Trong nỗ lực để đóng góp cho thành công của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, Chính phủ nhiều nước đã ưu tiên tiêm phòng vaccine COVID-19 cho tất cả các VĐV tham dự Olympic mùa hè Tokyo 2020.
Trong nỗ lực để đóng góp cho thành công của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, Chính phủ nhiều nước đã ưu tiên tiêm phòng vaccine COVID-19 cho tất cả các VĐV tham dự Olympic mùa hè Tokyo 2020.
Trong khi nhiều quốc gia dành sự ưu tiên cho các VĐV Olympic thì cũng có các quốc gia không đồng tình. Ảnh: DM. |
Ủy ban Olympic quốc gia ở nhiều nước đã khuyến khích việc tiêm vaccine cho các VĐV cũng như làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới để giúp những người đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận với vaccine. Đã có một số quốc gia như tại Hungary, Serbia bắt đầu tiêm cho các VĐV dự Olympic.
Với lịch Thế vận hội Olympic khai mạc vào ngày 23/7, các nước dự kiến tiêm hai liều vào tháng 5 và tháng 6 cho các VĐV tham dự sự kiện. Các VĐV Paralympic sẽ được tham gia tiêm phòng sau đó nhằm tham dự Thế vận hội Paralympic diễn ra từ ngày 24/8 đến ngày 5/9.
Ủy ban Olympic của Israel cũng cho biết, đã tiêm vaccine cho một nửa đoàn thể thao Olympic và sẽ hoàn tất quy trình vào cuối tháng 5.
Trong khi đó, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun và Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador cho biết, các VĐV đương nhiên được tiêm vaccine nếu tham gia Thế vận hội.
Tại Ấn Độ, Bộ trưởng Thể thao của nước này Kiren Rijiju cũng tuyên bố các VĐV của nước tham dự Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa hè ở Tokyo đều sẽ được được tiêm vaccine COVID-19.
Bộ trưởng Rijiju nhấn mạnh rằng, chính sách của Chính phủ nước này rất rõ ràng. Trước hết, vaccine sẽ được cung cấp cho những người đang làm việc trên tuyến đấu những nhân viên y tế và an ninh. Các VĐV tham dự Thế vận hội Olympic cũng như HLV của họ sẽ được ưu tiên sau đó. Dù xếp sau trong thứ tự ưu tiên nhưng dự kiến tất cả các 74 VĐV đủ điều kiện tham dự Thế vận hội Olympic và 24 VĐV tham dự Paralympic đều sẽ được tiêm phòng trước khi đi tham dự sự kiện thể thao đa môn lớn nhất thế giới.
Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach đã yêu cầu các Ủy ban Olympic quốc gia tích cực phối hợp với chính phủ để có được "bức tranh toàn cảnh" về tình hình tiêm chủng ở quốc gia của mình để có thể báo cáo lại với Ủy ban Olympic quốc tế trong tháng 2.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác như Italy cho biết sẽ không dành sự ưu tiên tiêm phòng COVID-19 cho các VĐV. Chủ tịch Ủy ban Olympic Italy Giovanni Malago khẳng định sẽ không yêu cầu để các VĐV của mình được ưu tiên tiêm vaccine trước các đối tượng quan trọng khác của đất nước, chỉ để có thể tham dự Thế vận hội Olympic Tokyo 2020.
Tại quốc gia đăng cai, Nhật Bản đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng ngay sau khi Chính phủ phê duyệt vaccine Pfizer-BioNTech. Đối tượng đầu tiên là nhân viên y tế đang nỗ lực hết mình trên tuyến đầu nhằm chống lại COVID-19. Đây cũng là thời điểm chỉ hơn năm tháng trước khi Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020 chính thức diễn ra. Tuy nhiên theo kế hoạch, Nhật Bản cũng sẽ tiêm chủng cho 40.000 nhân viên y tế trước khi tiến hành tiêm chủng rộng rãi hơn tới các đối tượng khác bao gồm những người có bệnh nền, những người đang làm việc tại các nhà chăm sóc. Các đối tượng được tiêm vaccine tiếp theo chưa được Chính phủ Nhật Bản công bố.
Như vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra rất phức tạp trên thế giới, nhiều quốc gia vẫn dành ưu tiên đáng kể cho Thế vận hội Olympic và Paralympic - sự kiện thể thao quan trọng đã từng bị lùi thời điểm thi đấu lại 1 năm.
Theo Minh Tuệ/Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin