Kỳ vọng đi liền với gánh nặng trọng trách, huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo phải dẫn dắt U.23 và đội tuyển quốc gia trong cùng một thời điểm để chuẩn bị cho vòng loại Wolrd Cup lẫn mục tiêu Vàng SEA Games 2019.
Kỳ vọng đi liền với gánh nặng trọng trách, huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo phải dẫn dắt U.23 và đội tuyển quốc gia trong cùng một thời điểm để chuẩn bị cho vòng loại Wolrd Cup lẫn mục tiêu Vàng SEA Games 2019.
HLV Park Hang-seo đang chuẩn bị cho kế hoạch “2 trong 1”. Ảnh: M.H |
Từ bài học Miura
Hồi tháng 5.2015, HLV Miura từng phải đảm nhận việc vừa phải dẫn dắt U.23 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 28, vừa dẫn dắt ĐT Việt Nam chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2018. Ông thầy người Nhật Bản đã phải “phân thân” vì 2 nhiệm vụ quan trọng.
Thế nên, đấy cũng là thời điểm mà giới truyền thông cũng phải chạy đua cùng ông Miura. Trong quãng thời gian đó, người ta luôn bắt gặp hình ảnh ông Miura sáng thì ở sân tập cùng U.23 Việt Nam tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, chiều lại chạy sang sân tập phụ Mỹ Đình cùng ĐTQG. Và nhiều người thấy ông Miura già đi rõ so với ngày đầu đến Việt Nam làm việc.
Đó cũng là năm mà nước chủ nhà SEA Games 28 là Singapore đã tổ chức giải vào mùa hè thay vì mùa đông như các kỳ trước, trong khi ĐT Việt Nam lại ra quân trận đầu tiên ở vòng loại World Cup 2018 gặp Thái Lan.
Ngày xuất quân, HLV Miura đã để các trợ lý dẫn các cầu thủ U.23 Việt Nam sang Singpore đóng quân, còn ông dẫn ĐT Việt Nam hành quân sang Thái Lan để đá trận mở màn vòng loại World Cup.
Có nhiều thời điểm ông Miura có dấu hiệu quá tải. Có một điểm đáng chú ý là nhiều cầu thủ trong đội hình U.23 cũng được ông gọi sang ĐTQG trong quá trình chuẩn bị khiến cho việc lĩnh hội các bài tập trong trạng thái “tẩu hoả, nhập ma”.
Và cũng để thuận lợi cho việc thử nghiệm, ông Miura cũng để 2 đội U.23 và ĐTQG đá tập với nhau bên cạnh những trận giao hữu quốc tế.
Kết quả của quá trình “phân thân” ấy là ông Miura không thể có được kết quả tốt ở cả 2 giải đấu. Vòng loại World Cup, chúng ta thua Thái Lan và tại SEA Games 28, U.23 Việt Nam cũng chỉ giành được tấm Huy chương Đồng không mấy giá trị.
Nguyên nhân được chỉ ra nhiều, nhưng một phần trong đó chính là việc ông thầy người Nhật không có được sự tập trung tối đa các nguồn lực.
So sánh với Thái Lan, họ cử HLV Kiatisak dẫn dắt ĐTQG sau đó đã xuất sắc đứng đầu bảng vòng loại thứ 2, còn HLV Choktawee đã cùng U.23 Thái Lan giành Huy chương Vàng SEA Games 28. Người Thái đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với 2 ê kíp Ban huấn luyện khác nhau, có lộ trình và kế hoạch cụ thể cho 2 giải đấu khác nhau.
Bài toán với thầy Park
HLV Park Hang-seo cũng chuẩn bị rơi vào hoàn cảnh tương tự người tiền nhiệm cách đây 4 năm. Vào tháng 11 tới, ông Park sẽ phải dẫn cả U.22 Việt Nam dự SEA Games 2019 và ĐTQG đá vòng loại World Cup 2022.
Đó là lý do ngay từ đầu ông Park chỉ xin nhận nhiệm vụ dẫn dắt ĐT Việt Nam còn để trợ lý Lee Young-jin dự SEA Games 2019.
Tuy nhiên, sau khi làm việc với lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT và VFF, ông Park nhận thấy tầm quan trọng của SEA Games với bóng đá Việt Nam nên đã chấp nhận “phân thân”.
Vấn đề được ông Park yêu cầu chính là 2 đội tuyển sẽ được xây dựng 2 Ban huấn luyện trong cùng một thời điểm. Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu VFF phải tạo điều kiện để ông có được ít nhất 5 tuần chuẩn bị cho mỗi giải đấu. Điều này đã khiến V.League buộc phải thay đổi lịch thi đấu vì xứ mệnh với ĐTQG.
Hơn một lần, ông Park nhấn mạnh việc ông cần đúng và đủ số thời gian 5 tuần để dành cho việc tập luyện. Điều này được rút ra căn cứ vào chính các giải chuyên nghiệp quốc gia và đặc thù của môi trường bóng đá Việt Nam, bên cạnh việc nhiều học trò của ông khi trở về V.League không thường xuyên được thi đấu.
Điều này khác với cầu thủ nước ngoài, đến từ các nền bóng đá phát triển, họ chỉ cần hội quân trong 3-4 ngày là có thể hoà nhập và thi đấu tốt.
Một bản danh sách tập trung cùng lúc 2 độ tuyển có thể lên đến 70 cầu thủ và thực sự sẽ là khối công việc khổng lồ mà ông Park cùng đội ngũ trợ lý sẽ phải đối diện.
Điều may mắn là cả U.22 và ĐTQG sẽ cùng được xây dựng theo một triết lý bóng đá chung của ông Park và nhiều cầu thủ ở độ tuổi U.22 sẽ góp mặt trong cả 2 đội hình.
Đây cũng là vấn đề mà VFF cần tính đến để xây dựng một hệ thống đồng bộ, định hình một phong cách từ cả những tuyến trẻ.
Điều này đã từng giúp bóng đá Thái Lan thành công trong những năm qua, thế nên dù các ĐTQG của họ khi được dẫn dắt với Huấn luyện viên nào thì vẫn trung thành với triết lý bóng đá đã được xây dựng từ nền móng.
Mới đây, khi U.18 Việt Nam tập trung, HLV Hoàng Anh Tuấn cũng đã nhấn mạnh rằng: “Các cầu thủ lứa U.18 vẫn trong quá trình đào tạo.
Vì thế, tôi cùng Ban huấn luyện sẽ cho các em thử sức với nhiều cách chơi, sơ đồ chiến thuật khác nhau. Tuy vậy, cách chơi của ĐTQG và U.23 Việt Nam đang áp dụng sẽ vẫn là chủ đạo, và chúng tôi dựa trên lối chơi đó để định hướng cho các em.
Mọi người đều biết 2 đội tuyển lớn đang thành công với lối chơi phối hợp kỹ thuật và triển khai bóng nhanh. Chiến thuật đó hợp lý và U.18 Việt Nam sẽ đi theo con đường này. Chúng tôi hy vọng từ đó các cầu thủ có sự chuẩn bị tốt và có thể thi đấu cho U.23 Việt Nam cũng như ĐTQG sau này”.
Hy vọng rằng, trong tương lai, khi bóng đá Việt Nam đã định hình được rõ ràng một triết lý, dù ông Park có chọn một trong 2 mục tiêu thì chúng ta vẫn tự tin về chiến thắng. Để làm được điều đó, bóng đá Việt Nam cần thay đổi và xây dựng được một giải đấu chuyên nghiệp thật sự trước khi nghĩ đến việc định hình một hệ thống đồng bộ với các ĐTQG.
U.23 Việt Nam sẽ dự SEA Games 30 tại Philippines vào cuối tháng 11.2019. Với ĐT Việt Nam, vòng loại thứ nhất World Cup 2022 sẽ diễn ra vào các ngày 5 và 10.9, 10 và 15.10, 14 và 19.11. 4 lượt đấu còn lại vào tháng 3 và 6 của năm 2020
Theo LĐO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin