Nỗi lo chất lượng trọng tài ở Vĩnh Long

10:04, 10/04/2014

Công tác trọng tài đã trở thành nỗi lo của nhiều đội bóng, bởi các vị trọng tài điều hành còn sai sót về chuyên môn, chưa an hiểm Luật Bóng đá.

Công tác trọng tài đã trở thành nỗi lo của nhiều đội bóng, bởi các vị trọng tài điều hành còn sai sót về chuyên môn, chưa an hiểm Luật Bóng đá.

Thời gian gần đây, ngày một nhiều sân bóng đá cỏ nhân tạo (CNT) ở tỉnh Vĩnh Long ra đời là điều kiện tốt cho các đội bóng có điều kiện tập luyện, đáp ứng nhu cầu vui chơi thể thao của nhân dân. Các giải đấu ở cơ sở, đơn vị ngành, địa phương diễn ra liên tục qua các giải trẻ, rồi Hội khỏe Phù Đổng,...

Tuy nhiên, công tác trọng tài đã trở thành nỗi lo của nhiều đội bóng, bởi các vị trọng tài điều hành còn sai sót về chuyên môn, chưa an hiểm Luật Bóng đá.

Tính đến nay, số sân bóng đá CNT tại các địa phương trong tỉnh lên đến cả trăm, nhiều nhất là ở TP Vĩnh Long. Bất kỳ ông chủ sân nào cũng muốn tại sân mình có được những trọng tài chất lượng. Nhưng tiền bồi dưỡng được tính khi điều khiển mỗi trận đấu chỉ 20.000- 30.000đ.

Đa số các trọng tài là lực lượng cầu thủ đã qua thi đấu hay một số cầu thủ trẻ đến với nghề trọng tài chủ yếu để có việc làm.

Với tình hình “cầu vượt cung” như hiện nay, số trọng tài hầu hết chưa qua trường lớp, thậm chí chỉ biết thổi còi trên sân, còn về Luật Bóng đá thì còn mù mờ.

Trọng tài đang làm nhiệm vụ lại nghe điện thoại.

Song, khi vào trận đấu, những lỗi phạt hay xử lý thế nào vẫn là tùy thuộc vào sự “nhạy cảm” của trọng tài. Trong khi một số điều của Luật Bóng đá có quy định rất rõ: Phạt trực tiếp (bóng được đá thẳng vào cầu môn không cần chạm qua bất kỳ cầu thủ nào khác), thế nào là phạt gián tiếp (bóng phải được chuyền cho một cầu thủ đồng đội hay chạm vào một cầu thủ khác, bóng vào cầu môn mới được tính).

Trong bóng đá 5 người: Mỗi đội bóng được xin hội ý 1 lần/hiệp, nhưng phải là thời điểm bóng chết và đội bóng đó được hưởng đá phạt hay đá biên, phát bóng lên; quả đá biên- bóng được đặt trong đường biên (vạch vôi) là 20cm hay ra ngoài 50cm.

Hàng rào của cầu thủ đối phương cách bóng đối với quả đá phạt là 5m (kể cả đá phạt góc, đá biên); nếu có cầu thủ đối phương phạm lỗi, nhưng đội bóng đá hưởng lợi thế, thì trọng tài cho phép hưởng lợi thế và sau khi bóng chết, báo hiệu cộng thêm 1 lỗi phạt cho đội bóng vừa phạm lỗi với phép lợi thế;...

Những lỗi xử lý mà các trọng tài điều khiển không tốt, không đúng như Luật Bóng đá quy định, đã gây ức chế không chỉ cho cầu thủ các đội thi đấu mà còn cho cả cổ động viên. Những trận đấu gần đây diễn ra ở tỉnh ta như Hội khoẻ Phù Đổng tỉnh, Giải bóng đá Cup Hùng Vương TP Vĩnh Long,... cũng từng có tranh cãi khi BTC phân công giám sát trực tiếp theo dõi. Nhưng, đáng tiếc là vị giám sát không chuyên về bóng đá nên “bó tay” trước những gì trọng tài xử phạt có đúng hay sai.

Trọng tài Trương Phi.

Hiện nay ở tỉnh ta chỉ có 2 trọng tài đang được VFF công nhận và thường xuyên cử đi làm nhiệm vụ tại một số giải bóng đá trẻ toàn quốc trong thời gian gần đây là: Trương Phi và Trần Minh Tuấn. Còn những trọng tài kỳ cựu đã quá tuổi quy định.

Được biết trong những năm qua, Sở VH, TT và DL tỉnh cùng Trường Năng khiếu TDTT tổ chức một số lớp bồi dưỡng cán bộ nghiệp vụ TDTT, trọng tài, nhưng hầu như chỉ có số cán bộ TDTT của Phòng VH-TT hay giáo viên giáo dục thể chất tham gia.

Thiết nghĩ, bộ môn bóng đá cần có những lớp tập huấn trọng tài bóng đá có trình độ chuyên môn khá, năng lực tốt- phù hợp cho từng địa phương và cấp giấy công nhận cho các trọng tài bóng đá. Qua đó, để các nơi có sự lựa chọn số trọng tài này trong điều hành các giải đấu, nâng tầm cho trình độ bóng đá tại tỉnh nhà nói chung không còn thiếu và yếu như hiện nay.

Bài, ảnh: DƯƠNG THU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh