Bài 2: Trận đấu rưng rưng nước mắt nối hai miền Nam-Bắc

08:05, 03/05/2016

Đó là trận đấu đầu tiên trên sân Thống Nhất. Loa phóng thanh đang phát bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng." Giây phút trọng tài Hồ Thiệu Quang chuẩn bị thổi còi bắt đầu trận đấu, cả ngàn người đã khóc.

 

Ông Mai Đức Chung (phải) và Phạm Huỳnh Tam Lang - hai nhân chứng lịch sử của trận đấu Nam Bắc sum họp. (Ảnh: Báo Đồng Nai)
Ông Mai Đức Chung (phải) và Phạm Huỳnh Tam Lang - hai nhân chứng lịch sử của trận đấu Nam Bắc sum họp. (Ảnh: Báo Đồng Nai)


Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ ngày hai miền Nam Bắc sum vầy, bóng đá Việt Nam đã chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ. Điểm bắt đầu của hành trình ấy là hai trận cầu lịch sử nối liền hai miền đất nước ngày 2/9/1975 và ngày 7/11/1976.

Nhân kỷ niệm 41 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng độc giả hồi tưởng lại những khoảnh khắc lịch sử ấy.

Trận đấu lịch sử nối hai miền Nam - Bắc

Đúng 19 giờ 30 phút ngày 7/11/1976, 22 cầu thủ hai đội bước ra sân trong tiếng cổ vũ từ 25.000 người hâm mộ. Đó là trận đấu đầu tiên trên sân Thống Nhất. Loa phóng thanh đang phát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.” Giây phút trọng tài Hồ Thiệu Quang chuẩn bị thổi còi bắt đầu trận đấu, cả ngàn người đã khóc.

Đó là trận đấu lịch sử giữa Tổng cục đường sắt và Cảng Sài Gòn, là trận đấu đầu tiên giữa hai đội tuyển đại diện cho hai miền Nam Bắc sau ngày Giải phóng, là 90 phút đầu tiên trên sân vận động mới đổi tên Thống Nhất. Đó là lần đầu tiên, bóng đá hai miền Nam Bắc sum họp dưới vòm trời của Thành phố mang tên Người.

25.000 khán giả ngồi chật kín khán đài. Hàng nghìn người khác có vé mà không vào được. Họ nín thở theo dõi từng nhịp đập của trận đấu qua radio. Với người Sài Gòn, đội bóng miền Bắc vẫn là một điều gì đó kỳ lạ. Trên báo chí tuyên truyền của Mỹ và Ngụy giai đoạn trước đó, người miền Bắc đều nhỏ bé như khỉ, đen đúa và có đuôi. Khán giả đã ồ lên ngỡ ngàng, ngạc nhiên khi Tổng cục đường sắt bước ra sân trắng trẻo, đẹp trai, đầy khí thế như một đội bóng "Tây."

Ở chiều ngược, những cầu thủ miền Bắc cũng vô cùng xúc động. Huấn luyện viên Trần Duy Long kể lại: “Được cấp trên giao nhiệm vụ lĩnh ấn tiên phong vào miền Nam thi đấu bóng đá sau ngày giải phóng đất nước, anh em nôn lắm. Chúng tôi hay tin ấy từ khi còn tập huấn bên Trung Quốc. Đi đá nước ngoài, anh em không ai bị tâm lý thế cả, mà từ ngày được giao nhiệm vụ chuẩn bị vào Nam, ai cũng trạng thái và bồn chồn vì niềm vinh dự trong trận cầu lịch sử ấy lớn quá. Dày dạn thế mà khi dẫn nhau ra sân ai cũng mắt đỏ hoe vì cảm động. Tôi tin rằng đến nay vẫn không ai quên được giây phút lịch sử ấy...”

Vào trận, Cảng Sài Gòn tung vào sân đội hình với sơ đồ 4-2-4 với những Lưu Kim Hoàng, Phạm Huỳnh Tam Lang, Cù Sinh, Tư Lê. Tổng cục Đường sắt tung Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, Hoàng Gia, Trường Sinh.

Trận đấu kết thúc với thắng lợi 2-0 cho Tổng cục Đường sắt với các bàn thắng của Lê Thụy Hải và Mai Đức Chung. Hình ảnh đẹp nhất trận là khi cầu thủ hai đội ôm chầm lấy nhau sau tiếng còi chấm dứt trận đấu.

Cho tới tận bây giờ, khi đã là huấn luyện viên trưởng tuyển nữ Việt Nam, nhà vô địch V-League, ông Mai Đức Chung vẫn không quên được kỷ niệm xưa: “Cả chúng tôi lẫn khán giả chẳng ai quan tâm đến bàn thắng và đội Cảng Sài Gòn cũng chẳng ai buồn với thất bại vì hôm ấy là một ngày hội thực sự trên sân Thống Nhất mà chỉ việc có mặt trong không khí của trận cầu lịch sử ấy đã là người chiến thắng rồi.

Anh em chúng tôi hôm ấy nhiều người đã khóc lúc ra sân khi nghĩ đến biết bao người đã nằm xuống để có một trận bóng lịch sử giữa hai miền tại một ngày đất nước thống nhất...”

Hai trận cầu ấy chính là những trang viết đầu tiên về một nền bóng đá Việt Nam độc lập và thống nhất.

Theo VIETNAM+

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh