Sự chuẩn bị của ĐT bóng đá nữ Việt Nam bằng một loạt các trận đấu giao hữu quốc tế, cho thấy thầy trò HLV Mai Đức Chung có những bước chạy đà khá tốt.
Thanh Nhã và người chị cũng là đồng đội rất thân thiết Phạm Hải Yến. Ảnh: TTO |
(VLO) Sự chuẩn bị của ĐT bóng đá nữ Việt Nam bằng một loạt các trận đấu giao hữu quốc tế, cho thấy thầy trò HLV Mai Đức Chung có những bước chạy đà khá tốt.
Tuy nhiên, đó chỉ là mục tiêu ngắn hạn cho World Cup 2023 trước mắt, chỉ nhằm cải thiện phong độ, về lâu dài cần có những thay đổi lớn để nâng tầm đẳng cấp, nâng cao vị thế bóng đá nữ Việt Nam với thế giới.
Bóng đá nữ Việt Nam có thể gọi đùa một cách đầy chua xót là “con nhà nghèo học giỏi”, bởi họ thường không được quan tâm, thu nhập rất thấp so với sự cống hiến, đặc biệt là “hậu vận” sau khi giải nghệ thì phần đông rất thê thảm.
Chỉ gần đây, nhất là khi lọt được vào VCK giải đấu lớn nhất hành tinh dành cho bóng đá nữ, họ đã được sự chú ý nhiều hơn, được quan tâm nhiều hơn. Liệu sau World Cup và sau đó thành tích đi xuống sẽ còn ai chú ý.
Các cơ chế hợp đồng giữa cầu thủ nữ và các CLB vẫn còn nhiều điều đáng bàn khi mà mọi quyết định liên quan đến “số phận” cầu thủ đều thuộc về CLB chủ quản. Cầu thủ nữ không được tự quyết về chuyển nhượng, về các hợp đồng quảng cáo… đó cũng do thực tế giải đấu bóng đá nữ vẫn còn dạng “tự cung, tự cấp”.
Đó là những vấn đề đặt ra trước câu hỏi lớn làm thế nào sớm nâng tầm đẳng cấp bóng đá nữ Việt Nam. Mà mục tiêu này xem ra có phần dễ dàng hơn so với bóng đá nam vốn có nhiều lợi thế về cơ chế, kinh tế và được đặc biệt quan tâm, chăm bẵm từ nhiều phía lẫn sự ưu ái đặc biệt của NHM.
Để thay đổi sự vận hành của giải đấu trong nước sẽ đòi hỏi thời gian nhiều hơn, nhưng cách nhanh nhất, hiệu quả sớm nhất chính là mở cửa cho các cầu thủ nữ xuất ngoại, mà Huỳnh Như là một minh chứng.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Huỳnh Như là trường hợp đặc biệt khi được CLB TP Hồ Chí Minh đã tạo cơ hội có thể được xem là “trúng số độc đắc” để được đến Bồ Đào Nha thi đấu.
Chỉ thời gian ngắn đã cho thấy sự thành công, tiến bộ vượt trội của tiền đạo đội trưởng ĐT nữ Việt Nam, Huỳnh Như đã trở thành chỗ dựa chuyên môn lẫn tinh thần cho toàn đội thi đấu tự tin hơn, bản lĩnh hơn.
Do đó, thông tin chưa chính thức mới đây khi có nhà môi giới làm việc lâu năm ở Việt Nam đặt vấn đề đưa Thanh Nhã ra nước ngoài thi đấu với mức lương được cho là cao hơn hẳn Huỳnh Như, nhiều người cũng chưa vội mừng.
Đã có rất nhiều lời mời với các cầu thủ nữ nhưng tất cả đều bị “tắt” đầu ra, điển hình như người chị cũng là đồng đội rất thân thiết của Thanh Nhã là Phạm Hải Yến cũng không được CLB chủ quản cho phép ra đi.
Tuyết Dung cũng đã từng được rất nhiều lời mời từ các nền bóng đá phát triển, nhưng vẫn chẳng thể có được cơ hội xuất ngoại.
Thậm chí khi có thông tin, ngay lập tức đội bóng Hà Nam cho Tuyết Dung thi công chức trở thành nhân viên hưởng lương của Sở Văn hóa -TT-DL tỉnh Hà Nam.
Cơ chế quản lý, hợp đồng giữa cầu thủ nữ và CLB thực sự làm “tắt” đầu ra và cơ hội nâng tầm các cầu thủ, cũng là nâng chất và nâng cao vị thế bóng đá nữ Việt Nam.
Khi các CLB toàn quyền quyết định “số phận” cầu thủ. Về phía cầu thủ nữ họ cũng thực sự lo ngại cho tương lai sau khi kết thúc sự nghiệp “quần đùi, áo số” đã có rất nhiều người gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Niềm vui háo hức chờ đón cuộc tranh tài của bóng đá nữ Việt Nam tại World Cup sắp tới cũng sẽ sớm qua đi, nhưng đây sẽ là cơ hội giúp cho bóng đá nữ nước ta nâng cao vị thế đó mới là mục tiêu dài lâu.
Để hiện thực hóa ước mơ tiệm cận đẳng cấp thế giới, thì ngay từ bây giờ cần nghĩ đến những giải pháp, những đổi thay “cởi trói” và tạo điều kiện tốt nhất cho cầu thủ nữ nâng chất chuyên môn và tăng nguồn thu nhập xứng đáng với sự cống hiến, có thể nói là hy sinh của một đời nữ cầu thủ cho bóng đá nước nhà.
NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin