Giải Bóng chuyền các đội mạnh phía Nam- tranh Cup Sanatech Bến Tre 2013 kết thúc vào tối 29/6 sau 8 ngày thi đấu tại Nhà thi đấu TDTT Bến Tre. Khác với những mùa giải liền kề trước đó, trong cuộc họp kỹ thuật với sự tham dự của nhiều quan chức, HLV các đội bóng, một thành viên có trách nhiệm của BTC tỏ ra buồn bã khi cho biết thông tin: “Có khả năng, đây sẽ là lần
Giải Bóng chuyền các đội mạnh phía Nam- tranh Cup Sanatech Bến Tre 2013 kết thúc vào tối 29/6 sau 8 ngày thi đấu tại Nhà thi đấu TDTT Bến Tre. Khác với những mùa giải liền kề trước đó, trong cuộc họp kỹ thuật với sự tham dự của nhiều quan chức, HLV các đội bóng, một thành viên có trách nhiệm của BTC tỏ ra buồn bã khi cho biết thông tin: “Có khả năng, đây sẽ là lần sau cùng Bến Tre tổ chức giải đấu truyền thống này”…
Pha tấn công của đội XSKT Vĩnh Long trước Maseco TP Hồ Chí Minh.
|
Nhớ lại bước tạo đà hoàn hảo
Thấm thoát đã gần chục năm kể từ khi những đơn vị đồng sáng lập giải đấu là Trường Đại học TDTT và Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) TP Hồ Chí Minh cùng với một số sở TDTT các địa phương như Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre, Đồng Nai... tổ chức lần đầu tiên vào năm 2004 tại Nhà thi đấu Quân đoàn 4 (Bình Dương), đến nay quy mô tổ chức đã mở rộng dần ra các tỉnh phía Bắc.
Những ngày đầu lắm phần gian nan ấy, mỗi năm giải được tổ chức 2- 3 vòng đấu, luân phiên lần lượt qua các địa phương lo tổ chức phí và sau cùng BTC gộp tổng thành tích để xác định các vị trí dẫn đầu chung cuộc.
Thời đó, phần thưởng chẳng có gì ngoài những lá cờ tặng, bó hoa tươi thắm và chiếc Cúp Vô địch do đích thân Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT TP Hồ Chí Minh- PGS.TS Lâm Quang Thành và Giám đốc Trung tâm HLTTQG TP Hồ Chí Minh- TS Nguyễn Thành Lâm trực tiếp vận động tài trợ nhờ mối quan hệ rộng rãi của mình.
Hoàn toàn chẳng có đồng tiền thưởng nào, nhưng sự vinh danh thành quả qua cả năm phấn đấu của từng đội cũng đã làm nức lòng các cầu thủ không kém những khi họ có dịp bước lên bục cao nhất ở các giải đấu thuộc hệ thống quốc gia.
Vì sao nên nỗi?
Dần dà theo thời gian, nhiều đội bóng trong khu vực phía Nam đã có khoảng cách về trình độ chuyên môn qua việc lên- xuống hạng, cộng với nhóm đội mới thành lập nhưng đạt sự thăng tiến nhất định sau này nên giải bắt đầu có sự phân hóa.
Tuy vậy, do hàng năm các giải trong hệ thống quốc gia quá ít, mỗi đội bóng chỉ được thi đấu không quá 5 (giải hạng A) hoặc 10 trận (giải VĐQG) nên để “tự cứu lấy mình”, giải vẫn tiếp tục được duy trì đều đặn với địa chỉ tổ chức duy nhất là Bến Tre, kể từ năm 2006.
Ban đầu chỉ là giải mời với mục đích chính để tăng thêm cơ hội thi đấu cọ xát cho những đội bóng trong khu vực, gồm 5- 7 đội nam hạng “xoàng xoàng”, thêm Hoàng Long Long An hay Bưu điện Trà Vinh (nam), Bình Điền Long An, Vietsov Petro (nữ) thuộc hàng “cứng cựa” nhờ họ luôn đứng trong tốp đầu giải VĐQG.
Kinh phí tổ chức phần lớn dựa vào ngân sách địa phương Bến Tre cộng thêm phần “hùn” với số tiền chẳng nhỏ, khoảng 3- 5 triệu đồng/đội do các đội đóng góp nhằm giúp tăng thêm giá trị và cơ cấu giải thưởng theo định mức vốn còn quá khiêm tốn.
Thế nhưng, ngày càng có thêm nhiều đội bóng ở các khu vực khác đăng ký tham dự, như Đức Long Gia Lai, Quân khu 5 (nam), Quảng Ninh, Tiến Nông Thanh Hóa (nữ)...
Và thế là từ năm 2011, có lẽ do “tiếng lành đồn xa” nên một số doanh nghiệp ngoài tỉnh đã gợi ý được đồng hành làm nhà tài trợ cho giải, như XNLD Dầu khí Vietsov Petro, Công ty Yến sào Khánh Hòa, Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh), Công ty Xây lắp Dầu khí Thái Bình Dương, Công ty Cao su Phú Riềng (Bình Phước)... Mỗi nơi một ít để góp phần cùng Bến Tre “gột nên hồ”.
Tương lai
Giờ đây, khi đã trở thành giải đấu truyền thống và từ năm 2011 được nâng tầm lên thành giải đội mạnh nam, nữ khu vực phía Nam mở rộng, nhiều CLB thi đấu tại giải VĐQG PV Oil hoặc đứng đầu giải hạng A toàn quốc cùng năm, như: Sanest Khánh Hòa, Maseco TP Hồ Chí Minh, Long An, Quân đoàn 4, Quân khu 9, XSKT Vĩnh Long, VLXD Biên Hòa, VLXD Bình Dương, Công an TP Hồ Chí Minh, Bến Tre (nam), VTV Bình Điền LA, Truyền hình Vĩnh Long, Bia Sài Gòn Thái Bình Dương, Cao su Phú Riềng, Tân Bình (TP Hồ Chí Minh), Quảng Ninh, Tiến Nông Thanh Hóa (nữ)… đã trở thành những “người nhà” của giải.
Không những thế, chất lượng giải đấu ngày một thu hút khán giả hơn nhờ sự góp mặt của các ngoại binh đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Trung Hoa Đài Bắc, Liên bang Nga…
Tuy nhiên, sau 2 mùa giải (2012- 2013), hợp đồng của Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa ký kết với Bến Tre làm nhà tài trợ chính sẽ kết thúc, nên nỗi lo cho mùa giải tới của các nhà tổ chức không phải không có cơ sở.
Rõ ràng, sẽ là điều đáng tiếc nếu một giải đấu đã và đang trở thành nơi hội tụ hàng năm của nhiều CLB bóng chuyền nam, nữ cả nước, đồng thời là một trong những sự kiện thể thao truyền thống của khu vực phía Nam mở rộng đang đứng trước nguy cơ bị… xóa sổ.
Bài, ảnh: THANH TÙNG- DƯƠNG THU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin