Đúng vào thời điểm đếm ngược 1 năm nữa là giải đua xe công thức 1 Hà Nội Grand Prix chính thức tranh tài, một sự kiện đã được tổ chức để trải nghiệm cảm giác ngắm nhìn những chiếc xe đua "khủng", nghe tiếng rít ầm ầm của động cơ như một sự chuẩn bị tâm lý cho người Hà Nội đón cuộc đua tầm quốc tế.
Đúng vào thời điểm đếm ngược 1 năm nữa là giải đua xe công thức 1 Hà Nội Grand Prix chính thức tranh tài, một sự kiện đã được tổ chức để trải nghiệm cảm giác ngắm nhìn những chiếc xe đua “khủng”, nghe tiếng rít ầm ầm của động cơ như một sự chuẩn bị tâm lý cho người Hà Nội đón cuộc đua tầm quốc tế.
Một đường đua hoàn hảo
Đến Việt Nam những ngày tháng 4 trong chuyến đi kiểm tra tiến độ của việc xây dựng đường đua F1, ông Chase Carey - Giám đốc điều hành Tập đoàn đua xe công thức 1 (F1), tin tưởng đường đua F1 Việt Nam được hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo cho mùa giải F1 Việt Nam được khởi tranh vào tháng 4/2020.
Cận cảnh chiếc siêu xe F1 được trưng bày ngay cổng khu di tích Hoàng Thành Thăng Long giới thiệu tới người hâm mộ yêu thích môn thể thao tốc độ cao sẽ xuất hiện tại Việt Nam vào đầu năm 2020. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN |
"Tôi có ấn tượng lớn về tiến độ thi công đường đua. Nhất là sau khi trực tiếp đến kiểm tra thực địa của việc xây dựng đường đua. Tôi tin mọi việc rất hoàn hảo vì đường đua sẽ hoàn thành đúng tiến độ", ông Chase Carey khẳng định.
Khu tổ hợp thi đấu đua xe F1 đặt tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, có tổng diện tích hơn 8 ha với sức chứa lên tới 112.000 khách tham quan.
Trong đó, khu tổ hợp Pit (dành cho các đội đua và khách hạng Paddock - khách VIP) nằm sát vạch xuất phát trên đường đua, dài 300 m với cấu trúc 3 tầng.
Tầng 1 bao gồm 36 khoang phục vụ các đội đua, 4 khoang dành cho Tập đoàn F1 và Liên đoàn Đua xe thể thao thế giới (FIA). Hai tầng trên phục vụ khoảng 3.000 khách.
Thiết kế khu nhà Pit sẽ là dấu ấn của văn hóa Việt khi được lấy cảm hứng từ Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, kiến trúc mặt ngoài là sự kết hợp hòa quyện giữa mặt kính hiện đại và kết cấu thép mô phỏng cây tre truyền thống của Việt Nam.
Riêng các công trình khán đài di động được tính toán và thiết kế bố trí dọc theo đường đua, đặc biệt tại những đoạn cua là nơi có những pha rượt đuổi đầy kịch tính, bảo đảm khai thác hiệu quả tầm nhìn để khán giả có thể thưởng thức trọn vẹn diễn biến trên đường đua.
Theo đó, đường đua F1 tại Hà Nội sẽ có cấu trúc 1/2 là đường giao thông đô thị, phần còn lại là đường thiết kế dành riêng để phục vụ giải. Khi được đưa vào hệ thống Giải đua xe F1 vô địch thế giới năm 2020, đường đua Hà Nội Grand Prix là đường thứ 3 chạy trên đường phố.
Đường đua với 22 khúc cua lấy cảm hứng từ những đường đua nổi tiếng trên thế giới như đoạn xuất phát của Nurburging (Đức), góc cua chữ S của đường đua Suzuka (Nhật Bản) cho đến những góc cua mang đậm chất đường phố ở Monaco (Pháp).
Không chỉ đặc biệt với những khúc cua, đoạn đường thẳng dài tới 1.500m biến Hà Nội Grand Prix là trường đua có đoạn thẳng dài nhất thế giới, có thể giúp các tay đua đạt tới tốc độ 335 km/h...
Như vậy, F1 Hà Nội sẽ là nơi duy nhất cho phép các tay đua vừa phô diễn tốc độ trên đoạn đường thẳng chạy dài như trong đường đua chuyên nghiệp, vừa thể hiện kỹ năng siêu việt tại các góc cua lắt léo đặc trưng của một đường đua trong phố, tạo nên một trong những chặng đua kịch tính và thách thức nhất.
Dĩ nhiên, đường đua 1 Hà Nội phải bảo đảm nghiêm ngặt nhất các tiêu chí kỹ thuật - an toàn khắt khe với các thiết bị, vật liệu cao cấp trong nước và quốc tế theo đúng quy chuẩn của FIA. Phục vụ đường đua là các hạng mục hỗ trợ như: Trung tâm điều hành; đường thay lốp; khu vực điều khiển; khu vực hỗ trợ đường đua; các khu vực tổ chức sự kiện...
Chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi khởi công đường đua F1 tại Mỹ Đình từ tháng 3/2019, nhưng Hà Nội đã nỗ lực xây dựng trường đua và đạt thành quả đáng tự hào.
Qua kiểm tra thực địa, phía Tập đoàn F1 nhận xét công tác xây dựng đang được kiểm soát tốt, đạt tiến độ chuẩn bị. Tập đoàn F1 cũng thông báo việc vận chuyển các phương tiện đua cần thiết sang Việt Nam cũng sẽ không quá khó khăn do cơ sở vật chất tại Hà Nội đã có nhiều cải thiện.
Trước mắt, Hà Nội còn phải khẩn trương hoàn tất một số thủ tục khác, trong đó có việc thành lập cơ quan quản lý thể thao tốc độ quốc gia (ASN) bởi theo quy định của giải F1, nếu Việt Nam không có cơ quan này, có thể sẽ bị tước quyền đăng cai.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chia sẻ, sau khi Hà Nội hoàn tất đề án thành lập công ty chuyên môn quản lí toàn bộ các giải đua ôtô và môtô, cơ quan này sẽ được FIA chính thức công nhận tại Đại hội đồng FIA tổ chức vào tháng 12/2019.
Hà Nội - Điểm đến của thể thao thế giới
Chặng đua F1 Hà Nội - Việt Nam Grand Prix 2020 sẽ được tổ chức vào tháng 4/2020, giúp Việt Nam trở thành 1 trong 22 địa điểm tổ chức giải đua F1 thế giới.
Đường đua tại Hà Nội sẽ là cơ hội phát triển thể thao của Việt Nam. Đồng thời, Hà Nội cũng cần làm tốt công tác tổ chức, truyền thông, gắn kết mọi người để sự kiện không chỉ là giải đua F1 đơn thuần mà còn là dịp để xây dựng hình ảnh cho thành phố Hà Nội cũng như Việt Nam.
Một công trình hiện đại sẽ xuất hiện giữa vẻ cổ kính, kết hợp với yếu tố lịch sử, văn hoá của Hà Nội góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa, du lịch của Hà Nội - Việt Nam ra thế giới, tạo tiền đề thu hút giới đầu tư, công nghệ... cũng như những sự kiện quốc tế quan trọng.
Ông Chase Carey tin tưởng đường đua F1 tại Hà Nội sẽ trở thành cú hích, đưa hình ảnh quảng bá Việt Nam ra thế giới: "F1 muốn là cầu nối Việt Nam với thế giới" ông Chase Carey nói, "F1 có sức hút mãnh liệt đối với người hâm mộ toàn thế giới.
Vì vậy, mỗi khi F1 được tổ chức ở đâu, chúng tôi đều có những nghiên cứu độc lập về tác động của giải đối với thành phố, quốc gia đó.
Tôi tin rằng F1 có thể góp phần làm tăng lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội, các nhà hàng, khách sạn sẽ làm ăn tốt hơn và việc quảng bá cho Việt Nam không gì hiệu quả hơn việc thông qua cuộc đua F1. Giá trị mà F1 tạo ra là rất lớn nên chúng tôi chắc chắn đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và quảng bá cho Việt Nam".
Trong chuyến làm việc với phía Việt Nam vào tháng 3 vừa qua, Chủ tịch FIA Jean Todt nhấn mạnh rằng việc đăng cai Giải đua ô tô công thức 1 sẽ đem lại hiệu quả tuyệt vời về kinh tế, kích thích sự phát triển của du lịch.
“Các bạn hãy nhìn vào thực tế của Singapore, Malaysia - những quốc gia đã từng đăng cai F1, sẽ thấy hiệu quả tuyệt vời của F1 đối với sự phát triển du lịch. Hà Nội chắc chắn sẽ thu hút được rất nhiều khách quốc tế khi tổ chức F1”.
Với Hà Nội, việc tạo điều kiện tốt nhất cho cuộc đua như tạo điều kiện về thủ tục hải quan trong vận chuyển thiết bị của các đội đua, miễn thị thực cho người hâm mộ một số quốc gia sang xem thi đấu… để khán giả đến với giải đua một cách thuận lợi nhất cũng cần được tính toán thực hiện.
Bên cạnh đó, tận dụng đường đua sẵn có, Hà Nội sẽ xem xét tổ chức các giải đua môtô cũng như các giải đua khác trong tương lai. Honda Việt Nam đã hé lộ việc tổ chức một chặng đua thể thức 150cc tại Hà Nội nhưng thời gian và địa điểm vẫn chưa được tiết lộ cụ thể.
Từ kinh nghiệm quốc tế, phía F1 cho rằng việc tạo được sự thu hút sự hào hứng của nhiều lứa tuổi khác nhau từ thành thị đến đồng quê là yếu tố quyết định cho sự thành công của giải đua.
Theo ông Chase Carey, nghiên cứu độc lập về tác động của giải đua với những địa điểm tổ chức của Tập đoàn F1 cho thấy, việc tổ chức F1 đảm bảo số lượng du khách gia tăng, tạo cơ hội cho dịch vụ nhà hàng khách sạn, cũng như quảng bá cho hình ảnh của Việt Nam.
Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành “điểm nóng”, điểm đến của nhiều du khách trên thế giới. Nhìn chung, sự kiện này sẽ giúp đất nước của các bạn thúc đẩy thị trường du lịch, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, quảng bá hình ảnh.
Đường đua F1 Hà Nội được xây dựng trên tổng diện tích 8 ha tại khu vực Mỹ Đình và một phần trên đường giao thông công cộng hiện tại. Đường đua F1 Hà Nội có chiều dài 5,565km, gồm 22 góc cua kinh điển do Công ty Tilke (Đức) thiết kế. Dự kiến đường đua F1 Hà Nội hoàn thành vào tháng 3/2020 để trở thành nơi tranh tài của các tay đua hàng đầu vào tháng 4/2020. |
Theo Minh Đăng/Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin