Khởi nghiệp vì 'phải lòng' thớt kính

Cập nhật, 17:57, Thứ Hai, 04/04/2022 (GMT+7)

Từ trăn trở về mối nguy hiểm của các loại thớt gỗ, thớt nhựa ẩm mốc ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, chị Đặng Thị Hằng (32 tuổi, ở Q.Hải Châu, Đà Nẵng) đã rẽ hướng sang khởi nghiệp với ý tưởng xẻ kính làm... thớt.

Xưởng sản xuất của chị Hằng đang tạo công việc cho vài chục lao động - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Xưởng sản xuất của chị Hằng đang tạo công việc cho vài chục lao động - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Ý tưởng khởi nghiệp đi ngược lại với số đông này cũng xuất phát từ tấm lòng một người mẹ mong muốn dành những điều tốt nhất cho con mình.

Từ nỗi lo về sức khỏe của con

Cách đây bảy năm, khi mang thai đứa con đầu lòng, chị Hằng quyết định nghỉ công việc thiết kế tại một công ty đồ họa để ở nhà làm việc tự do và tập trung chăm sóc con cái. 

Những ngày nội trợ, chị Hằng luôn ám ảnh với chiếc thớt gỗ dễ bám bẩn, bị mốc rất nhanh và cứ mỗi lần băm đồ làm thức ăn giặm cho con thì chiếc thớt lại hằn chi chít vết dao. Nỗi lo ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con khiến chị suy nghĩ tìm một giải pháp thay thế chiếc thớt đang dùng.

Sẵn gia đình có xưởng kính, chị Hằng thử cắt một tấm kính cường lực dùng làm thớt, rồi "phải lòng" với chiếc thớt kính sơ khai ngay từ lần dùng đầu tiên. Ý tưởng kinh doanh cũng bắt đầu lóe lên trong đầu mẹ bỉm sữa này.

Ban đầu, chị Hằng chỉ nghĩ làm bán lẻ sản phẩm thớt kính trên Facebook, vừa kiếm thu nhập trang trải vừa để những ai có cùng quan điểm với mình được sử dụng chiếc thớt sạch sẽ. Chị bắt đầu lên mạng tìm hiểu, nhận thấy lúc đó thớt kính đã có mặt tại thị trường Việt Nam nhưng rất ít người kinh doanh lẫn người dùng.

Chị đã cùng chồng trải qua 5 tháng nghiên cứu mẫu mã, áp dụng công nghệ cường lực kính; cứ làm rồi tự mình trải nghiệm để tìm ra mẫu ưng ý và quy trình sản xuất tối ưu. 

"Tôi biết việc khó nhất chắc chắn là tiếp cận thị trường, bởi khi nhắc tới những vật dụng trong bếp, nhất là thớt mà làm bằng kính thì mọi người sẽ nghĩ ngay đến việc mong manh dễ vỡ. Nhưng vì bản thân quá hài lòng và yêu thích chiếc thớt kính nên tôi đã cố gắng tìm hướng để phát triển nó" - chị Hằng nhớ lại.

Đến hàng trăm điểm bán trên toàn quốc

Khách hàng đầu tiên của chị Hằng chính là người thân, bạn bè. Phần lớn người dùng thử đều nghĩ ý tưởng của chị sẽ không thành công. 

Nhận nhiều đánh giá không tốt với sản phẩm cũng khiến chị Hằng chững lại để suy nghĩ, nhưng chưa một giây nào chị nghĩ sẽ từ bỏ ý tưởng khởi nghiệp của mình. Ngược lại chính những lời góp ý, thậm chí chê bai đã giúp chị hoàn thiện hơn sản phẩm.

Rồi chị quyết định sản xuất 300 chiếc thớt kính cường lực "bán thăm dò" trên mạng xã hội và số thớt này được bán hết trong vòng vài giờ đồng hồ. Việc biết rằng có một tệp khách hàng là người nội trợ quan tâm đến vấn đề sức khỏe cực kỳ yêu thích sản phẩm khiến chị thêm động lực xây dựng thương hiệu thớt kính cường lực Sala.

Chị Hằng cho biết để những tấm kính biến thành thớt, phôi kính phải được kiểm tra kỹ đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng, không chứa chì và cadimi (một kim loại nặng). Trải qua nhiều công đoạn cắt thô, mài, bo góc, khoan lỗ, cường lực kính... mới tạo ra được những loại thớt mẫu mã khác nhau.

Ban đầu Sala chỉ sản xuất những thớt kính hướng đến độ bền cao, băm chặt không mẻ vỡ, sau đó chú trọng đến hoa văn trên thớt, rồi tiến đến cải thiện thêm mẫu thớt có viền silicone nhẹ hơn và giảm âm khi sử dụng.

Một thời gian chị Hằng rất áp lực khi đưa sản phẩm ra thị trường nhưng số lượng bán chưa cao vì nhiều người Việt còn nghi ngờ, e dè với việc dùng thớt kính. Tuy nhiên không phải vì thế mà chị nản chí. Ngược lại chị sử dụng chính sự thắc mắc, tò mò, nỗi sợ về thớt kính của mọi người để làm truyền thông. Cố gắng giải đáp toàn bộ những vướng mắc của khách hàng.

Chính những mẹ bỉm sữa là khách hàng của Sala đã đăng ký làm cộng tác viên giới thiệu sản phẩm thớt kính đến thị trường, vì họ cho rằng sạch sẽ, an toàn, vệ sinh dễ dàng, không nấm mốc độc hại, không để lại vết dăm mảng bám trên bề mặt kính và độ bền cao.

Giờ đây, chị Hằng đã xây dựng cơ sở sản xuất thớt kính Sala riêng với 6 nhân công chính và khoảng 20 lao động bán thời gian. Từ 300 chiếc nay đã vài chục ngàn chiếc thớt được xuất đi mỗi tháng. Hàng chục cộng tác viên là mẹ bỉm sữa cùng hàng trăm đại lý, nhà phân phối trên toàn quốc cũng đang từng ngày cùng chị Hằng mở rộng thương hiệu thớt kính vì sức khỏe.

Sản phẩm thớt kính cường lực Sala cũng vừa được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của TP Đà Nẵng năm 2021.

"Cảm hứng khởi nghiệp" truyền lửa đến giới trẻ

Chuỗi sự kiện Tuổi Trẻ Golf Tournament For Start-up 2022 đã khép lại bằng chương trình talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp", tổng kết, vinh danh và trao giải các start-up tiêu biểu mùa 3 tại Đại học Quốc gia TP.HCM vừa qua.

Nhằm tạo sân chơi ý nghĩa và khích lệ tinh thần khởi nghiệp cho start-up cả nước, báo Tuổi Trẻ phối hợp Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM triển khai các hoạt động liên quan, thu hút hàng ngàn bạn trẻ và các chuyên gia uy tín tham dự.

Trước đó, các nhà khởi nghiệp trẻ cũng đã được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và được truyền cảm hứng khởi nghiệp từ các gôn thủ vào đêm gala tại Long Thành (Đồng Nai).

Đây là hoạt động thường niên nhằm kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn, hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp. Qua đó, khuyến khích tinh thần thể thao, vận động, tạo sự lan tỏa, kết nối các doanh nghiệp, thêm cơ hội giao lưu giữa cộng đồng doanh nhân.

Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng.

BTC đã chọn 30 start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông, Hưng Thịnh Land, FE Credit, Number 1, An Hòa, Tân Thuận CT&D, Esuhai...; trong đó có giải thưởng đặc biệt trị giá 100 triệu đồng do Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông trao tặng.

 

Theo Đoàn Nhạn- MINH HUỲNH (Báo Tuổi Trẻ)