Ngày 15/7, tức là chỉ còn 8 ngày nữa Olympic Tokyo 2020 sẽ được khai mạc nhưng đến thời điểm này chưa có bất cứ đơn vị nào tại Việt Nam sở hữu được bản quyền truyền hình của thế vận hội.
Chưa có đơn vị nào tại Việt Nam mua được bản quyền truyền hình Olympic Tokyo 2020 - Ảnh: QUÝ LƯỢNG |
Ngày 15/7, tức là chỉ còn 8 ngày nữa Olympic Tokyo 2020 sẽ được khai mạc nhưng đến thời điểm này chưa có bất cứ đơn vị nào tại Việt Nam sở hữu được bản quyền truyền hình của thế vận hội.
Đây là thông tin đáng buồn với người hâm mộ thể thao Việt Nam bởi nếu trong ít ngày tới không có diễn biến khả quan, người Việt Nam sẽ không được theo dõi những màn tranh tài đỉnh cao của thể thao thế giới trên sóng truyền hình. Quá trình thi đấu của các VĐV Việt Nam tại Olympic Tokyo cũng không thể theo dõi trực tiếp được.
Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra từ ngày 23/7 đến ngày 8/8 tại Nhật Bản. Olympic là đấu trường thể thao lớn nhất thế giới được tổ chức 4 năm một lần, quy tụ tất cả những VĐV đẳng cấp, "ngôi sao" của các nền thể thao hàng đầu thế giới.
Dù vậy, câu chuyện về việc sở hữu bản quyền truyền hình của các giải đấu thể thao trong đó có Olympic luôn khiến các nhà đài, đơn vị kinh doanh bản quyền truyền hình thể thao tại Việt Nam đau đầu. Lý do bởi giá bản quyền trong 10 năm qua tăng phi mã với cấp số nhân.
Từ năm 2019, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã tham gia đàm phán để mua bản quyền truyền hình Olympic Tokyo.
Tuy nhiên theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, giá bản quyền truyền hình Olympic Tokyo được đối tác nước ngoài chào hàng với giá cao 20 lần so với bản quyền Olympic Brazil 2016, và đó là trở ngại lớn nhất khiến việc mua bản quyền truyền hình Olympic Tokyo tại Việt Nam đến lúc này chưa thể ngã ngũ.
Trả lời Tuổi Trẻ Online ngày 15/7, một lãnh đạo VTV cho biết đơn vị này vẫn đang nỗ lực đàm phán với đối tác, với hy vọng có thể sở hữu được bản quyền Olympic Tokyo phục vụ người dân.
Cuộc mua bán bản quyền truyền hình các đại hội thể thao quốc tế chủ yếu diễn ra với các nhà đài khối nhà nước trong khi các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bản quyền thể thao không mấy mặn mà.
Lãnh đạo một đơn vị kinh doanh bản quyền truyền hình thể thao nói với Tuổi Trẻ Online: "Chúng tôi cũng được các đối tác tiếp cận để chào hàng gói bản quyền Olympic từ 2-3 năm trước. Tuy nhiên giá rất cao mà khả năng thu lợi gần như là không, thậm chí lỗ. Vì vậy các đại hội thể thao như Olympic, Asiad, SEA Games nơi có đoàn thể thao Việt Nam tranh tài thì các đơn vị tư nhân ít tham gia mua bản quyền".
Cuộc đua bản quyền truyền hình ở các giải đấu thể thao quốc tế tại Việt Nam luôn diễn ra căng thẳng, tốn kém rất nhiều nguồn lực.
Trước đó, tại World Cup 2018 cũng từng xảy ra chuyện đến ngày giải đấu khởi tranh vẫn không đơn vị nào tại Việt Nam có đủ tiền để mua bản quyền truyền hình. Khi đó VTV đã được một tập đoàn lớn tại Việt Nam tài trợ 115 tỉ đồng để mua được bản quyền giải đấu vào giờ chót.
Đoàn thể thao Việt Nam phấn đấu có huy chương Olympic Tokyo
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2021 với tổng cộng 43 thành viên, do ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT làm trưởng đoàn. Trong thành phần đoàn có 2 bác sĩ, 4 cán bộ, 1 phóng viên, 18 VĐV, 18 người còn lại là HLV, chuyên gia, lãnh đội.
Danh sách 18 VĐV của đoàn thể thao Việt Nam đến Olympic Tokyo gồm có: Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ), Quách Thị Lan (điền kinh), Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Trương Thị Kim Tuyền (taekwondo), Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung), Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thùy Linh (cầu lông), Lường Thị Thảo, Đinh Thị Hảo (đua thuyền rowing), Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Văn Đương (boxing), Nguyễn Thị Thanh Thủy (judo), Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên (cử tạ).
Đêm 18/7, đoàn thể thao Việt Nam sẽ lên đường đến Olympic Tokyo.
Theo KHƯƠNG XUÂN/TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin