Nam Phi và IAAF tranh cãi mức trần testosterone với nữ VĐV điền kinh

09:05, 05/05/2019

Tòa án Trọng tài thể thao bác đơn kiện của nữ vận động viên điền kinh Nam Phi Caster Semenya về mức trần estosterone với nữ vận động viên điền kinh của Liên đoàn điền kinh quốc tế.

Tòa án Trọng tài thể thao bác đơn kiện của nữ vận động viên điền kinh Nam Phi Caster Semenya về mức trần estosterone với nữ vận động viên điền kinh của Liên đoàn điền kinh quốc tế.

Nữ vận động viên Nam Phi Caster Semenya. (Nguồn: AFP)
Nữ vận động viên Nam Phi Caster Semenya. (Nguồn: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Tòa án Trọng tài thể thao (CAS) đã bác đơn kiện của nữ vận động viên điền kinh Nam Phi Caster Semenya - từng vô địch thế giới năm 2009 và năm 2017, vô địch Olympic 2012 và 2016 ở nội dung 800m nữ - và Hiệp hội điền kinh Nam Phi (ASA) về Bộ quy định hợp chuẩn công nhận nữ giới trong điền kinh liên quan sự khác biệt trong phát triển giới tính (DSD) của Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF).

Quyết định công bố ngày 1/5 vừa qua của CAS nêu rõ: “Theo đa số, Hội đồng xét xử CAS bác bỏ các các yêu cầu phân xử (của Caster Semenya và ASA) sau khi cân nhắc cho thấy các nguyên đơn không thể cung cấp chứng cứ cần thiết để chứng minh Bộ quy định DSD là không có căn cứ."

Mặc dù Hội đồng xét xử nhận thấy Bộ quy định DSD là phân biệt đối xử, nhưng đa số thành viên hội đồng đánh giá trên cơ sở bằng chứng được các bên đệ trình, sự phân biệt đối xử đó là một biện pháp cần thiết, hợp lý và tương xứng nhằm đảm bảo tính "nữ giới hoàn toàn" trong điền kinh dành cho nữ giới vốn được IAAF nỗ lực duy trì.

Cả IAAF và CAS đều cho rằng phán quyết liên quan đến Caster Semenya và Bộ quy định DSD là một trong những vấn đề quan trọng nhất mà CAS từng thụ lý giải quyết.

Trước đó, vận động viên điền kinh Caster Semenya và ASA đã đệ đơn yêu cầu CAS ra phán quyết khẳng định Bộ quy định DSD là không có căn cứ và cần lập tức bị bãi bỏ.

Theo Bộ quy định DSD, các nữ vận động viên có lượng testosterone tự nhiên vượt ngưỡng cần phải điều trị trong ít nhất 6 tháng để mức testosterone trong cơ thể không vượt quá mức trần quy định là 5 nmol/L (5 nanomol/1 lít máu) mới đủ điều kiện tham gia thi đấu điền kinh ở cự ly từ 400m đến 1600m trong khuôn khổ của IAAF.

Bộ quy định DSD sẽ có hiệu lực từ ngày 8/5 năm nay và dẫn tới Caster Semenya sẽ không thể tham gia tranh tài vào tháng 9 tới trong các nội dung liên quan do IAAF tổ chức.

Bộ quy định DSD mới của IAAF xác định tiêu chuẩn đối với các nữ VĐV mắc hội chứng hyperandrogen trong tham gia tranh tài ở các hạng mục điền kinh nữ.

Hội chứng hyperandrogen là tình trạng y tế, trong đó mức độ androgen (hormone giới tính “nam” như testosterone) cao hơn mức bình thường trong cơ thể phụ nữ.

IAAF lập luận rằng Caster Semenya nên được phân loại là nữ, nhưng VĐV này là một “nam giới về mặt sinh học.”

IAAF cho rằng các vận động viên nữ có testosterone cao có lợi thế lên tới 9% so với phụ nữ có mức testosterone bình thường.

Caster Semenya và luật sư của cô - công ty luật toàn cầu Norton Rose Fulbright - phản đối lập luận trên, cho rằng đây là vấn đề nữ quyền - những người sinh ra đã là phụ nữ, được nuôi dưỡng và hòa nhập xã hội như phụ nữ, đã và đang được luật pháp thừa nhận là phụ nữ trong suốt cuộc đời, luôn tranh tài trong điền kinh với tư cách là phụ nữ và do đó phải được phép thi đấu ở hạng mục nữ mà không chịu bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.

Bộ trưởng Thể thao và giải trí Nam Phi Tokozile Xasa cùng rất nhiều người dân ở "Đất nước Cầu Vồng" đã bày tỏ sự thất vọng về quyết định của CAS cũng như quy định của IAAF.

Bộ trưởng Xasa khẳng định: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu bản án, cân nhắc và sẽ đưa ra các bước tiếp theo. Chính phủ Nam Phi cho rằng những quy định này (của DSD) chà đạp lên quyền con người và phẩm giá của Caster Semenya, cũng như của các nữ vận động viên khác.

Chúng tôi sẽ đưa ra ý kiến chi tiết sau khi nghiên cứu bản án đầy đủ”.

Bộ trưởng Xasa đề nghị ASA, với tư cách là thành viên của IAAF, đưa vấn đề này lên Đại hội đồng các thành viên của IAAF và tiếp tục vận động các hiệp hội điền kinh quốc gia thành viên của IAAF phản đối Bộ quy định DSD./.

Theo Đình Lượng (TTXVN/Vietnam+)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh