Đào tạo cầu thủ trẻ - Chọn mô hình nào?

06:10, 28/10/2013

Có một câu chuyện rất đáng suy nghĩ: Trong khi Học viện HA.GL vừa nhận được khoản tài trợ lên đến 20 tỷ đồng/5 năm từ hãng dinh dưỡng Nutifood thì có thông tin cho biết, các cầu thủ nhí của “lò” đào tạo Sông Lam Nghệ An lại phải tự đi mua sữa uống dù trong kho chất đầy sản phẩm của nhà tài trợ, vốn cũng là một công ty sản xuất sữa…

Có một câu chuyện rất đáng suy nghĩ: Trong khi Học viện HA.GL vừa nhận được khoản tài trợ lên đến 20 tỷ đồng/5 năm từ hãng dinh dưỡng Nutifood thì có thông tin cho biết, các cầu thủ nhí của “lò” đào tạo Sông Lam Nghệ An lại phải tự đi mua sữa uống dù trong kho chất đầy sản phẩm của nhà tài trợ, vốn cũng là một công ty sản xuất sữa…

        Vài chục tỷ mỗi năm cho Học viện HA.GL

Nutifood bắt đầu hợp đồng tài trợ của mình không phải là… chuyển tiền cho HA.GL mà là cử đội chuyên gia lên khảo sát toàn bộ chu trình dinh dưỡng của học viện ở Pleiku.

Không khó để thấy, mục tiêu của bầu Đức khi bắt tay với Nutifood không đơn giản là chuyện tiền bạc mà ông đang tiến thêm một bước nữa trong việc hoàn thiện mô hình đào tạo ưu tú nhất hiện nay tại Việt Nam: sau khi dạy các em đá bóng và học văn hóa hết sức căn bản, là đến phần chăm sóc thể trạng cho các cầu thủ chuyên nghiệp trong tương lai, bắt đầu từ chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

 


Công Phượng (số 10) tạo ấn tượng trong màu áo của U-19 Việt Nam

Như vậy, sau khi “hy sinh” gần chục héc-ta rừng cao su để xây dựng cơ sở vật chất, hơn 2 triệu USD trả chi phí đào tạo và bây giờ là 20 tỷ đồng cho chế độ dinh dưỡng, tổng đầu tư cho Học viện HA.GL đã lên đến con số không tưởng tượng nổi (đấy là chưa kể chi phí nhượng quyền mà bầu Đức phải mua lại từ Arsenal). Nó cho thấy, để thực hiện một chu trình đào tạo trẻ bài bản, căn cơ thì chi phí nhiều như thế nào.

So với mức chi phí cho CLB HA.GL hoạt động mỗi năm (khoảng 40 tỷ đồng) thì có vẻ không nhiều nhưng xin nhớ, CLB có nhiều nguồn thu để bù đắp (thậm chí sinh lời) thì số tiền đầu tư cố định cho học viện lại có thể “mất trắng” nếu việc đào tạo không thành công ở “đầu ra”.

        Càng trẻ, càng phải tốn tiền

Trở lại câu chuyện ở “lò” SLNA. Số là nhà tài trợ sữa kia nghĩ đơn giản cứ qui đổi tiền tài trợ thành sản phẩm sữa để nâng cao dinh dưỡng cho các cầu thủ mà không biết chế độ dành cho các cầu thủ trẻ cần một qui trình nghiêm ngặt chứ không đơn thuần là cứ uống sữa thì tự nhiên to, cao. Thế là sữa thì chất đầy kho nhưng đến khi cần uống thì đã gần hết hạn sử dụng, và ngược lại.

 
Lứa tuổi U.15 nếu được đào tạo bài bản, căn cơ sẽ bổ sung nhiều nhân tố tốt cho bóng đá nước nhà. Ảnh: HOÀNG MINH

Nhưng chuyện ở SLNA lại khá phổ biến trong việc đào tạo trẻ tại Việt Nam . Người ta đơn thuần chỉ đi tuyển lựa các em nhỏ có năng khiếu đưa về một nơi rồi dạy đá bóng. Việc học văn hóa hay vấn đề dinh dưỡng chỉ làm cho có. Đấy là lý do mà các cầu thủ trẻ tài năng của Việt Nam đang có xu hướng nhỏ bé dần về thể hình và sự nghiệp thi đấu càng ngắn ngủi.

 

Lý do khá đơn giản: đào tạo trẻ tại các CLB hiện nay chủ yếu là để phục vụ cho đội 1, tức là tìm cách “gặt lúa non” ngay khi có cơ hội. Các cầu thủ đến tuổi 17 - 18 là đã được nhắm đến việc thay thế cho những đàn anh tuyến trên và cứ thế sẽ phải “học thuộc lòng” cách chơi bóng đỉnh cao mà không cần phải hoàn thiện những khâu văn hóa hay dinh dưỡng.

Vì lẽ đó, mức đầu tư dành cho đào tạo trẻ hiện tại chỉ chiếm 1/10 so với tổng chi phí dành cho đội 1 với lý do, CLB chỉ được sử dụng cầu thủ do mình đào tạo đến năm 23 tuổi nên phải triệt để khai thác cũng như tiết kiệm chi phí. Nói cách khác, cách đào tạo đó chỉ phục vụ tại chỗ khiến cho năng lực của cầu thủ không thể phát huy hết.

 

Mô hình đào tạo trẻ lỗi thời ấy vẫn được áp dụng tại các trung tâm như Nghệ An, Nam Định, Đồng Tháp… dẫn đến một kết cục là không tìm được người để thay thế cho đội 1, lấy gì cung cấp thêm nguồn cho bóng đá quốc gia. Ngược lại, các đội tuyển U.13, U.16, U.19 quốc gia hiện lại phải cậy nhờ các lò đào tạo chuyên biệt như Viettel, HA.GL - Arsenal hay PVF…

 

Chuyện đào tạo trẻ trở thành đề tài gây nhiều tranh luận trong thời gian qua, nhân đây tôi cũng có vài góp ý. Tại sao chúng ta cứ đề xuất bắt đầu từ lứa U.14 mà lại không làm từ lứa U.11? Những gì mà Học viện HAGL đang làm tốt trong thời gian qua thì cũng nên vận dụng theo mô hình ấy.

Ngoài ra, hai tuyến cũng rất quan trọng là U.15 và U.19. Như lứa U.15, nếu có nền tảng căn cơ, sau 4-6 năm, chúng ta sẽ có lực lượng nòng cốt mạnh cho đội tuyển tham dự Asiad rồi còn gì?

 

Thứ nhất, tôi nghĩ VFF nên yêu cầu các CLB ở V-League lẫn hạng nhất đều phải có tuyến U.11, cần phải đầu tư từ lứa tuổi này mới có nền tảng tốt được.

Kinh phí trong thời buổi này khó có ông bầu nào đủ sức để nuôi dàn trải nhiều tuyến kế cận, nhưng hầu hết các địa phương hiện nay, các tuyến trẻ đều lấy nguồn kinh phí từ Nhà nước cả, đến khi trưởng thành mới cung cấp cho các đội chuyên nghiệp. Thế nên với các CLB cũng không quá bận tâm.

 

Còn với VFF, thay vì tập trung đào tạo như mô hình hiện nay, nên chăng lấy nguồn tiền đó hỗ trợ cho các CLB, địa phương để họ cùng đào tạo? Dĩ nhiên là VFF sẽ lập ra Ban điều hành để quản lý việc này, trong đó có cả việc cử người đi nắm bắt tình hình ở các nơi trong thời gian đào tạo.
 
Tôi nghĩ các CLB sẽ rất ủng hộ vì vừa được hỗ trợ và còn là trách nhiệm quốc gia. Làm như vậy, việc đào tạo sẽ có được diện rộng hơn và sau này, khi tập trung đội tuyển, tôi tin sẽ có được thành phần tốt nhất.

 

Chứ như mô hình hiện nay, nếu VFF ôm 30 cầu thủ thì sau 6-7 năm đào tạo chưa chắc cho ra lò được một đội hình hoàn chỉnh, cùng lắm cũng chỉ đạt được một nửa thôi. Thay vì đưa ra lời kêu gọi, đào tạo suông, thiết nghĩ cần có định hướng rõ ràng và sau 4-6 năm sẽ có được lứa cầu thủ tốt.

 

Lợi thế hiện nay là chúng ta có 24 CLB chuyên nghiệp và hạng nhất, rồi những lò đào tạo như Viettel, PFV. Nếu VFF cùng bàn bạc và có chiến lược hỗ trợ như trên, tôi nghĩ đó cũng là hướng tích cực.

 

 

Thero SGGPO

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh