Kể từ ngày 15/7/2012, Thông tư số 15/2012/TT-BGTVT, ngày 10/5/2012 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông chính thức có hiệu lực.
Kể từ ngày 15/7/2012, Thông tư số 15/2012/TT-BGTVT, ngày 10/5/2012 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông chính thức có hiệu lực.
Mặc dù đã được trang bị phương tiện cứu sinh khá đầy đủ nhưng hành khách chưa mặn mà với áo phao (ảnh chụp sáng 19/7/2012 tại bến phà An Bình).
Trước đó, ngay trong tháng 6/2012, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức tuyên truyền và ký cam kết thực hiện Thông tư 15 cho các chủ bến, chủ phương tiện chở khách ngang sông trên
địa bàn.
Mặc dù quy định hành khách phải mặc áo phao khi đi đò, phà đã được đề ra từ lâu, nhưng do trước đây quy định này chưa được thể chế hóa và có biện pháp chế tài cụ thể với người không chấp hành. Do đó, việc mặc áo phao chưa thể đi vào đời sống.
Người một nơi, áo phao một nẻo.
Chúng tôi có mặt tại bến phà An Bình vào sáng 19/7/2012, sau 4 ngày Thông tư 15 có hiệu lực, hầu hết hành khách qua phà đều không mặc áo phao, mặc dù các phương tiện trên đã được trang bị khá đầy đủ.
Qua tìm hiểu, nhiều người đi đò, phà không mặc áo phao vì ngại mất thời giờ, phiền hà,… mà chưa nghĩ đến việc bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trên sông.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 69 bến khách ngang sông, 1 bến tàu khách du lịch và 2 bến tàu khách tuyến cố định. Chưa kể, một số bến chưa được cấp giấy phép hoạt động, phương tiện cũ, người điều khiển không bằng lái, bến bãi mở không đúng nơi quy định,…
Mỗi ngày, trên các tuyến sông vẫn có nhiều chuyến đò chở khách qua sông mà không có một phương tiện cứu sinh nào. Một số đò có trang bị áo phao nhưng chỉ để đối phó với lực lượng chức năng chứ không phát huy được tác dụng thực sự.
Ghi nhận chung tại các bến đò ở các huyện Bình Tân, Trà Ôn, Long Hồ, Mang Thít,... hoạt động vận tải hành khách qua sông vẫn không đảm bảo an toàn. Không ít học sinh ở các xã vùng sâu hàng ngày vẫn phải đến trường trên những chuyến đò ngang thiếu an toàn.
Theo Cảng vụ Đường thủy nội địa, hiện tại một số tuyến sông như Mang Thít, Cổ Chiên, Cái Nhum, Long Hồ, sông Hậu, Cái Vồn Lớn, Cái Vồn Nhỏ, Sóc Tro, Ba Càng, Trà Ngoa, Mương Lộ,… vẫn còn nhiều bến khách ngang sông chưa đủ điều kiện để được cấp phép hoạt động. Sự hiện diện của những bến khách thiếu an toàn, phương tiện không đảm bảo này luôn rình rập nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy rất cao.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cần được tăng cường để Thông tư 15 đi vào cuộc sống.
Theo ngành chức năng, nguyên nhân là do chính quyền địa phương chưa có biện pháp nghiêm ngặt để quản lý bến đò, phương tiện và người điều khiển đò ngang một cách hữu hiệu. Đặc biệt, nhận thức về an toàn giao thông đường thủy của nhiều người cũng như sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương nhiều nơi còn hạn chế. Song, do nhu cầu đi lại qua sông của người dân địa phương nên các đò ngang dù vi phạm vẫn hoạt động như thường.
Phó Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa- Nguyễn Thế Hùng cho rằng: Mặc dù điều kiện hoạt động của các phương tiện bắt buộc phải trang bị áo phao và phao cứu sinh (phao tròn), tuy nhiên ý thức của người dân chưa cao. Qua tuyên truyền thực tế Thông tư 15 cho các chủ bến, chủ phương tiện chở khách ngang sông, hầu hết các chủ bến tán thành việc trang bị các phương tiện cứu sinh. Tuy nhiên, để đảm bảo những quy định của thông tư trên đi vào cuộc sống, có lẽ cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng nâng cao nhận thức người dân và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.
Thông tư 15 quy định mọi hành khách, thuyền viên, người lái trên phương tiện vận tải hành khách qua sông đều phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn. Phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải trang bị đủ số lượng áo phao, dụng cụ nổi cá nhân cho mọi người.
Chủ phương tiện, người lái phải từ chối chuyên chở những hành khách không mặc áo phao hoặc không sử dụng công cụ nổi cá nhân theo hướng dẫn và chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn xảy ra trong quá trình vận tải khi hành khách không mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi. Thanh tra giao thông và chính quyền địa phương phải thường xuyên kiểm tra và đình chỉ phương tiện không trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi cá nhân. Nếu hành khách không tuân thủ quy định trên thì yêu cầu hướng dẫn hành khách mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi cứu sinh. |
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin