Italy - Đức: Chung kết sớm của Euro 2016

06:07, 02/07/2016

Chưa từng thắng Italy ở giải đấu lớn, nhưng Đức đang có cơ hội viết lại lịch sử khi chạm trán ở tứ kết hôm nay. 

Chưa từng thắng Italy ở giải đấu lớn, nhưng Đức đang có cơ hội viết lại lịch sử khi chạm trán ở tứ kết hôm nay. 

28/6/2012 Italy đối đầu Đức ở bán kết Euro. Lúc ấy, Đức là ứng cử viên số một cho ngôi vô địch. Còn Italy thì mang đến giải đội hình được đánh giá là tệ nhất trong 20 năm gần nhất họ dự các giải đấu lớn.

Vậy mà màu thiên thanh ấy, với ma thuật từ đôi chân của Andrea Pirlo, cứ lầm lũi đi đến bán kết, gặp Đức rồi chiến thắng 2-1.

Sau bốn năm, lệch chỉ bốn ngày, đội hình của Italy thậm chí còn tệ hơn. Pirlo không đến Pháp và Mario Balotelli cũng vắng mặt để tạo ra sự bùng nổ.

Nhưng thầy trò HLV Antonio Conte vẫn khiến tất cả phải kính phục khi lần lượt hạ gục từ đối thủ này đến đối thủ khác bằng một lối chơi khoa học. Và hôm nay, họ gặp lại Đức - đội bóng số một hành tinh hiện tại, khát khao đánh bại Italy sau 54 năm chỉ toàn hòa và thua.

Thua Italy ở bán kết Euro 2012 là một niềm đau cho các tài năng của bóng đá Đức.
Thua Italy ở bán kết Euro 2012 là một niềm đau cho các tài năng của bóng đá Đức.

Bốn năm trước, Cesare Prandelli đã thắng Joachim Low bằng một chiến thuật đặc biệt: "chim mồi" ở hàng tiền vệ.

Chứng kiến Pirlo toả sáng trước Anh ở tứ kết, Đức xác định đây là mục tiêu cần loại bỏ để thắng Italy, và họ đã tập trung những Mesut Ozil, Toni Kross và Podolski gây sức ép lên Pirlo. Prandelli thì tận dụng Pirlo hút sự chú ý của đối phương ở trung tâm, và âm thầm cho Italy tập kích từ hướng khác, với Riccardo Montolivo.

Tiền vệ khi ấy còn đá cho Fiorentina đã có khoảng trống cần thiết, thoải mái tung hai đường chuyền quyết định lên trên cho bộ đôi Cassano - Balotelli hạ Manuel Neuer. Italy đã thắng trận cầu giàu cảm xúc nhất giải.

Bây giờ, không có một Pirlo xuất chúng năm nào để người Đức phải dồn quân số tấn công vào nữa, do đó cũng không có một cánh quân bất ngờ mang tên Montolivo để tập hậu Neuer như ngày nào. Azzurri lúc này của Conte đầy kỷ luật, với tính tập thể được đặt lên hàng đầu.

Một đội hình không có ngôi sao, chỉ có tinh thần và lối đá đậm chất Italy. Bên kia chiến tuyến, Low đã không còn một màu như bốn năm trước, khi ông sở hữu một đội quân nhịp nhàng với chiến thuật linh động tùy tình huống trên sân.

Từ đầu giải đến nay, mỗi trận đấu của Đức, là một màn trình diễn khác biệt. Họ đá vừa đủ trước Ukraine, nhún xuống ở trận gặp Ba Lan, và dù có phần vô duyên trong khâu dứt điểm, vẫn gây sóng gió cho Bắc Ireland.

Mãi đến trận đấu với Slovakia, họ mới phô diễn sức mạnh. Vậy điều gì đã tạo nên Đức của hôm nay? Câu trả lời chính là Pep Guardiola ở Bayenr Munich.

Đức giờ tự tin, và biến ảo hơn nhiều so với chính họ cách đây bốn năm. Ảnh: Reuters.
Đức giờ tự tin, và biến ảo hơn nhiều so với chính họ cách đây bốn năm. Ảnh: Reuters.

Nếu Jurgen Klinsmann là kiến trúc sư cho cách mạng bóng đá Đức sau thất bại ở Euro 2004, đưa kiểu bóng đá được lập trình ấy lên đến đỉnh cao tại World Cup 2010, thì sự xuất hiện của Guardiola tại Bayern gián tiếp tặng cho Low nhiều phương án tiếp cận cầu môn, qua đó biến Die Mannschaft trở nên khó lường và đáng sợ hơn.

Không thể nói Guardiola thành công tại Bayern, nhưng thử nghiệm của ông đã giúp hoàn thiện hơn sơ đồ lập trình bóng đá của người Đức. Đấy sẽ là cái thú vị mà người Đức dành cho người Italy sau hơn một nửa thế kỷ chỉ biết hòa và thua.

54 năm qua, để miêu tả rõ về thất bại của Đức trước Italy, bên cạnh cái gọi là “khắc tinh”, thì vấn đề còn là tư duy.

Đức và Italy đều là hai cường quốc bóng đá tôn sùng kỷ luật. Đấy là một trong những lý do mà đa số người hâm mộ bóng đá trước đây thường thích hai đội bóng này đồng thời.

Nhưng nếu Đức kỷ luật một cách máy móc, thì Italy kỷ luật một cách ranh mãnh. Sự ranh mãnh đó, cộng thêm một chút số phận, đã đem chiến thắng đến cho đất nước hình chiếc ủng. Chẳng hạn bốn năm trước, bóng đá được lập trình của Đức không thể ngờ đến “quân bài” Montolivo.

Nhưng còn bây giờ, Đức lại thể hiện bản thân như một con tắc kè biến đổi màu sắc. Đối đầu với một đối thủ vừa có sức mạnh lại khó lường như thế, rõ ràng là thuốc thử hạng nặng cho thầy trò Conte.

Còn vũ khí của Italy là gì? Kỷ luật, thực dụng, khoa học, phản công? Đúng, nhưng không phải là mấu chốt. Bốn điều trên chỉ là bản sắc của người Italy suốt thế kỷ qua được Conte đem lên đến đỉnh cao tại Euro lần này.

Điều đặc biệt nhất của “Squadra Azzurra” mùa hè trên nước Pháp là tính gắn kết. Hãy đặt 11 cầu thủ của Đức và 11 cầu thủ của Italy bên cạnh nhau, cùng vị trí.

Chúng ta sẽ thấy, xét về mỗi cá nhân riêng biệt, Đức là kẻ chiến thắng. Nhưng khi đặt tập thể Italy cạnh tập thể Đức, bạn có còn dám chắc cái chiến thắng đó cho Đức? Câu trả lời là không. Và đấy là sức mạnh của Italy.

Italy tiến sâu tại Euro 2012 dù không được đánh giá cao là nhờ sự gắn kết. Ảnh:Reuters.
Italy tiến sâu tại Euro 2012 dù không được đánh giá cao là nhờ sự gắn kết. Ảnh:Reuters.

Italy gặp Đức, thế giới sẽ ngừng lại để chứng kiến họ so tài. Hãy yêu đi, và hãy tận hưởng. Tại nơi đây, sự hưng phấn, niềm hạnh phúc và cả giọt nước mắt sẽ song hành trong 90 phút hoặc có thể hơn.

Theo VnExpress

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh