chung và các đồng đội của Đội K72 cho biết: Chiến trường các tỉnh mà quân tình nguyện Việt Nam hy sinh thường là vùng rừng núi sâu, hiểm trở, địa bàn thay đổi nhiều nên rất khó khăn trong tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Tuy vậy, nhân dân tại các tỉnh Kampong Thom, Kratie, Mondul Kiri- nơi mà Đội K72 đã bỏ nhiều công sức tìm kiếm hài cốt các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh- đã ủng hộ rất nhiều cho đội, kể cả có những nơi bà con còn giúp đỡ thông tin tìm nhanh chóng hay trực tiếp tham gia cùng Đội K72 để đào, tìm hài cốt liệt sĩ.
Như trong một lần đi khảo sát địa bàn, Trung úy Trần Duy Hiền- nhân viên phiên dịch Đội K72 gặp cụ Tà-chếch, 85 tuổi, tại phum KhSưm-kho-nông, xã Sum, huyện Sa-nuool, tỉnh Kratie. Qua trò chuyện, cụ Tà-chếch cho biết thông tin quan trọng: Khoảng những năm 1970, 1971, khi đó cụ sống tại phum Mân-lơ, xã Sum có đơn vị bộ đội Việt Nam đóng quân tại một khu rừng ở phum này. Đơn vị này do ông Tương hoặc Tưởng làm chỉ huy. Ngày đơn vị tổ chức vượt sông Sa-lông, có một đồng chí bị sốt rét rất nặng nhưng vẫn quyết tâm hành quân cùng đơn vị. Tuy nhiên, đến khoảng giữa sông, do đuối sức nên đồng chí ấy bị nước cuốn trôi. Ngay sau đó, cụ cùng bà con địa phương và các đồng chí trong đơn vị vớt được thi thể chiến sĩ ấy và tổ chức để an táng cạnh một gò mối cách sông Sa-lông khoảng 200m. Cụ còn nhớ liệt sĩ này có tên là Canh hoặc Cảnh. Thế là cụ Tà-chếch đã dẫn Đội K72 đến chính xác vị trí đã mai táng người chiến sĩ ấy cách nay trên 40 năm trước. Khi Đội K72 tìm thấy thì hài cốt liệt sĩ được bó bằng tăng màu xanh đen và quấn võng dù, xương và răng còn khá nhiều, kèm theo 15 chiếc cúc quần, áo… “Đó là những kỷ niệm đáng nhớ trong những lần tìm kiếm hài cốt đồng đội mà các anh không có quyền quên, dù là một mẩu vật nhỏ nào của đồng đội sót lại.”- Thượng tá Lê Huy Chung tâm sự.
Theo Thiếu tướng Trần Đơn- Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7, qua 10 năm, từ khi Bộ Tư lệnh Quân khu 7 lập ra 4 đội tìm kiếm, công tác quy tập mộ liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia đã được Quân khu 7 và Đội K72 chú tâm trên từng địa bàn khi có thông tin. Trong 10 năm qua, các lực lượng chức năng của tỉnh Bình Phước và Quân khu 7 đã nắm được thông tin và đưa về nước 6.000 hài cốt liệt sĩ, trong đó có trên 500 hài cốt còn chưa rõ thông tin về tên, tuổi, đơn vị.
Đến nay, riêng 2 đội K72 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước và K70 (Cục Chính trị Quân khu 7) đã tổ chức cất bốc, đưa về nước để mai táng 2.149 hài cốt liệt sĩ, trong đó có thông tin về tên, tuổi của 217 liệt sĩ.
Đây là nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc giao phó– mà không một người lính nào của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Quân đội nhân dân Việt Nam được phép xao lãng- Tư lệnh Quân khu 7, Thiếu tướng Trần Đơn đã khẳng định.
PHẠM BÁ NHIỄU
(TP Hồ Chí Minh)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin